Theo dự báo, sông Cái lớn có thể lấy nước ngọt ở vùng nước cách cửa biển 45km, từ Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) trở vào. Sông Hậu, sông Tiền có nước ngọt cách biển 35-45km, từ TP.Trà Vinh hoặc H.Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) trở vào. Còn con sông Hàm Luông chỉ còn nước ngọt cách biển 75km. Ngay cả trong dự báo lạc quan nhất giữa mùa hạn mặn, “vùng ngọt” của những con sông vẫn quá khiêm tốn. Nước ngọt đã bỏ người dân vùng giáp biển đi đến hàng chục ki-lô-mét về phía thượng nguồn.
Sống giữa con nước mặn đắng
|
Kênh nội đồng cạn trơ đáy |
Tôi gọi cho chị Pha - một cán bộ xã An Hiệp, H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ năm 2016, khi hạn mặn chỉ mới trầm trọng ở vài địa phương thì An Hiệp đã chứng kiến trước tiên vị chát đắng của con nước. Nghe tôi hỏi chuyện nước mặn, chị nói: “quá lắm rồi em ơi! Lúa thất, tôm chết, người đứng sựng chứ biết làm gì!”.
Từ năm 2016, đợt hạn mặn kéo dài khiến ruộng lúa cháy khô ngay trước thời điểm thu hoạch đã “dạy” cho chị một bài học: chị không đủ giàu để đánh đu với con nước, chỉ thêm một - hai vụ thất trắng như thế, nhà sẽ đổ nợ. “Học” xong, chị quyết bỏ ruộng, chuyển sang làm tôm - loại thủy sản phù hợp với nước mặn - giống như những người nông dân còn hy vọng và còn bám trụ quê hương. Có những đồng hương của chị không đợi nổi quả ngọt của một sự chuyển đổi, đã bỏ quê để lên thành phố mưu sinh.
Năm nay, mặn đến sớm, từ tháng 11/2019. Bà con An Hiệp mất luôn cả lúa vụ mùa lẽ ra sẽ thu vào tháng 12. Trên vuông tôm, những ngày trước Tết, chị Pha chứng kiến đàn tôm giống mới thả non tháng đã lừ đừ, bỏ ăn, rồi chết dần - “mặn quá, tôm cũng sống không nổi!”. Tôm chết, ruộng lúa bỏ trống trong vụ đông xuân, hạn và mặn bắt đầu uy hiếp cả sự sống của con người. Cả một vùng nông nghiệp không có một giọt nước ngọt, họ phải mua nước.
An Hiệp tuy là vùng trũng của hạn mặn, nhưng còn may là ở sát bên xã Phú Lễ - nơi có vài mạch nước ngọt đủ để phân phối cho bà con hai xã dùng cho những nhu cầu tối thiểu. Hồi đầu mùa mặn, đặt hàng trước 1-2 ngày là có nước. Nhưng nay, muốn mua nước phải đặt trước cả tuần. Bà con xếp hàng chia nhau những suất nước ngọt với giá 220.000 đồng/khối. Nước mua được chỉ dùng để uống và “tắm tráng”, “rửa tráng”, “giặt tráng” - tức chỉ xối một ca sau cùng để tráng lại sau khi tắm nước mặn. Rau cũng rửa bằng nước mặn, quần áo cũng giặt bằng nước mặn rồi đến nước cuối mới rửa lại một lần bằng nước ngọt. Mà nước giặt đồ, thường là nước sau khi tráng rau, tráng chén bát.
Người vùng sông nước từng tự hào “hỏi mười người Ba Tri là hết mười người biết bơi”, nay cũng tự thấy cái kỹ năng sông nước đã quá thừa thãi so với những phép sinh tồn mùa hạn. “Người An Hiệp nay có thể không biết bơi, nhưng phải biết tắm nước mặn, biết so đo từng giọt nước ngọt sao cho đủ. Dùng nay phải tính đến mai”, chị Pha nói.
Cuộc sinh tồn riết róng và… ngây ngô
Đó là với những người đã được thiên nhiên “tập huấn” cho vài lần với hạn và mặn. Còn với vùng cây trái cách biển gần 80km vốn xa lạ với hạn mặn như cù lao Ngũ Hiệp (H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), thì mùa hạn năm nay mới thực khốc liệt. Chịu mặn từ tháng 11/2019 đến tầm tháng 1/2020, cả một vùng cao sản sầu riêng xác xơ với con nước có độ mặn đến 3,98g/l. Trong khi, chỉ cần nhiễm mặn ở mức từ 0,5g/l, nguồn nước đã đủ giết chết cây sầu riêng. Sau những ngày cố công giải cứu vườn sầu riêng với những dòng nước ngọt được mua với giá 300.000 đồng/khối, nhiều nông dân đành bỏ cuộc. Những vườn sầu riêng trồng từ mười năm trước trụi lá, chết đứng giữa miệt sông nước, trước cơn nhiễm mặn kỷ lục trăm năm.
|
Đồng ruộng khô hạn vì thiếu nước ngọt |
Buổi chiều, chiếc xe máy cũ kỹ, trơ khung chở theo năm bao tải nhỏ vào đến bên bờ ruộng. Mấy bao tải quăng xuống sàn, nước chảy lênh láng. Chủ nhân của chúng lại cặm cụi mở miệng bao, đổ ra cả thau nước đá bi. Thau nước đá óng ánh, “giải khát thị giác” dưới trời chiều mùa hạn. Ông chủ bưng cái thau nhôm cũ đựng đầy nước đá đó, lội xuống ruộng, lấy từng nắm đá rải xuống ruộng lúa như rải phân. Mấy hột đá lọt thỏm xuống ruộng lúa đã trổ đòng bạt ngàn, mất hút. Anh đang… tưới lúa.
Chống chọi với những đợt xâm mặn từ cuối năm ngoái, đến giữa tháng Hai, lúa sắp đến mùa gặt lại đến cơn mặn dữ. Không có nước ngọt, đồng ruộng khô hạn, rồi vỡ ra những khe nứt hiếm thấy với người Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang). Vụ lúa đã sắp đến đích mà con nước vẫn bặt tăm, bà con truyền nhau cách… giải khát cho lúa bằng nước đá.
Rải hết thau nước đá, anh lại trở lên, lấy tiếp. Hàng xóm của anh quay cảnh “cho lúa uống nước đá” rồi đăng lên Facebook để “khoe” một sáng kiến cứu lúa mùa hạn. Đến đoạn quay cận cảnh đôi dép mủ cong vênh, lấm lem bùn đất bước đi trên bờ ruộng, cư dân mạng bình luận: “Hai lúa Tiền Giang chơi lớn, mua nước đá tưới cho lúa”, “Rải vậy thì được gì?”, “Rồi tiền lúa bán có đủ bù tiền mua nước đá không?”… Mấy câu bình luận không có phản hồi. Nhưng ngay trong clip, chủ nhân của đám ruộng khô hạn đã trả lời. Anh vừa tưới nước đá cho lúa, vừa nói: “vái trời cứu khát được cho ruộng thì khỏe. Nước không có thì rải ít nước đá cho mát lúa. Chứ làm gì giờ? Hông lẽ bỏ?”.
Hình ảnh người nông dân rải nước đá “giải khát” cho ruộng lúa như một trò câu “like” của cư dân mạng, nhưng càng lúc càng được nhiều nông dân áp dụng. Vựa đá Ngoan ở xã Phước Trung, H.Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang còn giảm giá hỗ trợ cho nông dân giải khát ruộng lúa, bao đá 25.000 đồng giảm còn 20.000 đồng. “Cơ sở khoa học” của phương pháp này là dựa vào… phản ứng của cơ thể người: giữa cơn khát dữ thì uống một ngụm nước đá sẽ đã khát hơn cả một ca nước bình thường. Hơn nữa, đá bi mang theo từng khối nước nhỏ, có thể rớt nhanh xuống đất ruộng, tránh bị bốc hơi như những hạt nước vương lại trên lá. Nghĩ vậy, nên người nông dân quyết tâm bỏ tiền mua đá viên, giải khát ruộng đồng.
Giữa hạn mặn bủa vây, người ta đã “nhân hóa” ruộng đồng lâm nguy, để “sáng tạo” những phương thuốc lạ kỳ và ngây ngô đến khó tin. Ở vùng Tây Nam Bộ, những người nông dân hiểu lúa nhất, những người góp phần gìn giữ an ninh lương thực quốc gia, theo đuổi niềm tự hào “cường quốc lúa gạo” trên thế giới - giờ chỉ có thể dùng những tưởng tượng cá nhân để mong cứu lúa. Họ nghĩ lúa cũng như người miền Nam, khát thì uống nước đá. Phép “nhân hóa” này chợt gợi nhớ trò chơi búp bê của những bé gái. Những con búp bê vô tri được bọn trẻ “nuôi nấng” như người: được may đồ đẹp, được đút hờ những muỗng cơm - bằng tất cả yêu thương hồn nhiên, non nớt. Trong cuộc chơi đó, bọn trẻ thật tự do. Còn những người nông dân, giữa những phép thử sinh tồn này, họ thật cô độc.
Những niềm hy vọng không còn lấp lánh
Đã có nhiều phương án giải cứu người miền Tây Nam Bộ khỏi tình trạng thiếu nước. Nhiều xe, nhiều xà lan chứa nước quý giá được người hảo tâm mang đến tận tâm điểm hạn mặn, chia cho người dân. Nhiều địa phương tính đến các phương án khoan sâu, đào giếng tìm mạch nước ngầm để giải cứu cơn khát của con người.
|
Cây lúa trổ đòng xác xơ trong nắng hạn, hàng vạn gia đình nông dân miền Tây điêu đứng giữa mùa khô khốc liệt nhất trong hàng trăm năm qua |
Nếu những phương án này thành công, người dân tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long... sẽ “vượt sốc” lần này mà trở thành những cư dân quen mặt hạn mặn như người An Hiệp (H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Họ sẽ sống, nhưng sẽ từ bỏ hy vọng với mùa màng. Họ sẽ ra đi. Hoặc, họ sẽ chuyển đổi đường hướng mưu sinh trong giới hạn hiểu biết và kinh nghiệm của họ, để càng về sau, khi cơn mặn càng trở nên khốc liệt, vùng hy vọng cũng hẹp dần. Đó là kết cục dễ hình dung về con người. Thế còn cả một vùng đất?
Người miền Tây đã từng có những cơ may “thoát ly” khỏi hạn mặn, lên thành phố tìm một việc cần sức người, làm công ăn lương. Xóm làng miền Tây từ 5-10 năm trước đã dần thiếu vắng người trẻ, chỉ còn người già. Năm 2016, khi tôi ghé Châu Hưng, H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre giữa mùa hạn mặn, bà Phan Thị Xiệp đã chịu cảnh hiu hắt ngóng con khi bốn đứa con trai bỏ lên thành phố làm công nhân vì mùa màng thất bát. Nay, khi mùa hạn càng gay gắt, bà Xiệp đã không còn cảnh ngóng con, vì “tụi nó về quê rồi, tại dịch bệnh, trên thành phố người ta thải người…”.
“Lũ”, “thành phố”... những niềm hy vọng đã bớt lấp lánh sau nhiều đợt nếm mùi thực tế. Thành phố cũng có những cơn đau của thành phố, cũng có những đợt “thải người”. Còn cơn lũ nào cũng mang hy vọng làm lành những vết thương, nhưng sau mùa hạn, lũ có về cũng dễ mang theo những cơn sạt lở làm nên vết thương loang lổ trên thân xác đồng bằng.
Minh Trâm