Cô đơn cùng nhau

28/04/2019 - 10:00

PNO - “Cô đơn cùng nhau” (alone together) là một khái niệm mới để chỉ tình trạng thay vì dành thời gian quây quần, trò chuyện theo cách truyền thống thì từng thành viên đều có góc riêng với thiết bị di động cá nhân.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi khi cha mẹ suốt ngày chúi mặt vào màn hình điện thoại không còn là hình ảnh hiếm gặp. Giờ đây, một khái niệm mới xuất hiện cho thấy, những sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình ngày một mong manh.

Hai chuyên gia xã hội học người Anh Stella Chatzitheochari (Đại học Warwick) và Killian Mullan (Đại học Oxford) đã tiến hành khảo sát 5.000 đối tượng gồm các học sinh từ 8-16 tuổi cùng cha mẹ các em. Họ nhận ra các em cùng người thân của mình đang chịu đựng cảnh sống cô đơn bên nhau (alone together), ở bên cạnh nhau nhưng lại chẳng thể kết nối với nhau được.

Co don cung nhau

Các em mô tả việc hiện diện ở ngay trong chính gia đình chỉ là mỗi người ở một góc và loay hoay với thiết bị của mình. Bữa ăn vẫn tươm tất, ti vi vẫn chiếu những tiết mục dành cho gia đình nhưng chẳng còn cảnh nói cười rôm rả với nhau. 

Nếu những đứa trẻ còn quá nhỏ, không thể tự ý sử dụng thiết bị di động thì ở lứa tuổi 14-16, các em hoàn toàn có khả năng ẩn vào một góc riêng trong nhà để thoải mái lang thang trên mạng. Mọi thứ diễn ra được mô tả là rất hấp dẫn, “ồn ào” nhưng lại thể hiện không gian sinh hoạt chung của gia đình lặng yên như tờ, lặng yên đến đáng sợ.

Theo khảo sát này, khoảng thời gian “cô đơn cùng nhau” chiếm đến 47% thời gian các thành viên có mặt trong không gian chung. Từ lúc ăn tối tới buổi xem ti vi, cả người lớn lẫn trẻ con đều có khuynh hướng cầm điện thoại lên lướt mạng, chơi trò chơi hoặc xem tin nhắn, thông báo… Nhiều phụ huynh thừa nhận họ đã không thật sự tham gia vào các hoạt động gia đình, dù bản thân họ tỏ ra mình đang rất quan tâm tới chương trình ti vi. 

Giáo sư Sherry Turkle chuyên nghiên cứu về khoa học xã hội (tại Viện Công nghệ Massachusetts) là người đầu tiên đề cập đến cụm từ “cô đơn cùng nhau”, và bà cũng lấy làm tựa đề cho quyển sách của mình, nói về hiện trạng các thành viên trong gia đình từ chối tương tác trực tiếp với nhau. Thay vì dành thời gian quây quần, trò chuyện theo cách truyền thống thì từng thành viên đều có góc riêng với thiết bị di động cá nhân.

Trong quyển sách của mình, giáo sư Sherry Turkle dẫn ra ít trường hợp các cặp đôi mâu thuẫn, ngày càng trở nên xa cách trong mái ấm vì người còn lại chỉ biết chăm chăm vào điện thoại, hoặc có những cặp đôi thà im lặng trước mặt nhau để được tập trung vào công việc trên điện thoại. Cuối cùng, họ chẳng biết phải bắt đầu từ đâu để có thể trò chuyện cùng nhau. 

Hai chuyên gia Stella Chatzitheochari và Killian Mullan đã tiến hành quan sát những trẻ từ 8-16 tuổi cũng như gia đình của các em trong nhiều năm liền. Thực tế, họ nhận ra trẻ em ngày nay có nhiều thời gian ở bên cạnh cha mẹ mình hơn. Điều này được lý giải bởi cha mẹ có ý thức hơn với việc dành thời gian ở bên cạnh con.

Nhưng khi đi sâu tìm hiểu, đặt thêm câu hỏi thì hai chuyên gia nhận ra về mặt chất lượng, cha mẹ và con cái không thật sự có mặt bên nhau. Người ta thường nghĩ cha mẹ, con cái kết nối với nhau dễ dàng trên thiết bị di động hoặc thậm chí trên mạng xã hội giúp mối quan hệ của các thành viên gần gũi, khắng khít hơn nhưng thực tế, những gì họ thể hiện trên các nền tảng di động lại chỉ một mối quan hệ khác song song bên cạnh mối quan hệ họ có trên thực tế.

Trong khi đó, các nghiên cứu về mặt tâm lý học cho thấy, việc lãng quên những kết nối trong thực tế khiến cả hai phía giảm dần sự thấu hiểu. Họ dễ nổi cáu, tức giận và thiếu đi sự cảm thông dành cho nhau. 

Chuyên gia Killian Mullan cho biết kết quả nghiên cứu khiến ông nghĩ ngay đến bộ phim Ở nhà một mình do nam diễn viên Macaulay Culkin thủ vai chính. Ông chia sẻ: “Không chỉ những đứa trẻ mà cả người lớn ngày nay cũng đang phải ở nhà một mình dù bên cạnh họ vẫn là người thân. Điều này thật đáng buồn và là bước thụt lùi của công nghệ trong đời sống chúng ta”.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI