Cô đơn - mối lo ngại sức khỏe toàn cầu

20/11/2023 - 06:23

PNO - Cuối tuần qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa “tình trạng cô đơn” vào danh sách những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu.

Tổ chức này cũng đã thành lập Ủy ban về kết nối xã hội tập trung giải quyết “mối đe dọa sức khỏe cấp bách” này trong 3 năm tới, xem xét các chiến lược khoa học và thiết kế những chương trình mới để giúp mọi người tăng cường kết nối xã hội.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết: “Những người không có đủ mối quan hệ xã hội chặt chẽ sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ, lo âu, mất trí nhớ, trầm cảm, tự tử và hơn thế nữa”.

Tình trạng cô lập, cô đơn đã là mối lo ngại về sức khỏe toàn cầu (ảnh minh họa)
Tình trạng cô lập, cô đơn đã là mối lo ngại về sức khỏe toàn cầu (ảnh minh họa)

Ủy ban về kết nối xã hội do Chido Mpemba - Đặc phái viên thanh niên Liên minh châu Phi - và tiến sĩ Vivek Murthy - Tổng y sĩ Mỹ - chủ trì. Ông Vivek Murthy cho biết đây là mối đe dọa toàn cầu nhưng đã bị đánh giá thấp và hiện đã trở nên phổ biến. “Đã quá lâu, sự cô đơn đã tồn tại đằng sau bóng tối. Nó không được nhìn thấy và bị đánh giá thấp, gây ra bệnh tật về thể chất và tinh thần. Bây giờ, chúng ta có cơ hội để thay đổi điều đó” - ông nói.

Sự cô đơn gần đây đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong lĩnh vực y tế công cộng. Những ngày đầu tháng Mười một, bang New York (Mỹ) đã bổ nhiệm bác sĩ trị liệu tâm lý, tình dục Ruth Westheimer làm đại sứ về tình trạng cô đơn đầu tiên. Năm 2018, Vương quốc Anh đã từng bổ nhiệm một quan chức phụ trách về tình trạng cô đơn hay trong Ủy ban về kết nối xã hội của WHO cũng có Ayuko Kato - Bộ trưởng phụ trách các biện pháp chống cô đơn và cô lập ở Nhật Bản…

Nghiên cứu của WHO cho thấy, những người thiếu kết nối xã hội phải đối mặt với nguy cơ tử vong sớm cao hơn. Sự cô đơn và cô lập với xã hội cũng gắn liền với chức năng miễn dịch kém và các vấn đề về tim mạch như huyết áp cao, làm tăng nguy cơ đột quỵ 30%, làm suy giảm nhận thức và có liên quan đến việc tăng chứng mất trí nhớ tới 50%. Những người bị cô lập cũng có xu hướng có nhiều thói quen không lành mạnh hơn như hút thuốc, uống rượu quá mức và ít vận động hơn. “Cứ 8 người thì có 1 người đang phải sống chung với vấn đề sức khỏe tâm thần. 1/4 trong số đó là thanh thiếu niên” - ông Murthy nói thêm.

Có rất nhiều nghiên cứu về sự cô lập và cô đơn trong xã hội tập trung vào người cao tuổi. Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ, người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn vì họ thường sống một mình, mất dần người thân hoặc bạn bè và có nhiều khả năng gặp các vấn đề về thể chất chẳng hạn như mất thính lực, khiến họ mất khả năng hòa nhập xã hội. 

Theo WHO, không chỉ người lớn tuổi mới cô đơn. Một cuộc khảo sát thực hiện trên 142 quốc gia, công bố vào tháng 10/2023 cho thấy, gần 1/4 người trưởng thành cho biết họ cảm thấy rất cô đơn. Hơn một nửa số trẻ em và thanh thiếu niên được khảo sát cũng cảm thấy cô đơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, đại dịch COVID-19 có thể đã làm trầm trọng thêm những cảm giác đó, ảnh hưởng tiêu cực đến các triệu chứng trầm cảm và lo lắng của người trẻ tuổi.

Tiến sĩ Karen DeSalvo - Giám đốc y tế của Google, thành viên của Ủy ban về kết nối xã hội (WHO) - cho biết: “Tôi hy vọng ủy ban mới của WHO sẽ giúp các hệ thống y tế trên toàn thế giới biết cách giải quyết tốt hơn mối liên hệ giữa sự cô đơn và tình trạng sức khỏe kém - vấn đề chúng ta không thể xem nhẹ được nữa”. 

Lệ Chi (theo CNN, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI