Cô đơn trong biệt thự

19/09/2024 - 19:22

PNO - Bà thầm khao khát một điều không tưởng. Đó là đại gia đình đoàn tụ như xưa, con cháu dọn về căn biệt thự này ở chung với bà.

Bà S. là hàng xóm của tôi ở khu dân cư Phú Mỹ Hưng. Bà sống một mình trong căn biệt thự với cô giúp việc. Con trai bà cũng ở TPHCM, nhà cao cửa rộng. Lâu lâu vào dịp cuối tuần, lễ tết, tôi thấy vợ chồng anh dẫn con về chơi. Con gái bà lấy chồng bên Úc, vài năm mới đưa cháu về một lần.

Mỗi lần chạy bộ ngang nhà bà, tôi lại thấy bà ngồi trước bậc tam cấp lát đá hoa cương. Bà tíu tít vẫy, gọi tôi vào nói chuyện.

Tuổi già cô đơn dù con đàn cháu đống (ảnh minh hoạ)
Tuổi già cô đơn dù con đàn cháu đống (ảnh minh hoạ)

Bà S. rất vui khi có hàng xóm đi ngang chào hỏi, nếu ai ghé vào chơi thì bà càng thích. Mỗi lần tôi chào tạm biệt, bà hay dặn: "Nhớ lại qua nha con, qua cho nhà có hơi người chứ cô ở một mình buồn. Cô giúp việc còn bận làm việc nhà, chẳng ngồi chơi với mình được".

Khi sang nhà bà S. chơi, tôi thường dắt con gái út theo. Bà S. rất thích trẻ con, bà bảo con gái 5 tuổi của tôi giống cháu nội bà. Bà nhớ các cháu lắm, nhưng các con bận rộn, nhiều khi cả tháng mới được gặp cháu một lần. Thế rồi bà lấy cuốn album ảnh ra khoe, giới thiệu về con cháu, ánh mắt long lanh, rạng ngời niềm tự hào, trìu mến.

Con của bà S. đều thành đạt. Anh con trai là kiến trúc sư được nhiều người nể trọng. Con dâu bà là giảng viên tại một trường đại học lớn ở TPHCM. Con gái bà cũng đang giảng dạy ở một trường đại học bên Úc, lấy chồng là đồng nghiệp. Đứa con nào cũng nhà cao cửa rộng, công danh xán lạn.

Hồi còn sống, chồng bà S. là kiến trúc sư, ông được người trong giới nể trọng. Ông tự thiết kế, xây nên căn biệt thự bà đang ở với bao tâm huyết và tình thương. Nhà có đủ hết phòng của các thành viên. Ông đặc biệt chăm chút 2 không gian rộng rãi cho 2 con, tính toán cả công năng nếu sau này các con lập gia đình thì vẫn ở được mà không chật chội và mất tính riêng tư.

Từ khi căn biệt thự hoàn thành, các con ông ở được vài ba năm rồi đều lần lượt du học. Anh con trai trở về nước được một đơn vị nhận vào làm với mức lương hậu hĩnh. Có thu nhập tốt, anh rời xa tổ ấm của cha mẹ, ra ngoài thuê một căn hộ chung cư để ở riêng. Sau này, anh lập gia đình và tự mua nhà, thậm chí vài bận đổi nhà lớn hơn, đẹp hơn. Cô con gái du học tại Úc cũng may mắn và thành công, cô đi một lèo tính từ khi du học.

Cách đây 3 năm, chồng bà S. bị đột quỵ rồi qua đời. Gia đình chọn giải pháp thuê người giúp việc trông nom bà S. Bà chia sẻ rằng chỉ muốn sống và già đi, trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà của mình, bởi nơi đó có hình bóng của chồng và ký ức những tháng năm hạnh phúc nhất. Bà không muốn về nhà con, vì bà có nhà của mình.

Tuy bà không nói ra, nhưng tôi biết bà thầm khao khát một điều không tưởng. Đó là đại gia đình đoàn tụ như xưa, con cháu dọn về căn biệt thự này ở chung với bà. Bà muốn mỗi ngày được ra cửa đón cháu nội, cháu ngoại đi học về, muốn bữa cơm không phải thui thủi với cô giúp việc, mà được nghe các con tâm sự, trò chuyện về cuộc sống của chúng.

không còn ra bậc thềm ngồi chờ hàng xóm đi ngang để bắt chuyện được nữa, chân yếu nên bà không thể leo cầu thang (ảnh minh hoạ)
Bà không còn ra bậc thềm ngồi chờ hàng xóm đi ngang để bắt chuyện được nữa, chân yếu nên không thể leo cầu thang (ảnh minh hoạ)

Gần đây, tôi đi ngang qua căn biệt thự không còn thấy bà S. ra bậc thềm ngồi nữa. Ngước lên cửa sổ tầng 1, nơi là phòng ngủ của bà, tôi thấy bà lặng lẽ ngồi đó, nhìn qua ô kính xuống đường. Tôi gọi với lên, chào và hỏi thăm bà. Bà S. chỉ cười cười gật đầu. Cô giúp việc của nhà bà S. thấy tôi, bèn đi ra kể chuyện. Cô nói rằng bà S. bị yếu chân, không leo cầu thang bộ được nữa nên bây giờ ngồi xe lăn. Cô có một mình nên cũng chẳng cách nào đưa bà xuống đường đi dạo. Bây giờ, bà chỉ tự di chuyển bằng xe lăn ở lầu 1 được thôi.

Cách đây 1 tuần, bỗng dưng tôi thấy nhà bà S. tấp nập, đông đủ lạ. Các con cháu về đủ, đứa con tận bên Úc cũng dắt chồng và đứa cháu ngoại về theo.

Tôi và hàng xóm thấy lạ, vì ngày tết con cháu bà cũng chẳng tập trung được đông như thế. Rồi mọi người vỡ lẽ khi thấy tờ giấy cáo phó trước cửa. Bà S. đã đi thật rồi, bà được ra đi trong chính căn nhà của bà, nơi đầy ắp kỷ niệm đẹp về chồng và những đứa con. Chỉ thương bà, người bên cạnh khi bà trút hơi thở cuối là cô giúp việc. Các con bà ở xa lúc nghe tin đã cố thu xếp thật nhanh, nhưng vẫn không kịp gặp mẹ lần cuối.

Diệu Mi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
  • Hữu Châu 02-11-2024 01:38:41

    Người giàu cũng khóc

  • Hương Mùa 28-09-2024 11:02:30

    Đọc bài mấy lần mà lần nào tôi cũng rơi nước mắt. Thương bà và thương cha mẹ mình.

  • Kim Anh 22-09-2024 17:58:45

    Để có mặt cho nhau và vì nhau thật khó biết bao.
    Con cái dù yêu cha mẹ nhưng nó chưa già nên chưa hiểu nỗi cô đơn của người già.
    Ai rồi cũng sẽ già đi và phải đối diện với nỗi cô đơn này…
    Khi còn có thể, hãy có mặt cho cha mẹ và vì cha mẹ.

  • Trí Nguyễn 20-09-2024 21:35:51

    Ngoài kia còn bao nhiêu nữa những bà mẹ như trong bài viết này. Nhiều lắm. Cám ơn tác giả đã kể một câu chuyện thật gây ra những xót xa, trăn trở về thực trạng thường thấy này. Đọc bài này xong làm lòng tôi trĩu nặng, tôi chợt nhớ tới mẹ mình.

  • benben 19-09-2024 23:08:46

    Mẹ tôi mất khi tôi chín tuổi, tôi sống với các anh trai cho đến khi lập gia đình, tôi trở thành mẹ của những đứa con, thật thương cảnh đời của người mẹ trong bài viết vì trong tôi không bao giờ nguôi ao ước phải chi tôi còn mẹ, để được mẹ yêu thương, để được kể với mẹ những điều không thể kể với ai, để được làm gì đó mẹ vui, nhưng chỉ là ước ao. MẸ! một từ chứa đựng TÌNH YÊU THƯƠNG, HY SINH, THẬT THIÊNG LIÊNG❤️

    • Hoàng Gia

      Mình đang muốn về quê để chăm cha già đây dù cha ở với anh Hai cũng tốt. Về quê bắt đầu lại mọi thứ, chỗ ở có sẵn nhưng bà xã không chịu. Mình cũng chăm cha được mấy năm trong đó có những năm dịch COVID-19.
      Anh con trai trong bài sao không về ở với mẹ vậy. Chịu khó đi làm xa bằng ô tô thì đâu có gì khó khăn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI