Cô gái 19 tuổi bỏng độ 2 do cáp sạc điện thoại chạm vào dây chuyền

27/07/2019 - 08:21

PNO - Cô gái trẻ tại Mỹ bị bỏng cấp độ hai sau khi nằm trên giường và vô tình để cáp sạc iPhone không chính hãng, vẫn còn kết nối nguồn điện, chạm vào dây chuyền ở cổ.

Cô gái 19 tuổi giấu tên đang nằm trên giường với đầu cáp sạc đặt bên dưới gối; thiết bị vẫn được cắm vào ổ điện nhưng không kết nối vào điện thoại của nạn nhân. Bỗng dưng, cô gái "cảm thấy bỏng rát" và "đau dữ dội" quanh cổ.

Sau đó, nạn nhân được đưa đến Bệnh viện nhi đồng C.S Mott thuộc Đại học bang Michigan, nơi bác sĩ chẩn đoán cô bị bỏng cấp độ 2 quanh vùng cổ. Bệnh nhân đã trải qua qua trình chụp X-quang động mạch nhằm kiểm tra các mạch máu. Kết quả cho thấy cô không bị gãy xương, tổn thương mô mềm hay mạch máu.

Co gai 19 tuoi bong do 2 do cap sac dien thoai cham vao day chuyen
Sử dụng cáp sạc không chính hãng, cô gái bị bỏng vì chạm điện.

Ê-kíp điều trị, dẫn đầu bởi bác sĩ nhi khoa Carissa Bunke, kết luận trong báo cáo đăng trên Tạp chí Annals of Emergency Medicine rằng: “Cáp sạc chạm vào vòng cổ của cô gái trẻ và truyền dòng điện vào đó… Sau khi trải qua cảm giác bỏng rát đột ngột, bệnh nhân 'hoảng loạn' và kéo đứt sợi dây chuyền”.

Các chuyên gia bỏng giúp tháo phần còn lại của vòng cổ ra khỏi vết thương. Cô gái được cho uống morphine giảm đau và gửi về nhà tự điều trị.

Sau khi nêu ra trường hợp trên, các tác giả cảnh báo: “Trẻ em và thanh thiếu niên thường sạc điện thoại vào ban đêm, một số thậm chí sạc ngay trên giường ngủ”. "Tổn thương do dòng điện" đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là với sự xuất hiện ngày càng nhiều "thiết bị giá rẻ giả tên tuổi các nhà sản xuất nổi tiếng”.

Co gai 19 tuoi bong do 2 do cap sac dien thoai cham vao day chuyen
Vết cháy trên cổ nạn nhân khi cáp sạc chạm vào dây chuyền, gây rò rỉ điện.

Tiến sĩ Bunke bổ sung: “Bộ sạc điện thoại giả có thể gây bỏng hoặc điện giật. Vì ngay cả với một thiết bị có điện áp thấp, nếu dòng điện cao thì tai nạn điện giật có thể nghiêm trọng”. Trước đây, các bác sĩ cũng từng gặp trường hợp một thanh niên bị 'điện giật và văng khỏi giường' khi bộ sạc giả (in dấu sản xuất từ Apple) của cậu ta tiếp xúc với vòng cổ đang đeo.

Hai nghiên cứu gần đây điều tra sự an toàn của bộ sạc giả thông thường so với những bộ sạc giả nhãn hàng Apple. Nghiên cứu thứ nhất chỉ ra rằng trong số 64 bộ sạc giả thông thường, 58% thất bại trong 'thử nghiệm độ bền điện'. Chỉ tiêu này là yếu tố giúp đảm bảo người dùng có thể chạm vào cáp hoặc phích cắm mà không bị điện giật.

Ở nghiên cứu thứ hai, chỉ có 3 trong số 400 bộ sạc “ghi iPhone” được thử nghiệm vượt qua bài kiểm tra độ bền điện, tương đương tỷ lệ thất bại 99%.

Co gai 19 tuoi bong do 2 do cap sac dien thoai cham vao day chuyen
Bộ sạc chính hãng của Apple thường có nhãn màu xám, cầm chắc tay, dấu kiểm định CE và được làm mịn ở phần đầu cắm.

Tiến sĩ Bunke kết luận: "Trẻ em và thanh thiếu niên đặc biệt có nguy cơ tổn thương do sử dụng thiết bị di động thường xuyên. Họ không nên ngủ với điện thoại, hoặc để thiết bị di động đang sạc trên giường và tuyệt đối tránh để bộ sạc cắm vào nguồn điện khi không kết nối với điện thoại”.

Linh La (Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI