Cô gái Afghanistan và tình yêu đối với môn thể thao 'không dành cho mình'

06/05/2018 - 11:00

PNO - Khalida Popal đang ở đỉnh cao môn thể thao yêu thích của mình ở Afghanistan khi cô trở thành đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia và tham gia thi đấu quốc tế.

Đội trưởng Popal là gương mặt công chúng của một đội bóng nữ không ít lần bị những thế lực bảo thủ ở Afghanistan vùi dập.

Popal bị chỉ trích, các nữ cầu thủ trong đội bị miệt thị là “những con điếm”. Nhưng điều đó chỉ càng khiến cho cô quyết tâm theo đuổi môn thể thao này.

Co gai Afghanistan va tinh yeu doi voi mon the thao 'khong danh cho minh'
Đội trưởng bóng đá nữ quốc gia Afghanistan Khalida Popal - Ảnh: Khalida Popal

Cô cùng đội của mình tập luyện tại một căn cứ của NATO và cuối cùng đã chơi một trận tưng bừng trên sân vận động Ghazi ở thủ đô Kabul với đội bóng nữ của một nước láng giềng.

Nhưng tình yêu túc cầu của Popal cũng phải trả giá, sự thù ghét trong nước ngày càng gay gắt và gia đình cô còn bị dọa giết.

Cuối cùng, cô phải chạy trốn khỏi Afghanistan, cô đến Đan Mạch và được phép tị nạn. Dưới đây là những gì Popal trả lời phỏng vấn của trang mạng PRI về những trải nghiệm và chuyến đi của cô.

Được hỏi cô đã lớn lên khó khăn thế nào ở một đất nước do đàn ông ngự trị, Khalida Popal nói cô khó khăn rất nhiều, đặc biệt khi muốn chơi bóng đá, môn thể thao yêu thích của cô.

“Tôi lớn lên cùng môn thể thao này, tôi bắt đầu đá bóng cùng các anh em trai khi mới 8-9 tuổi”, Popal nói và cho biết đó là thời kỳ đen tối của Afghanistan.

Mặc dù Taliban đã bị lật đổ nhưng tư tưởng của họ vẫn ngự trị khắp nơi: Phụ nữ phải ở trong nhà, họ không được pháp tham gia các hoạt động thể thao như bóng đá. Popal nhớ lại họ chỉ đá bóng giải trí cũng bị một nhóm đàn ông tấn công.

Popal nói: “Tôi sẽ đứng dậy đòi quyền của mình và của mỗi người phụ nữ ở đất nước tôi, tôi sẽ đấu tranh vì trái bóng để chứng minh phụ nữ cũng có thể đá bóng hay như nam giới”. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng, và cô gái mê bóng đá gặp muôn vàn khó khăn.

Popal nhiều lần bị đe dọa, có lần cô bị một nhóm phụ nữ tấn công. Ở trường, cô nhiều lần bị các thầy cô tát vào mặt và người ta tìm cách đuổi cô khỏi trường với lý lẽ “phụ nữ không phải sinh ra để đá bóng”, bóng đá là môn thể thao của nam giới.

Khi được hỏi về cuộc chạy trốn khỏi Afghanistan, Popal kể lại cô làm mọi thứ trong bí mật, cô bỏ lại gia đình và đất nước để tiếp tục đấu tranh cho quyền của phụ nữ ở nước này. Trước tiên cô đến Ấn Độ rồi sau đó mới đến Đan Mạch xin tị nạn.

Co gai Afghanistan va tinh yeu doi voi mon the thao 'khong danh cho minh'
Khalida Popal hiện huấn luyện đội bóng đá nữ thiếu niên Mexico để tham dự Cúp Thế giới Trẻ em đường phố - Ảnh: Khalida Popal

Popal đến Đan Mạch năm 2012. Ở trại tị nạn cô giúp những phụ nữ cùng cảnh ngộ thoát khỏi trầm cảm thông qua hoạt động thể thao. Cô thành lập một tổ chức riêng của mình giúp phụ nữ tị nạn đi khắp châu Âu nhờ thể thao.

Popal kể khi cô rời Afghanistan, nước này đã có hơn 1.000 phụ nữ chơi bóng đá và đất nước có một đội tuyển quốc gia bóng đá nữ. Đội bóng tham gia nhiều trận đấu trong nước và quốc tế. Các đội tuyển bóng đá nữ thi đấu với Afghanistan chủ yếu đến từ các nước nam Á - Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Maldives.

Hiện tại, Khalida Popal đang huấn luyện đội bóng đá nữ thiếu niên Mexico để tham dự Cúp Thế giới Trẻ em đường phố ở Moscow vào ngày 11/5 sắp tới. Bóng đá vẫn luôn là tình yêu và cuộc sống của cô gái Afghanistan quả cảm.

Cẩm Hà (Theo PRI)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI