"Cô đơn trên sofa"

27/04/2024 - 16:11

PNO - Chuyện cô gái được đã chết khô trên sofa hơn 1 năm trời mới phát hiện ra khiến tôi nghĩ mãi về cách chúng ta kết nối giữa người với người trong thời đại này.

Nếu đó là chuyện xảy ra ở nước ngoài, nơi người ta tôn trọng sự riêng tư của nhau, thậm chí coi việc xâm phạm quyền riêng tư là trọng tội, thì đã chẳng sốc. Chứ ở Việt Nam, nơi vẫn quen nói rằng “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” thì thực sự choáng váng. Nơi mà con cái nhiều khi đã hơn 40 tuổi, như tôi, một tháng không í ới cha mẹ là đã bị cha mẹ tủi thân, giận dỗi. Nơi mà chúng ta chuộng việc “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, những cộng đồng cư dân nhiều khi còn thâm tình hơn cả dưới quê, sẵn sàng hò nhau dọn cỗ trong hành lang chung cư như ở sân đình làng dưới

Thi thể cô gái được phát hiện đã khô trên sofa hơn 1 năm.

Ở cái thời công nghệ hiện đại với mạng xã hội, wifi, 5G những tưởng kết nối giữa người với người là vô tận. Ai cũng có đến cả 5.000 người bạn trên Facebook, ai cũng choanh choách 5-10 hội nhóm Zalo, group. Còn chưa kể hội lớp, hội trường, hội đồng niên, hội đồng hương… Ai cũng có ít thì 5-10 nhóm bạn, nhiều có khi cả trăm. Kết nối xuyên quốc gia, toàn cầu. Vậy mà….

Vậy mà cô gái nọ cô đơn trên sofa hơn 1 năm trời, trong một chung cư đông đúc mà không có nổi 1 kết nối để ai đó thấy sự mất tích của mình mà báo công an. Chúng ta đều biết năng lực của công an nhà mình một khi họ đã vào cuộc thì kể cả người trốn bằng tự sát họ cũng tìm ra nhanh chóng. Như vụ cô gái giúp việc bắt cóc con của chủ nhà ở Long Biên dạo nọ. Vậy mà…

Có vô vàn giả thuyết mà mọi người bàn luận với nhau suốt từ chiều qua, thời điểm phát hiện xác chết khô trong chung cư ở Tây Mỗ. Tôi chỉ nghĩ về kết nối giữa người với người mà chúng ta bị đứt gãy trong thời hiện đại này, cái thời ngỡ tưởng chừng kết nối mạnh nhất. Hoá ra, nó không mạnh như chúng ta tưởng. Hoá ra, người ta kết nối với nhau hời hợt quá!

Là cha mẹ với con cái đứt gãy kết nối với nhau. Nhiều người cha, người mẹ ở cạnh con nhưng không thể đối thoại hoặc chỉ độc thoại một chiều (mệnh lệnh/ áp đặt). Nhiều đứa con chỉ mong lớn nhanh để thoát khỏi sự kìm cặp của cha mẹ. Nhiều đứa trẻ cạn nghĩ còn mong được như Tây, con cái sau 18 tuổi không cần đến cha mẹ nữa. Nhiều cha mẹ hay nói với nhau rằng: Con 18 tuổi là cha mẹ có thể nghỉ hưu việc làm cha mẹ.

Đứt gãy kết nối không phải là không thèm nói chuyện với nhau mà là không ai hiểu đối phương nghĩ gì, không buồn hiểu đối phương nghĩ gì. Như nhiều cặp vợ chồng, vẫn làm tình hằng đêm nhưng mỗi người một giấc mơ riêng. Làm tình chỉ để giải toả sinh lý. Nhiều cuộc hôn nhân vẫn đồng hành cùng nhau mỗi ngày nhưng chồng rẽ trái, vợ rẽ phải, đồng sàng mà dị mộng.

Là cả bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp với nhau nữa. Những mối quan hệ xã hội nhiều khi rành rẽ về nhau qua những status người kia post, mà chẳng nhìn sâu vào mắt nhau. Có những hội nhóm cả trăm người nhưng kết nối chỉ bằng lợi ích. Có những cơ quan, công sở người ta cười nói vui vẻ với nhau đấy nhưng việc ai nấy làm, chẳng ai còn quan tâm đến ai vì hai chữ “riêng tư”. Ừ thì cũng tốt thôi, đừng nên “lắm chuyện”, ghét nhất thị phi. Nhưng phải vì thế mà ai cũng đầy rẫy những thương tổn trong lòng mà chẳng biết tìm ai để chia sẻ?

Ừ thì chuyện ai người nấy lo nhưng khi là chính mình xảy ra chuyện, chúng ta cũng mong nhận được sự giúp đỡ đó thôi. Đôi khi ai đó nói ra được thì họ cũng đã tự chữa lành được họ một nửa rồi. Chỉ những ai cố giấu giữ trong lòng mới đáng lo. Mà với những người đó, đôi khi chúng ta phát hiện ra thì cũng là lúc họ đã từ giã cuộc đời này rồi.

Chuyện cô gái ở Tây Mỗ để drama với nhau hay trở thành lời nhắc nhở chúng ta giữ kết nối với nhau là tùy bạn thôi. Chỉ là người sống với người xin đừng lướt qua nhau vậy…

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI