Chuyện người hâm mộ cuồng thần tượng, khóc lóc ở sân bay, leo rào, trèo tường chỉ để được nhìm ngắm thần tượng hoặc có những hành động thái quá như: xé áo, bứt tóc... không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, việc phát điên vì thần tượng chắc chắn là trường hợp hy hữu tại Việt Nam.
Mới đây, một cô gái 22 tuổi phải điều trị tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103 vì thần tượng thái quá ca sĩ Đ.V.H.
Theo lời kể từ gia đình, cô gái này có thể không ăn, không ngủ, cả ngày chỉ mải mê với niềm vui đến từ chiếc điện thoại, trong đó có hàng trăm, hàng nghìn bài hát, ảnh của nam ca sĩ Đ.V.H. Gần đây, cô dần mất nhận thức, không thể đi học được nữa. Cô thường hay nghe nhạc trong tâm trạng buồn, vui lẫn lộn.
|
Nữ sinh đang điều trị trong bệnh viện vì quá thần tượng ca sĩ Đ.V.H |
Cách đây 2 năm, nữ sinh này từng sinh ra ảo tưởng Đ.V.H đang ở trước cổng nhà vẫy gọi nên đã nhảy từ tầng 2 xuống, bị rách chân và chấn thương đầu, phải đưa vào viện cấp cứu. Chuyện ai đó thần tượng một nghệ sĩ không hề sai. Tình yêu thương, sự ngưỡng mộ này có những mặt tích cực mang đến niềm vui, động lực sống và có thể truyền cho họ những câu chuyện cảm hứng để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Vừa qua, nhóm nhạc BTS đã có bài phát biểu truyền cảm hứng tại Liên Hiệp Quốc, nói về tình yêu thương và niềm tin với chính bản thân mình. Sự nỗ lực, vươn lên của họ từ trong những dè bỉu, hoài nghi vài năm trước đã trở thành câu chuyện được đánh giá có tác động tích cực với khán giả trẻ, cộng đồng người hâm mộ rộng lớn.Mẹ nữ sinh cho biết: “Đ.V.H. biểu diễn ở đâu cháu cũng đi xem, Bắc Ninh, Bắc Giang gia đình đều đồng ý. Bây giờ, cháu phải vào viện điều trị tâm lý nhưng chỉ cần nghe tin Đ.V.H. biểu diễn ở bất kỳ đâu cháu cũng theo dõi. Nhiều lúc cháu như lên cơn, coi người thân trong gia đình không còn thân thiết, cũng như không cần bất kỳ ai nữa”.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ: “Đọc tin về bé gái hâm mộ chú Hưng để xảy ra sự cố, thật sự lúng túng từ tối qua đến giờ. Hiếm khi nào mình bó tay hay bị động trước mọi tình huống. Không thể im lặng như một kẻ vô trách nhiệm với người hâm mộ của mình”.
Đàm Vĩnh Hưng cho biết rất muốn đến thăm bé nhưng vẫn phải chờ đợi sự tư vấn của bác sĩ tâm lý để có dịp thích hợp nhất. Nam ca sĩ cũng gửi lời nhắn nhủ đến cộng đồng người hâm mộ, luôn phải yêu quý, giữ gìn bản thân từ sự việc hy hữu này
|
Tuy nhiên, những điều tích cực này sẽ biến mất nếu việc hâm mộ thần tượng trở nên thái quá, vượt mức cho phép, được gọi là “cuồng thần tượng”. Việc cuồng thần tượng dẫn đến hệ luỵ như cô gái trẻ ở trên cũng như những trường hợp tự tử, phạm tội vì thần tượng trong nhiều năm qua khiến dư luận không khỏi xót xa, bàng hoàng. Tuy nhiên, những việc đau lòng này hoàn toàn nằm ngoài sự mong muốn, kiểm soát của các nghệ sĩ. Sự cố xảy ra, nghệ sĩ cũng rơi vào tình trạng lúng túng và bị ảnh hưởng tiêu cực. Bản thân họ cũng chỉ mong được yêu thương và khán giả hoạt động lành mạnh.
|
Đàm Vĩnh Hưng có lượng người hâm mộ đông đảo trong và ngoài nước |
Câu chuyện của khán giả nữ kể trên lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh khi con em bước vào độ tuổi trưởng thành. Tình yêu thương không đồng nghĩa với sự nuông chiều thiếu định hướng. Thay vào việc chỉ thoả mãn nhu cầu liên quan đến thần tượng, cha mẹ nên chia sẻ, trò chuyện để con trẻ có được sự định hướng đúng đắn trong yêu thương, nhận thức về thần tượng.
Phụ huynh cần tôn trọng cảm xúc của con cái nhưng đừng để việc con em xem chuyện trở thành fan cuồng là bình thường. Trẻ cần được dạy kỹ năng để chống lại sự mềm yếu, sống tích cực, lạc quan với tình cảm có được. Phụ huynh cũng cần theo sát con em trong thời gian trưởng thành, nắm bắt những bất ổn tâm lý để có những giải pháp kịp thời. Tránh việc mất bò mới lo làm chuồng.
|
Khán giả đội nắng, ôm hàng rào chờ đợi nhóm nhạc Hàn Quốc Winner trong đêm diễn tại TP.HCM. |
Hiện tại, mạng xã hội, truyền thông, các thiết bị điện tử phát triển mạnh. Giới trẻ tiếp nhận nhiều thông tin về thần tượng từ chúng. Bên cạnh những mặt lợi, giới trẻ cũng chịu những tác động tiêu cực từ công nghệ số. Người trẻ gần như cô đơn trên thế giới ảo. Nếu thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình, việc tự thu mình và chỉ mải mê vào những mối quan hệ ảo là hệ luỵ sớm muộn.
Những trường hợp người hâm mộ tự tử vì thần tượng
- Tháng 12/2017: Ca sĩ Kim Jonghyun, trưởng nhóm nhạc SHINee qua đời vì tự tử. Chỉ trong 24 giờ sau đó, có khoảng 8 khán giả tại Hàn Quốc, Mỹ, Chi-lê, Indonesia tự tử theo nam ca sĩ.
- Tháng 10/2017: Nam ca sĩ Lộc Hàm công khai hẹn hò Quan Hiểu Đồng. Nhiều người hâm mộ đã quay lưng, chỉ trích, thậm chí đòi nhảy lầu tự tử. Trong số đó, có người đã quay lại video clip về quá trình cắt cổ tay khiến cộng đồng mạng hoảng sợ.
- Tháng 10/2014: Cựu ngôi sao điện ảnh Ấn Độ Jayalalithaa Jayaram bị kết án 4 năm tù vì tội tham nhũng. Đã có khoảng 50 người tìm cách tự tử bằng cách tự thiêu, treo cổ, uống thuốc độc…
- Tháng 3/2012: Một người hâm mộ dùng dao đâm vào bụng để tự tử khi hay tin thần tượng rời nhóm nhạc AKB48 để phát triển sự nghiệp solo. Tuy nhiên, chàng trai này may mắn được cứu sống.
- Năm 2010: Nam diễn viên Park Yong Ha tự tử bằng dây cáp điện thoại. Sau đó không lâu, một khán giả nữ 49 tuổi cũng tự tử theo vì không chịu nổi cú sốc thần tượng qua đời.
- Tháng 6/2009: Michael Jackson qua đời. Có khoảng 12 khán giả tự tử sau cái chết của nam ca sĩ huyền thoại. Tại Nga, một khán giả nữ may mắn tự tử không thành.
|
Thành Lâm