PNO - Trúng đấu giá đất quê, các tay “cò” đất ở Nghệ An liền cắm biển rao bán với giá “trên trời”. Không bán được, các “cò” đành bỏ số tiền cọc hàng trăm triệu đồng, tháo chạy.
H.Yên Thành là vựa lúa của tỉnh Nghệ An, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Thế nhưng, những phiên bán đấu giá đất được tổ chức ở các xã của huyện này lại luôn sôi động, tấp nập người tứ xứ tham gia.
Chỉ tay vào miếng đất rộng 180m2 nằm bên trục đường làng, ông Nguyễn Văn Đức (xã Khánh Thành, H.Yên Thành) cho biết, giá đất ở đây bây giờ xấp xỉ đất vùng ven TP.Vinh. Đất chật, người đông, nhiều người muốn mua đất cho con ra ở riêng nhưng không thể cạnh tranh nổi với “cò” đất vì khi tham gia đấu giá, “cò” luôn trả mức giá cao gấp ba lần so với giá khởi điểm. “Lô đất có giá 700 triệu đồng, họ đấu lên 1,3 tỷ đồng, sau đó cắm bảng rao bán ngay với giá 1,6 tỷ đồng. Người dân vùng này chỉ mua đất để làm nhà ở nên không thể mua với giá cao như vậy được, đành phải đi tìm mua đất ở các xã khác” - ông Đức kể.
Tháng 4/2021, người dân xã Mã Thành, H.Yên Thành bỗng thấy hàng trăm người ở khắp nơi về đây nộp hồ sơ dự đấu giá 36 lô đất. Mã Thành là xã miền núi, cách xa trung tâm huyện nhưng phiên đấu giá đất diễn ra rất sôi động. “Cò” trả giá bạc tỷ cho những lô đất có giá đúng ra chỉ vài trăm triệu đồng nên người dân trong xã có nhu cầu mua đất đành phải ra về. Ông Bùi Trọng Long - Chủ tịch UBND xã Mã Thành - cho biết, người dân trong xã chỉ đấu trúng 6/36 lô, “cò” trúng hết số còn lại với giá trên 2 tỷ đồng/lô, nhưng sau đó không bán được, phần lớn “cò” bỏ tiền cọc, tháo chạy.
“Cò” đất kéo nhau về thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến, H.Thạch Hà để khảo sát, tham gia đấu giá đất
Cách đó không xa, phiên đấu giá 32 lô đất ở xã Nhân Thành cũng sôi động không kém với hơn 200 hồ sơ tham gia. Ông Nguyễn Sĩ Tùng - Chủ tịch UBND xã - cho biết, giá khởi điểm trên 600 triệu đồng/lô, mỗi bộ hồ sơ tham gia đấu giá đất phải đặt cọc 100 triệu đồng. Trong quá trình đấu giá, giá đất bị đẩy lên 1,2 - 1,5 tỷ đồng/lô. “Họ đấu giá cao để giành đất với người dân ở đây nhưng sau đó phần lớn đã bỏ tiền cọc do không bán lại được đất. UBND xã đã đem những lô đất này ra đấu giá lại lần hai và vẫn là “cò” ở các nơi khác đến đấu giá, trúng với giá trên trời. Hiện họ vẫn chưa bán được, sắp hết hạn mà chưa thấy thanh toán” - ông nói.
Giá đất bị đẩy lên quá cao
Những ngày đầu tháng 3/2022, từng đoàn ô tô nối đuôi nhau kéo về khu vực đất được quy hoạch khu dân cư cạnh Quốc lộ 15B (thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh), rất nhiều người từ nơi khác tới coi đất. Theo người dân địa phương, cảnh mua bán đất diễn ra rầm rộ ở vùng quê này kéo dài trong nhiều tháng qua kể từ khi có thông tin một doanh nghiệp xin UBND tỉnh Hà Tĩnh cho khảo sát lập dự án khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ ở xã Việt Tiến.
“Lô đất rộng 180m2 dọc Quốc lộ 15B năm 2019 có giá 600 - 800 triệu đồng, nay được rao bán trên 3 tỷ. Khu đất này trước đây không ai thèm ngó tới. Giá cao cỡ đó chỉ có “cò” mua đi bán lại cho người ở đâu đó chứ người địa phương không thể mua nổi” - ông Trần Quốc Bình (xã Việt Tiến) nói.
Ông Bùi Trung Hậu - cán bộ địa chính xã Việt Tiến - cho biết, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, lượng người đổ về buôn bán đất tại khu quy hoạch dân cư ở thôn Lộc Thọ rất đông. Giá đất tăng phi mã sau khi có doanh nghiệp về xin chủ trương lập quy hoạch làm khu công nghiệp, giới buôn bán bất động sản đổ xô về mua đất đầu cơ. Giá đất bắt đầu sốt lên từ cuối năm 2021 và đang tăng từng giờ. Có lô đất mặt tiền vừa được mua 2,4 tỷ đồng, chỉ sau vài giờ người mua đã sang tay cho người khác 2,6 tỷ đồng, người mua sau lại tiếp tục rao bán với giá cao hơn.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Yên Hòa, H.Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Theo người dân địa phương, trước tết, mỗi mét vuông đất ở đây có giá từ 2 - 4 triệu đồng, nay được đẩy lên gấp hai lần, có lô giá trên 10 triệu đồng/m2.
Theo ông Thái Hữu An - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường H.Yên Thành - năm 2021, phòng đã thu trên 4 tỷ đồng tiền đặt cọc đất do những người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đúng hạn. Kết quả đấu giá này đã bị hủy để tổ chức đấu giá lại. Để chấn chỉnh tình trạng này, phòng đã kiến nghị tăng số tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá đất từ 10% lên 20%, đồng thời rút ngắn thời hạn nộp tiền nhưng chưa được UBND tỉnh đồng ý.
Bà Trần Thị Thanh Xuân - Trưởng phòng Tư pháp H.Yên Thành - cho biết, theo quy định hiện hành, các phiên đấu giá đất diễn ra công khai, một người có thể cùng lúc “ôm” nhiều lô đất nên mới xảy ra tình trạng người có nhu cầu thì không mua được đất, người không có nhu cầu lại giành hết đất. Muốn chấn chỉnh, cần sửa đổi quy định về đấu giá đất.