Có đơn hàng, doanh nghiệp TPHCM lại trầy trật tuyển nhân công

18/07/2024 - 06:15

PNO - Trong 2 năm qua, hàng loạt doanh nghiệp trong nước cắt giảm nhân công do thiếu đơn hàng xuất khẩu. Từ đầu quý II/2024, đơn đặt hàng bắt đầu dồi dào hơn, buộc doanh nghiệp phải tuyển nhân sự để hoàn thành theo đúng thời hạn hợp đồng.

Chỉ tuyển làm thời vụ do đơn hàng ngắn hạn

Công ty TNHH 3Q Vina (phường 16, quận 8, TPHCM) treo thông báo tuyển dụng 200 nhân công từ tháng 2/2024 cho đến nay ẢNH: SƠN VINH
Công ty TNHH 3Q Vina (phường 16, quận 8, TPHCM) treo thông báo tuyển dụng 200 nhân công từ tháng 2/2024 cho đến nay - Ảnh: Sơn Vinh

Ông Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất giày dép Nguyên Nguyên Phước (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) - cho hay, công ty đang cần tuyển vài trăm công nhân do vừa mở thêm 1 nhà máy để đáp ứng yêu cầu giao hàng nhanh từ phía đối tác. Từ đây đến cuối năm, công ty có nhiều hợp đồng xuất khẩu cần hoàn thành, chủ yếu là ngắn hạn, theo tháng.

Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Dony - cũng thông tin, công ty có các đơn hàng đến hết tháng 10/2024 và đang đàm phán để ký một số hợp đồng xuất khẩu nên cần tuyển thêm khoảng 50 công nhân làm việc thời vụ. Việc tuyển người làm theo thời vụ là do thị trường biến động khó lường, đơn hàng không có tính bền vững. Điều này đã từng xảy ra trong giai đoạn 2022-2023. Khi đó, đơn hàng của ngành dệt may đến dồn dập trong nửa đầu năm buộc doanh nghiệp ồ ạt tuyển người nhưng nửa cuối năm thì ít lại và đến quý IV thì đứt gãy hoàn toàn, buộc doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc hàng loạt.

Công ty cổ phần Phát triển sản xuất, thương mại Sài Gòn (SADACO) đang cần tuyển công nhân có tay nghề trong ngành gỗ nhưng rất ít người ứng tuyển. Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị SADACO - lý giải: “Do năm ngoái thiếu đơn hàng, công ty đã cho một số công nhân nghỉ việc, nay số này đã tìm được việc mới hoặc đã về quê. Thêm vào đó, các doanh nghiệp mới được thành lập ở các tỉnh Long An, Đồng Nai cũng ra sức tuyển dụng công nhân”.

Ông Trần Như Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho hay, gần đây, các doanh nghiệp ở TPHCM là hội viên VITAS than tuyển dụng khó khăn. Các khó khăn gồm chi phí tuyển dụng và trả lương cao, giá đơn hàng không tốt, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngành dệt may thấp, thu nhập bình quân của người lao động trong ngành không cao.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, doanh nghiệp trong ngành da giày cũng gặp vấn đề tương tự. Công ty ông vừa tuyển được 50 người thì sau vài ngày nhận việc, chỉ còn khoảng 10 người bám trụ, số còn lại tự nghỉ. Tới nay, công ty chỉ mới tuyển được khoảng 80 người đáp ứng được yêu cầu trong khi chỉ tiêu tuyển là hơn 200 người. Công việc vất vả, mức lương thấp là nguyên nhân chính khiến người lao động không muốn gắn bó lâu dài. Mặt khác, đơn hàng của doanh nghiệp cũng mang tính thời vụ nên khó bố trí nhân lực, lúc thì cần có đông công nhân để làm gấp, lúc thì không có việc để làm.

Còn theo ông Phan Liên - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu nhưng phần lớn là đơn hàng nhỏ, vừa, thiếu các đơn hàng lớn. Các ngành nhận được nhiều đơn hàng nhất là nông nghiệp, thủy sản, chế biến lương thực, thực phẩm. Ngành dệt may có lượng đơn hàng tăng nhẹ do một số doanh nghiệp đã quan tâm bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất theo hướng xanh. Doanh nghiệp thuộc các ngành cao su, nhựa, gỗ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Dọc các tuyến đường ở quận Bình Tân, TPHCM, có nhiều bảng thông báo tuyển dụng lao động - ẢNH: SƠN VINH
Dọc các tuyến đường ở quận Bình Tân, TPHCM, có nhiều bảng thông báo tuyển dụng lao động - Ảnh: Sơn Vinh

Gia tăng số người làm việc phi chính thức
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 51,4 triệu người có việc làm, tăng 195.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số người lao động tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững do số làm công việc phi chính thức (làm tự do, thời vụ) chiếm tỉ trọng lớn. Trong quý II/2024, có 33,5 triệu người làm việc phi chính thức, chiếm hơn 65% tổng số lao động có việc làm, tăng 271.000 người so với quý trước và tăng 210.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - cho rằng, trước đây, người lao động có thể làm bất cứ việc gì, ở đâu nhưng từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, họ muốn công việc phải đảm bảo chất lượng cuộc sống. Họ chọn làm việc ở quê để không phải thuê trọ, chi phí cho ăn uống, sinh hoạt cũng thấp hơn ở TPHCM để có một khoản tiền dành dụm. Số người quay lại TPHCM thì mong muốn có mức thu nhập cao hơn trước.

“Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu trên, người lao động sẽ chọn công việc thời vụ như chạy xe ôm công nghệ, giao hàng - là công việc có thu nhập bằng với công nhân nhưng được nhận tiền ngay, không cần tay nghề” - ông nói.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, có 11% công nhân phải thường xuyên vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, hơn 36% công nhân thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh. Do cuộc sống khó khăn, một số công nhân quyết định nghỉ việc để đi làm thời vụ, chờ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần, làm gia tăng tỉ lệ người làm việc phi chính thức.

Công nhân Công ty cổ phần Kềm Nghĩa Sài Gòn yên tâm gắn bó với nhà máy ở huyện Củ Chi do họ được trả lương cao hơn  mặt bằng lương chung trong khu vực - ẢNH: HOA LÀI
Công nhân Công ty cổ phần Kềm Nghĩa Sài Gòn yên tâm gắn bó với nhà máy ở huyện Củ Chi do họ được trả lương cao hơn mặt bằng lương chung trong khu vực - Ảnh: Hoa Lài

Theo chủ các doanh nghiệp, lương là yếu tố quan trọng nhất đối với công nhân. Vì vậy, giải pháp tốt nhất để thu hút người lao động từ các tỉnh trở lại TPHCM làm việc là tăng lương. Tuy nhiên, theo ông Trần Như Tùng, khi lương tối thiểu vùng tăng 6% so với năm 2023 từ ngày 1/7, các doanh nghiệp đã phải “gồng mình” trả lương nên rất khó tăng lương thêm cho người lao động. Ông Trần Quốc Mạnh đề xuất, để có đủ nhân lực, các doanh nghiệp ở TPHCM phải chấp nhận tuyển mới, đào tạo từ đầu.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, không thể thay đổi mong muốn của người lao động mà chính doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng, thích nghi với mong muốn đó bằng cách tạo ra môi trường làm việc sạch và xanh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động; bố trí thời gian làm việc để công nhân có thu nhập ổn định nhưng vẫn tái tạo được sức lao động; có chế độ phúc lợi để chăm lo về tinh thần như thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao; phối hợp với các cơ quan nhà nước xây dựng các khu lưu trú, nhà trẻ cho con em công nhân. Song song đó, chính quyền thành phố và các cơ quan quản lý lao động, quan hệ lao động cần xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê dài hạn, thuận tiện để gửi con, đi chợ, đi làm.

Theo ông Phan Liên, các doanh nghiệp đang gánh nhiều chi phí như tiền lương công nhân, tiền điện, nước, các loại thuế, phí, cộng với mức trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quá cao. Do đó, doanh nghiệp thích tuyển lao động thời vụ hơn nhằm “né” đóng các khoản bảo hiểm. Nếu ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần chi phí này, hệ thống an sinh xã hội được vững chắc mà doanh nghiệp cũng tiết kiệm được một phần chi phí để bù đắp cho hoạt động sản xuất, tăng lương cho người lao động.

Theo khảo sát của S&P Global (tập đoàn đa quốc gia chuyên cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính), lượng đơn đặt hàng cho các nhà sản xuất Việt Nam trong tháng 6/2024 đạt mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ở TPHCM cần tuyển mới 153.500-161.500 người, tập trung ở các nhóm ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản.

Lương cao, chế độ tốt mới giữ được công nhân


Mùa nắng nóng, công ty chúng tôi hỗ trợ công nhân các loại nước giải nhiệt để chống sốc nhiệt. Chúng tôi có căng tin để người lao động mua hàng với giá ưu đãi, có khoảng sân trống và nhiều băng ghế để họ ngồi nghỉ ngơi thư giãn, có chế độ thăm nom khi công nhân đau ốm, có xe đưa rước cho công nhân ở xa nhà máy. Nhà máy của chúng tôi nằm trong khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi thì mức lương trả cho công nhân phải cao hơn mức chung các công ty trong khu vực.
Vật giá ngày càng tăng cao, mức chi tiêu gần bằng tổng thu nhập nên đa phần công nhân chỉ dư chút ít, thậm chí không dư. Do đó, mặc dù chế độ đãi ngộ của công ty khá tốt, chúng tôi vẫn mong các cơ quan nhà nước quản lý tốt các khu kinh doanh nhà trọ để họ không thu tiền điện, nước vượt mức quy định. Công nhân ở nhà trọ hiện nay phải trả tiền điện với giá từ 3.000-5.000 đồng/kWh, cao gấp 2-3 lần so với quy định của Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Ông Trần Minh Tú - Giám đốc điều hành nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn

Khuyến khích lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội


Phải thừa nhận rằng, các ứng dụng gọi xe (xe ôm, taxi “công nghệ”) phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là những người trên 40 tuổi. Điều đáng lo là phần đông tài xế xe “công nghệ” không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chỉ một số ít công ty kinh doanh xe “công nghệ” ký hợp đồng lao động, quan tâm đến chính sách an sinh cho người lao động. Trong khi đó, các tài xế xe “công nghệ” bị xem là đối tác ngang bằng với các doanh nghiệp nên bị đánh thuế như doanh nghiệp.
Để giảm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội, nên khuyến khích người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc chính các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải quan tâm đến chính sách an sinh cho người lao động.
Ông Phan Liên - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam

Tăng kênh bán hàng với giá bình ổn cho công nhân


Công ty chúng tôi luôn có chính sách hỗ trợ về chỗ trọ để công nhân không phải di chuyển quá xa. Theo tôi, để thu hút công nhân và để họ gắn bó với doanh nghiệp, ở các khu công nghiệp hoặc quanh các khu nhà trọ đông công nhân, chính quyền TPHCM nên khuyến khích xây dựng nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng với mức giá bình ổn, có chính sách miễn giảm học phí cho con em công nhân. Cơ quan nhà nước nên đầu tư xây nhà giá rẻ cho công nhân mua hoặc thuê bởi doanh nghiệp không thể nào tự làm do vướng về cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng. Ở nước ngoài, các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân thuê đều do cơ quan nhà nước thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Luận - kiều bào người Úc,
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI