Cô gái 8X - chuyên gia trang điểm cho người đã khuất

20/10/2020 - 15:04

PNO - Nghề trang điểm cho người đã khuất tại Việt Nam chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm bởi cần sự gan dạ, bạo tay và có thần kinh thép. Nhưng với Đinh Phương Loan (sinh năm 1988, quê Hạ Hòa, Phú Thọ), công việc này lại hết sức bình thường và nó đến với cô như một cái duyên của nghề make up.

Giúp gia đình những người đã khuất có thể hoàn thành tâm nguyện

Là một thợ make up chuyên nghiệp, từng có một thu nhập ổn định nhờ nghề trang điểm đám cưới và các sự kiện, vì vậy khi Đinh Phương Loan chuyển sang làm công việc ai nghe cũng sợ hãi đã khiến bạn bè, người thân ngỡ ngàng.

Loan chia sẻ, dù đã chuyển nghề gần 1 năm nhưng cô vẫn chưa dám kể cho bố mẹ. Bởi khi làm "công tác tư tưởng" về việc định chuyển nghề, cô bị bố mẹ gạt phắt và yêu cầu không được làm công việc này. 

Dù không được sự đồng ý, nhưng Loan nói, công việc này dần đến với cô như một cái duyên. Những sự việc vô tình xảy ra liên tiếp đã thúc giục cô đổi nghề bất chấp sự phản đối của bố mẹ.

"Cái duyên đầu tiên" đó là khi chị gái của một người bạn thân cùng quê mất khi tuổi đời còn khá trẻ vì bệnh tật. Người bạn đã nhờ Loan tìm cho một người trang điểm tử thi, giúp người chị có thể giữ được vẻ đẹp khi sang bên kia thế giới.

Đinh Phương Loan chia sẻ về công việc ít người làm của mình
Đinh Phương Loan chia sẻ về công việc ít người làm của mình

"Để tìm được người làm nghề trang điểm tử thi thực sự rất khó, nhất là lại ở quê mình vì đây là công việc rất đặc biệt. Nếu đưa đến nhà tang lễ thì họ chỉ đánh phấn và bôi ít son, đó không thực sự là trang điểm. Sau khi nghe bạn nhờ, đêm hôm đó mình đã trăn trở đến mất ngủ. Vừa thương bạn, vừa thương người chị gái nên hôm sau mình đã quyết định sẽ làm người trang điểm cho chị khi nhập quan", Loan kể lại.

Từ lần đó, thấy được ý nghĩa, Loan lại nhen nhóm ý định gắn bó với công việc đặc biệt ít người làm này. Ý định đó trở thành sự thật khi Loan gặp đại diện của công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), khi ấy nơi này còn chưa có dịch vụ trang điểm cho người đã khuất. Nghe được câu chuyện của cô gái này, đại diện nghĩa trang đã mời cô hợp tác để giúp gia đình những người đã khuất có thể hoàn thành tâm nguyện.

Công việc cần tinh thần thép

Những ngày đầu làm công việc này, cô gái đến từ Phú Thọ cũng nhận phải sự gièm pha, bàn tán của người khác. Nhiều người không hiểu vì sao Loan lại chuyển sang một công việc rùng rợn, đáng sợ như vậy.

Đáp lại, Loan chỉ nói rằng, mình làm vì cái tâm. Mỗi lần trang điểm xong cho một người đã khuất, nhìn thấy gia đình của họ có thể an lòng hơn trong nỗi đau mất mát, Loan cảm thấy vô cùng thanh thản. Có lẽ cũng vì quan niệm như vậy, nên mỗi lần làm việc, cô không hề có cảm giác sợ hãi hay "lạnh sống lưng" như nhiều người vẫn đồn thổi.

"Cảm xúc duy nhất khi ấy chỉ là nỗi buồn man mác, cảm thương cho số phận của người đã khuất. Cũng nhờ đó mà có bác sau khi xong xuôi công việc cho chị gái đã gọi điện cảm ơn mình rất nhiều lần. Bác ấy bảo "không ngờ cháu trẻ thế và làm tốt đến thế". Đi đến nhà tang lễ nào mình cũng được mọi người ủng hộ. Quan trọng nhất là mang đến sự hoàn thiện cho người đã mất là mình thấy tâm thanh thản", Loan tâm sự.

