Có đứa trẻ nào không gắn bó với căn bếp của mẹ? Có người lớn nào trưởng thành, giỏi giang mà không nghĩ về cái bếp của mẹ như một nơi vun vén, chăm chút, tưới tắm cho mình phát triển cả về thể chất và tinh thần…
Tôi thường suy nghĩ như thế về má. Những món ăn và bếp của má, từ khi trở thành người lớn, thường được tôi bắt đầu bằng một câu hết sức giản dị, nghe có phần buồn cười: má tôi không phải là người nội trợ hoàn hảo; tôi cũng không phải là người vợ, người mẹ nấu ăn xuất sắc.
Thế nhưng trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn nhớ đến má và những món má nấu; tình yêu, công sức má để vào từng món ăn… như một trong những trang đời đẹp đẽ, ấm áp nhất.
***
Nói má tôi không phải người nấu ăn giỏi, tôi có đầy đủ lý do. Má sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi. Ngày bé, má là con Út trong một gia đình nhiều chị em gái. Các chị của má đều giỏi nội trợ nên việc nhà chẳng mấy khi tới tay cô Út xinh xắn.
Mười mấy tuổi, má vì được rảnh rang bếp núc, nhà cửa; tính tình lại hiếu động, nhiệt tình nên theo ông ngoại ra ngoài, tham gia vào cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, rồi vào Đảng, sau đó tập kết ra Bắc. Đó là lý do má không giỏi nội trợ, vì có làm đâu mà giỏi.
Hơn nữa, dù các chị đều nấu ăn xuất sắc, làm bánh trái tuyệt vời, má tôi lại không hề mê chuyện bếp núc, nấu nướng. Má chỉ thích học, mê công tác, mê phấn đấu…
Đến khi lập gia đình, má cũng gánh về mình trách nhiệm gầy dựng, vun vén, đứng mũi chịu sào, bởi ba tôi là một nhà thơ luôn bị trêu chọc là người không có thực tế, “tâm hồn treo ngược cành cây”.
Làm vợ, rồi làm mẹ, má tôi ngoài công tác giỏi cũng đã cố gắng trở thành một người nội trợ. Dù má luôn nhận mình nấu ăn không giỏi nhưng chị em tôi lúc nào cũng có những bữa ăn nóng sốt, đầy đủ dinh dưỡng, chứa đựng sự tảo tần của má.
Không được học nấu ăn từ bà, từ mẹ, từ các chị, má học từ bạn bè xung quanh, từ những ký ức về bữa ăn gia đình thời thơ ấu.
Chính vì thế, tôi còn nhớ, các món ăn của má thường pha trộn hương vị của cả hai miền: Trung và Bắc, có phong cách của cả hai kiểu gia đình: có món cầu kỳ, nhiều vị, nhiều mùi; có món lại đơn giản, tuềnh toàng, nhanh vội như bước ra từ một bếp ăn tập thể.
Có một điều rất may mắn là thuở nhỏ, nhà tôi, giống như nhiều gia đình miền Bắc thời kỳ bao cấp, sống trong khu tập thể của cơ quan má. Cho nên có lúc dù phải làm việc đến 10, 12 tiếng nhưng má vẫn tranh thủ những phút rảnh rỗi để chăm lo cho ba chị em tôi.
Tôi là con gái thứ hai trong gia đình. Cũng giống như má thời còn nhỏ, tôi ít phải vào bếp học nấu ăn như chị Hai. Thế nhưng vì nhà chỉ có hai chị em nên tôi hay luẩn quẩn theo chị. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh chị Hai - một cô bé nhỏ xíu mới sáu, bảy tuổi, phải bắc ghế để đứng nấu cơm.
Tôi vẫn nhớ mùi dầu hỏa nồng nồng, mùi mùn cưa ngai ngái, mùi củi nấu đượm đượm của cái bếp cơ quan ấy. Thời khó khăn gian khổ, có lẽ những giờ phút gần nhau nhiều nhất của mẹ và các con là khi nấu ăn.
Nhặt rau, rửa chén, nấu cơm, lúc nào cũng rủ rỉ rù rì với nhau. Không nghe trực tiếp từ má, chỉ nghe lóm nhưng tôi cũng biết cách vo gạo, luộc rau, chắt nước cơm pha đường uống như một món quà thêm…
Tôi nhớ những ngày chị Hai nấu ăn, nghe cơm khét, đồ ăn cháy, má tôi đang làm việc liền chạy bổ từ khu văn phòng về, hay có hôm chị Hai mồ hôi nhễ nhại, mếu máo chạy lên văn phòng, nhờ má về cứu nồi cơm, cứu một món ăn nào đó quá lửa, quá mặn của chị.
Học nấu thì chưa nhưng tôi thấy được cách má chắt chiu, xoay vần từng chút đồ ăn, từng chén cơm nguội, từng cọng rau héo để cả gia đình tôi đi qua những ngày gian khó.
***
Xưa giờ, người ta thường kể về những món ăn tuyệt vời, về sự khéo léo của mẹ; về cả những món ăn ngon mà giờ đây người ta có thể nấu cho gia đình, chồng con.
Trong câu chuyện của tôi chắc sẽ không có những điều đó bởi như tôi đã nói, má tôi không phải là người nấu ăn ngon và ngày ấy, gia đình tôi đã đi qua một thời khốn khó. Làm gì có sơn hào hải vị mà chỉ bày, làm gì có nguyên liệu cầu kỳ mà học hỏi. Chỉ có tình yêu thương của má.
Nhớ đến bếp ăn của má là nhớ những món ăn nghèo, những món pha trộn đủ vị, những món chế biến đủ cách để ba đứa con có bữa sáng no bụng tới trường - từ những viên bột mì nặn lại, luộc, hấp rồi chiên; từ điều tôi thắc mắc đến tận bây giờ mới có câu trả lời: vì sao má dại thế nhỉ, toàn thích ăn những thứ không ngon, những thứ thừa ra mà chị em tôi chê; từ cách má ráng xếp những món ăn nghèo lên cái đĩa đẹp nho nhỏ để dạy chúng tôi “Đói cũng phải sạch, rách cũng phải thơm”.
Trong cuộc đời, có những cột mốc rất lớn mà người ta có thể nhớ đến và hiểu ra mình đã học được gì từ cha mẹ. Tôi nhớ ngày du học, bước vào cái bếp đầy mùi bơ, phô mai, xúc xích, khoai tây của các bạn cùng ký túc xá mà chỉ thấy ngây ngây, ngạt thở.
Tôi bắt đầu nấu những món ăn Việt ở đó, mang vào đó những mùi vị thức ăn của má. Tôi cố nhớ, cố hình dung và thử nghiệm bằng mọi cách những món quen thuộc mà tôi được ăn và từ đó mà lớn lên. Có nhiều khi đứng nấu ăn, làm cái này cái kia một cách vô thức, tôi không hiểu được những bài học ẩm thực ấy đã ngấm vào tôi từ lúc nào.
Để bấy giờ, nơi xứ người lạnh lẽo, đôi tay tôi tự làm ra những món ăn khiến tôi bớt nhớ quê nhà, vượt qua được cảm giác cô đơn, lạc lõng.
Tôi kết thân với bạn bè cũng bằng những món ăn của má. Trong món ăn của tôi có câu chuyện về một đất nước Việt Nam vừa trải qua chiến tranh, thiếu thốn mọi bề mà vẫn ngọt ngon, thơm lành.
Ngày ấy, trong những bức thư tôi thường gửi về nhà, chắc có đến phân nửa là những câu hỏi: Má ơi, làm nem cần cho vào những gì? Má ơi, kho măng khô với thịt ra sao? Má ơi, bên này chỉ có bắp cải, trộn gỏi như thế nào?…
Và đêm đêm, sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi, má tôi lại ngồi cặm cụi biên cho tôi từng dòng công thức những món ăn quê nhà dân dã mà đầy tình yêu thương.
***
Cứ tưởng những bài học từ bếp ăn của má giờ đã là điều xa xôi, gợi nhớ thế mà những ngày này, chúng chợt hiện về rõ ràng đến mức lạ kỳ. Đó là khi lần đầu tôi nấu nồi nước xông giải cảm như má đã làm cách đây chừng 50 năm.
Chẳng hiểu vì sao tôi có thể nhớ rõ mồn một cách má nấu lá, trùm chăn, tém cho kỹ mọi góc và cả chuyện phải mang vào chăn cây đũa để lâu lâu khuấy cho nồi nước bốc hơi lên.
Chồng tôi ngạc nhiên nhìn tôi thành thạo hướng dẫn cả nhà cách xông lá, ngăn ngừa vi-rút Corona, rồi lại bất ngờ nhìn tôi rang đậu phộng nước mắm để ăn với cơm vào những ngày nhà không còn món đồ mặn nào.
Khi tôi hỏi: “Ngày xưa, nhà anh có ăn món này không?”, anh gật đầu và kể thêm hàng loạt món ăn mẹ anh chế biến để đi qua những ngày tháng còn nhiều khó khăn. Cái bếp của mẹ anh, cái bếp của má tôi hiện về, mang đến những niềm cảm động nho nhỏ cho bữa cơm gia đình ngày giãn cách.
Cảm ơn má cùng những món ăn của má và hơn hết, cảm ơn tình thương yêu má dành cho con trong những bài học đầu đời đã giúp con đi qua bao mùa gian khó.
Khánh Chi