PNO - Những ngày này, TP. Huế như được khoác lên mình một tấm áo mới với những sắc màu của lễ Phật đản.
Khi 7 đóa sen khổng lồ được thắp sáng trên dòng Hương cũng là thời khắc báo hiệu mùa Phật đản sanh đã về chốn thiền môn xứ Huế |
Trên khắp các con đường, cây cầu ở Huế đều được trang hoàng cờ phật và hoa sen. Các ngôi chùa ở Huế dường như rực rỡ hơn với Lễ Đài Phật đản, cờ hoa được trang hoàng đẹp mắt |
Tại nhiều ngôi chùa ở Huế như Quốc tự Diệu Đế, Tổ đình Từ Đàm... đều trang trí chào đón Đại lễ Phật đản. |
Dạo một vòng quanh thành phố, những nơi công cộng, các tuyến đường lớn, cầu Dã Viên, Trường Tiền, Phú Xuân... cho đến các gia đình Phật tử đều trang hoàng cờ Tổ Quốc cùng cờ Phật giáo |
Tất cả tạo thành một khung cảnh linh thiêng ngập tràn không khí hân hoan của người dân xứ Huế đón chào mùa Phật đản Phật lịch 2566 |
Lễ hội Phật đản năm nay tại Huế gồm nhiều hoạt động trải khắp các địa điểm Nghinh Lương Đình, Liễu Quán, Quốc tự Diệu Đế, Tổ đình Từ Đàm... với các chương trình chính như: Lễ Thắp sáng 7 đóa hoa sen trên sông Hương, triển lãm văn hóa Phật giáo, ẩm thực chay... |
Tất cả các hoạt động đều hướng đến Tuần lễ Festival Huế 2022 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” |
Trải qua dặm dài lịch sử, Phật giáo không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của người dân xứ Huế mà còn được xem là một trong những thành tố quan trọng, tạo nên bản sắc văn hóa Huế |
Sau 2 năm do ảnh hưởng dịch COVID-19 không thể tổ chức, năm nay, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức trở lại các sự kiện mang tính cộng đồng như: Lễ rước tôn tượng kim thân Đức Phật từ Quốc tự Diệu Đế lên tổ đình Từ Đàm, lễ diễu hành xe hoa... |
Đại lễ Phật Đản năm nay tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa tích cực của mình, thắp sáng niềm tin về một tương lai an lành cho thế giới sau thời gian chống chọi với dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp hòa bình, thịnh vượng, an lạc |
Với người dân Huế, Phật đản được xem là một trong những ngày lễ lớn trong năm vì thế nhiều gia đình chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ những ngày đầu tháng 4 âm lịch, mọi người tranh thủ mua sắm lễ phẩm, chuẩn bị bàn thờ Phật trong gia đình một cách trang nghiêm |
Nhà ai có khoảng vườn rộng sẽ dựng một đài sen ở phía trước sân. Không chỉ những con đường dẫn lên chốn thiền môn, mà khắp nơi từ đường lớn cho đến ngõ hẻm, đâu đâu cũng thấy người dân treo cờ Phật giáo, trang trí đài sen, tượng Phật, lồng đèn ngũ sắc… như báo hiệu một mùa an lạc, cầu chúc nhau những điều bình an |
Đặc biệt con đường Kim Long dọc theo bờ sông Hương dẫn lên chùa Thiên Mụ hay con dốc đường Điện Biên Phủ dẫn lối lên cổ tự Từ Đàm, rồi từ bến sông Đông Ba nhìn vào Quốc tự Diệu Đế đã quá quen thuộc với những ai từng lớn lên ở Huế. Rồi những ngôi chùa làng hay những niệm Phật đường ven đô cũng trở thành một phần ký ức với những người đi xa cho đến tận bây giờ, khi mùa Phật đản lại về |
Người Huế khi đi lễ Phật vẫn luôn giữ được sự khiêm cung, không hề có cảnh chen lấn, lộn xộn. Ai cũng nhường nhau để giữ nguyên sự thanh tịnh tối đa có thể bên trong chánh điện và trật tự bên ngoài vườn chùa |
Dấu ấn văn hóa Phật giáo đã in đậm và ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân trên mảnh đất này, nó không chỉ được hiện hữu hóa cụ thể qua những ngôi chùa, niệm phật đường, hay những món ăn chay, mà còn được hiện diện qua hệ thống các lễ hội Phật giáo. Tiêu biểu trong số các lễ hội đó là lễ Phật đản |
Đặc biệt khi mùa Phật đản đang về người dân không ồn ào, chen chúc, từng người tìm đến lễ Phật một cách lặng lẽ, thanh tịnh như tính cách của con người nơi đây. |
|
Clip: Không khí Cổ tự Diệu Đế trước ngày diễn ra Đại lễ Phật đản PL.2566 |
Thuận Hóa
Chia sẻ bài viết: |