Những dụng cụ Loan dùng để luyện tập và hướng dẫn cho người mới
Những dụng cụ Loan dùng để luyện tập và hướng dẫn cho người mới

Dù được đào tạo chuyên nghiệp về make up, nhưng khi bước vào nghề đặc biệt này Loan cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ. Đã trang điểm cho người đã khuất một số lần nhưng cô vẫn có nhiều điều cần học, trong đó có những quy trình và vấn đề kiêng kị theo văn hóa và quan niệm của từng nơi.

"Mình phải lần mò tìm hiểu, học hỏi trên các trang mạng, kinh nghiệm từ những người đi trước. Thậm chí mình còn phải nhờ bạn sống ở nước ngoài tìm tài liệu dịch ra tiếng Việt để học. Việc trang điểm cho người đã khuất cũng cần phải làm nhiều công đoạn, chọn mỹ phẩm phù hợp với da của họ. Đặc biệt, khi trang điểm cho người đã khuất thì không được di chuyển khuôn mặt nên người ngoài nghề sẽ thấy rất khó. Ngoài ra cũng kiêng không được cắt tóc, cắt móng tay, chỉ giũa, rồi sơn móng tùy theo độ tuổi và phải tuân thủ những kiêng kị khác do gia đình yêu cầu", Loan cho biết.

Khác với Đinh Phương Loan, cô gái trẻ mới chập chững vào nghề như N.T.P. (sinh năm 1997) lại tỏ ra vô cùng sợ hãi khi thực hiện lần trang điểm đầu tiên. Loan kể, sau khi làm các thủ tục tâm linh xong, khi cô vừa lật tấm vải trắng lên thì P. tỏ ra vô cùng sợ hãi, chạy thẳng ra khỏi phòng và không quay lại.

Sau vài lần hỗ trợ của Loan, P. đã dạn dĩ hơn rất nhiều. Mặc dù chưa bao giờ tự ti về công việc mình đang làm, nhưng P. cho biết mình vẫn chưa đủ tự tin để kể với người thân, bạn bè. P. mong muốn mọi người có cái nhìn cởi mở hơn về nghề này. Bởi đây là một việc có ý nghĩa, đem lại an ủi rất lớn đối với thân nhân người đã mất.

Loan và P. chuẩn bị cho một lần trang điểm.
Loan và P. chuẩn bị cho một lần trang điểm

Và hiện tại, mỗi khi nhận thông báo từ gia đình người đã mất, Loan và P. lại chuẩn bị đồ nghề đến trước giờ nhập quan hai tiếng để tiến hành trang điểm. Việc dùng mỹ phẩm mới hay cũ thường tùy vào yêu cầu của gia đình, còn cây cọ dùng để trang điểm Loan sẽ thay mới sau mỗi ca. Tiền trang điểm sẽ dao động từ 3,5 triệu đến 14 triệu đồng/ca. Đến nay, Loan đã thực hiện cho hơn 100 khách hàng, trong đó có 40 khách hàng của nghĩa trang Lạc Hồng Viên.

Loan cho biết, ca nào nằm trong khả năng cô mới dám nhận, vì có những trường hợp người mất vì tai nạn giao thông, khuôn mặt nhiều biến dạng, khó có thể làm đẹp được.

"Để có thể trang điểm được cho những người không may qua đời vì tai nạn giao thông, mình đang nhờ bạn đăng ký một khóa học ở Đài Loan (Trung Quốc). Trong khóa học này người ta sẽ dạy cho mình biết cách phục hồi cho người mất để làm sao họ trở lại được tình trạng gần như nguyên bản. Việc đó sẽ khó hơn nhiều so với việc chỉ trang điểm đơn thuần", Loan chia sẻ.

An Vũ - Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI