Cơ đùi giúp thay đổi cuộc sống người méo miệng

07/05/2019 - 14:34

PNO - Sau tai biến, đột quỵ thường gây ra hiện tượng méo miệng khiến cuộc sống nhiều người đảo lộn do khó khăn trong giao tiếp kèm sự mặc cảm. Hiện đã có 3 phương pháp ngoại khoa giúp điều trị di chứng này.

Sau tai biến, đột quỵ, viêm tai giữa hoặc chấn thương… dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, gây ra hiện tượng méo miệng khiến cuộc sống nhiều người đảo lộn do khó khăn trong giao tiếp kèm sự mặc cảm.

Co dui giup thay doi cuoc song nguoi meo mieng
Chị T. trước và sau khi được phẫu thuật chữa liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo mặt

Liệt thần kinh số 7 ngoại biên (LTK7NB) chiếm đến 30% tổng số các bệnh lý liên quan đến dây thần kinh. Bệnh do nhiều nguyên nhân và trên 75% là do nhiễm lạnh đột ngột. Theo Khoa Nội thần kinh Bệnh viện (BV) Nhân Dân 115 (TP.HCM), bệnh lý này được chia làm hai nhóm: tổn thương hệ thần kinh trung ương như u dây thần kinh, tai biến mạch máu não và tổn thương bên ngoài thần kinh trung ương như các chấn thương, bệnh viêm tai giữa gây ra.

Lấy lại tự tin cho cô gái 15 năm liệt nửa mặt

Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng hậu quả thường gặp của LTK7NB lại ảnh hưởng lớn đến ngoại hình, giao tiếp và chất lượng sống của bệnh nhân, bởi nó gây ra hiện tượng liệt nửa mặt: méo miệng, liệt cơ mắt. Đa số các trường hợp chỉ bị liệt mặt cấp tính, sau một thời gian tình trạng liệt mặt sẽ tự hồi phục hoặc điều trị nội khoa, châm cứu sẽ khỏi. Tuy nhiên, có những trường hợp kéo dài trở thành dị tật gây mặc cảm cho người bệnh.

Trường hợp chị Đ.T.T. (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) đã bị liệt nửa mặt từ năm 14 tuổi. Khi đó, T. bị tai nạn phải phẫu thuật u não tại một BV ở TP.HCM. Sau ca mổ, chị bị LTK7NB làm khuôn mặt biến dạng, méo xệch, ảnh hưởng đến một bên mắt. “Với khuôn mặt ấy, tôi không thể tự tin làm bất cứ việc gì, đi đâu tôi cũng bị người khác dòm ngó”, chị buồn bã nói. Ngoài vấn đề ngoại hình, T. còn bị ảnh hưởng đến khả năng lao động, vấn đề giao tiếp hằng ngày gặp khó khăn trong biểu hiện cảm xúc ở mặt, cả ăn uống cũng rất phiền phức…

Theo bác sĩ Phùng Mạnh Cường, trường hợp trên liệt mặt do tai nạn hay phẫu thuật làm đứt dây thần kinh số 7. Bác sĩ phải nối dây thần kinh hoặc chuyển dây thần kinh số 12 ghép nối để phục hồi dây thần kinh số 7. Tương tự, các trường hợp liệt mặt vĩnh viễn trên ba năm do thoái hóa thần kinh, các bệnh lý liên quan đến u não hoặc sau phẫu thuật sọ não gây liệt thì bác sĩ cũng phải chỉ định phẫu thuật. 

Bác sĩ Cường cho hay, hiện có ba phương pháp điều trị ngoại khoa. Một, bác sĩ có thể chuyển dây thần kinh số 7 đối diện qua để phục hồi dây thần kinh số 7 bị liệt. Tuy nhiên, phương pháp này cho tỷ lệ thành công thấp. Hai, chuyển cân cơ thái dương để phục hồi cử động một mang nửa mặt. Nhưng hạn chế là tỷ lệ phục hồi thấp và tính thẩm mỹ không cao. Ngoài ra, một số bác sĩ cũng có thể dùng các vật liệu nhân tạo hoặc chỉ để kéo sa trễ nửa khuôn mặt. Cách làm này dễ thực hiện nhưng sẽ khiến bệnh nhân bị đau và hiệu quả cũng không cao.

Đối với trường hợp chị T., bác sĩ Cường sử dụng phương pháp lấy cân cơ đùi thẳng tự thân bệnh nhân để làm vật liệu điều chỉnh các khối sa trễ xệ vùng mặt và điều chỉnh méo mặt. “Tôi dùng ống hút mỡ, tiến hành mổ một đường rất nhỏ ở đùi để lấy các dải căng cơ đùi. Thông qua dụng cụ nội soi để điều chỉnh dây thần kinh số 7 ngoại biên bị liệt kéo theo liệt vùng mặt”, bác sĩ Cường nói. Bệnh nhân chỉ cần được gây tê và chỉ mất 40 phút, ca phẫu thuật đã hoàn thành. “Đây là kỹ thuật ít xâm lấn nhưng cho kết quả cao và tức thì. Bệnh nhân cũng không bị sưng, đau nhức vùng mặt, vùng đùi”, bác sĩ Cường cho hay.

Điều trị sớm tỷ lệ khỏi bệnh trên 90% 
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Tấn Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật thẫm mỹ BV Răng Hàm Mặt TP.HCM - cho biết, hiện ngành y học cổ truyền có sử dụng phương pháp châm cứu, cứu điếu ngãi, bấm huyệt để điều trị bệnh LTK7NB. Thời gian điều trị 3-4 tuần và tỷ lệ khỏi bệnh trên 90%, với điều kiện bệnh nhân được phát hiện sớm trong tuần đầu tiên. Đối với bệnh nhân điều trị muộn, phương pháp nội khoa không hiệu quả vì chức năng của các cơ vùng mặt khó hồi phục. Di chứng méo miệng, mắt nhắm không kín, ăn uống rơi vãi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giao tiếp của người bệnh sẽ kéo dài.

Tuy nhiên, bác sĩ Hùng khuyên, khi vừa chớm bị, nếu xác định nguyên nhân gây LTK7NB như viêm tai giữa thì nên điều trị nội khoa trước. Khi đã thì dùng hết cách mà vẫn không khỏi thì mới chuyển sang ngoại khoa. Tại BV Răng Hàm Mặt TP.HCM cũng áp dụng kỹ thuật lấy cơ thon ở đùi để nối vào trong vùng mặt méo. Cơ thon đùi này đóng vai trò thay thế cơ mặt bị co rút. Đây là một hình thức tạo hình chứ không phải làm cho dây thần kinh hồi phục. Cách phòng tránh 

Theo bác sĩ Phùng Mạnh Cường, đối tượng dễ bị LTK7NB nhất là người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai, người ít luyện tập thể dục thể thao, người có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, người hay thức khuya khiến cơ thể luôn mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng giảm… đặc biệt, người hay uống bia rượu, thường đi sớm về khuya dễ bị nhiễm gió lạnh. Để phòng tránh, cần nâng cao sức đề kháng bằng cách tập thể dục thường xuyên. Ăn đủ dưỡng chất, tăng cường rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.

“Khi đi ra ngoài, nên đeo khẩu trang, giữ ấm trán, đầu, mặt, cổ, tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh. Hạn chế ở ngoài trời khi nhiệt độ thấp và luôn giữ ấm cơ thể. Không nên tắm khuya rất dễ nhiễm lạnh. Khi thức dậy, hãy ngồi lại giường một lúc, trước khi ra ngoài”, bác sĩ Cường khuyên. Trong mùa nắng nóng, khi sử dụng quạt, máy lạnh không được để luồng khí lạnh trực tiếp vào người, nhất là phía sau gáy.

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI