Có FTA, tôm cá khó bán như chợ nhà

18/07/2019 - 07:04

PNO - Các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA mở ra cơ hội cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, song cũng không dễ để các doanh nghiệp xuất theo ý thích.

Theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cơ hội lớn nhất mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính là hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu được giảm bớt và dỡ bỏ.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. 

Một số mặt hàng có ưu đãi đáng kể như cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Với CPTPPP, VASEP cho rằng, cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường, vốn đang chiếm 25% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, vì hầu hết được cắt giảm thuế về 0%. Một số thị trường như Nhật Bản, cơ hội thuế xuất khẩu thấy rõ khi hầu hết sản phẩm chế biến đang chịu thuế cơ bản 4,8 - 10,5% được giảm về 0% ngay, trừ sản phẩm chế biến từ cá trích, cá thu có lộ trình 6 năm và sản phẩm gạo có lộ trình 11 năm…

Hiệp định này cũng mang lại cơ hội đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ việc gia tăng nhập khẩu từ các nước để sản xuất chế biến xuất khẩu và gia công nhờ thuế nhập khẩu giảm hoặc về 0%. Thống kê từ VASEP cho thấy, các nước CPTPP chiếm gần 16% nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

Co FTA, tom ca kho ban nhu cho nha
Ngành thuỷ sản được đánh giá đón nhận nhiều cơ hội khi Việt Nam khi chính thức gia nhập CPTPP & EVFTA

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng ban Pháp chế, Giám đốc trung tâm WTO (VCCI), cơ hội trong ngành thuỷ sản tại các hiệp định CPTPP & EVFTA nhiều hơn thách thức. Để được hưởng mức thuế này thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm . Quy tắc xuất xứ ở đây có nghĩa là hàng thủy sản phải có nguyên liệu và được sản xuất trong lãnh thổ nước xuất khẩu hoặc có xuất xứ nội khối các nước tham gia hiệp định.

Bên cạnh đó, những cam kết về mặt môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi quy trình sản xuất, đánh bắt, chế biến và nâng cao năng lực quản trị.

"Những thách thức này cũng là cơ hội cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có thể thực hiện được. Thứ nhất tạo ra thương hiệu cho sản phẩm thuỷ sản Việt Nam thứ hai là đáp ứng được cho các thị trường này cũng đồng nghĩa chúng ta có thể đi vào bất cứ thị trường nào”, bà Trang nói.

Các sản phẩm trong nước có thể sẽ phải đối diện với hàng rào phi thuế quan cao, trong đó có các quy định gì về việc sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT) và biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS) chặt chẽ; quy tắc tiêu chuẩn ngặt nghèo khác về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...

"Chúng tôi sẽ cùng Hiệp hội các ngành hàng xây dựng kế hoạch chi tiết về việc cần làm của nông dân, chính quyền địa phương, cơ quan trung ương cũng như các doanh nghiệp. Toàn bộ chuỗi giá trị từ người sản xuất, chế biến, thu mua đến xuất khẩu phải có sự đồng thuận và liên kết với nhau. Như vậy, mới có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc", Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản bày tỏ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, từ nay đến năm 2020 Hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực thì tố nhất doanh nghiệp cố gắng chuẩn bị tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của mình và đừng hoảng hay ảo tưởng về cơ hội đó.

"Cơ hội lớn nhưng thách thức còn lớn hơn. Phải chuẩn bị một cách thiết thực để có thể xuất được hàng, nghĩ tới ngành hàng đương đầu, đối thủ cạnh tranh tiềm năng" bà Hạnh nói và chỉ ra "bức tường tiêu chuẩn" là điểm yếu của doanh nghiệp trong nước.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI