Vỡ mộng giàu sang
Chị Hồ Thị Mỹ Ân vốn sinh ra trong một gia đình thuộc diện khá giả ở ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Gia đình chị Ân ngoài việc làm ruộng, chăn nuôi còn có một quán bán đồ ăn sáng và nước giải khát khá đông khách.
Theo bà Lục Thị Phương (mẹ chị Ân) mặc dù công việc ở quê có hơi vất vả nhưng thu nhập cũng tương đối ổn định. Quán hàng ăn sáng của gia đình bà mỗi ngày chỉ bán tới 7 giờ sáng là đã hết hàng, không khi nào bị ế.
Với thu nhập của gia đình, chị Ân chưa bao giờ phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Chị cũng được gia đình cho đi học đầy đủ chứ không phải bỏ học giữa chừng như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Đến tuổi trưởng thành, chị Ân cũng được nhiều chàng trai làng ngỏ ý muốn lấy làm vợ, nhưng chị chẳng ưng ai.
Thấy một số bạn bè của chị đi lấy chồng ngoại quốc có được cuộc sống vô cùng sung sướng. Vậy là chị Ân quyết định cũng phải lấy cho bằng được một ông chồng ngoại với suy nghĩ “chồng ngoại dù sao cũng tốt hơn chồng nội”.
|
Bà Phương chia sẻ với PV |
Năm 2007, thông qua mai mối chị Ân kết hôn với một người chồng quốc tịch Hàn Quốc hơn chị đến mấy chục tuổi. Cuộc hôn nhân diễn ra quá nhanh nên chị Ân không có cơ hội tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh của nhà chồng. Thời điểm chị lấy chồng ngoại cũng là thời điểm đầu của trào lưu xuất ngoại lấy chồng của chị em miền Tây nên có ít kinh nghiệm.
Đến khi sang nhà chồng, chị Ân mới ngỡ ngàng khi nhà chồng chị còn khó khăn hơn cả nhà chị ở quê. Bà Phương chia sẻ: “Ngày con theo chồng về Hàn Quốc, tôi cũng chỉ mong con có cuộc sống giàu sang thì sướng cho bản thân nó chứ tôi cũng không cần con phải gửi tiền về cho mình. Tuy nhiên, khi vừa sang tới nhà chồng nó đã gọi điện về cho tôi và khóc mếu rằng nhà chồng nghèo khó lắm. Đã vậy lại còn sống trong căn nhà rất chật chội ở một vùng xa trung tâm thành phố. Lúc đó tôi chỉ còn biết khuyên con “đã đâm lao thì phải theo lao”, không thể bỏ về để người ta chê cười”.
“Đã đâm lao phải theo lao”
Theo bà Phương, mặc dù nhà chồng của chị Ân nghèo khó nhưng may mắn là chồng của con gái bà rất hiền lành, chịu khó và yêu thương vợ. Sau đó chị Ân cũng xin đi làm để kiếm tiền phụ giúp chồng trang trải cuộc sống.
Năm 2008, chị Ân mang thai đứa con đầu lòng, tuy nhiên trong thời gian mang thai chị vẫn phải đi làm vất vả, không được kiêng khem đầy đủ và cũng không được đi khám thai định kỳ để phát hiện dị tật bẩm sinh. Thế rồi khi đứa con chào đời, chị chưa kịp vui mừng vì đó là con trai thì đã phải khóc cạn nước mắt khi biết con mắc bệnh bại não bẩm sinh. Cậu bé được đặt tên theo tiếng Hàn Quốc là Kim Su Hwan.
|
Căn nhà của gia đình bà Phương |
Su Hwan cũng khá xinh trai nhưng nét mặt hơi ngây dại, chân tay khùng khoèo và chẳng thể nói hay đi lại được như những đứa trẻ bình thường dù đã 8 tuổi. Cuộc sống ở Hàn Quốc vốn đã khó khăn, lại sinh ra đứa con bệnh tật khiến chị Ân thêm chán nản. Bao nhiều tiền kiếm được hai vợ chồng chị dành hết cho việc chữa trị bệnh cho con nhưng cũng không có kết quả gì.
2 năm sau, chị Ân sinh tiếp một đứa con nữa. Lần này là một cô con gái xinh xắn, đặt tên là Kim Chi In. May mắn là Chi In khỏe mạnh bình thường chứ không bị bệnh hiểm nghèo như anh trai. Tuy nhiên, phải chăm sóc hai đứa trẻ nhỏ khiến chị Ân không thể đi làm kiếm tiền được. Tiền lương của một mình chồng chị không đủ để lo cho chị và hai đứa con. Không còn cách nào khác, chị Ân đành phải lần lượt gửi cả 2 đứa con về quê nhờ người thân chăm sóc để chị ở lại Hàn Quốc làm thuê kiếm tiền.
Bà Phương chia sẻ: “Lúc con Ân mới theo chồng về Hàn Quốc, người ta nói, muốn nhập hộ khẩu bên đó, phải có hộ khẩu bên này, nhưng con tui mới đi 6 tháng, địa phương đã cắt hộ khẩu nó mất tiêu rồi. Hai đứa cháu gửi về đây chỉ kèm theo hai cái hộ chiếu, không tờ giấy lận lưng”.
Cũng vì lẽ đó bà Phương đã phải rất vất vả mới xin được cho cô con gái nhỏ chị Ân là cháu Kim Chi In đi học mẫu giáo rồi vào lớp 1. Bà Phương chia sẻ: “Thời gian đầu, tui dẫn cháu đến xin học ở trường mẫu giáo của Hòa An, rồi một số trường mẫu giáo khác, nhưng họ đều không nhận vì cháu tôi không có giấy khai sinh. Về sau phải thuyết phục mãi mới có trường nhận cho cháu tôi đến lớp theo diện học nhờ” - bà Phương nói.
|
Bé Kim Chi In gặp nhiều khó khăn trong việc đi học |
Còn về cậu bé Kim Su Hwan – con trai chị Ân cũng khiến bà Phương khá vất vả để chăm sóc. Hàng tháng, bà Phương phải ra thị trấn nhờ người quen đặt mua thuốc theo toa bác sĩ, các loại sữa dinh dưỡng cũng phải mua theo hướng dẫn, có chế độ uống riêng. “Tiền điều trị cho cháu mỗi tháng phải hơn 10 triệu đồng. Dạo trước, tui có đến UBND xã xin mua thẻ BHYT cho cháu. Họ nhìn hộ chiếu toàn chữ Hàn Quốc rồi lắc đầu vì chẳng biết ghi sao. Không có khai sinh, đứa nhỏ không được đi học, đứa lớn bệnh tật cũng không được hỗ trợ gì nên rất vất vả”.
Theo bà Phương, dù khó khăn đến đâu bà cũng cố gắng khắc phục được nhưng bà lo lắng là không biết cuộc sống như thế này sẽ kéo dài mãi tới bao giờ. Đến một ngày bà già yếu thì khó có thể lo được cho các cháu nữa và chẳng biết đến bao giờ chị Ân mới cải thiện được cuộc sống gia đình bên Hàn Quốc để đón các con sang đó chung sống. Bà còn lo các cháu đã quen sống ở Việt Nam rồi, nếu sau này được đón sang Hàn Quốc thì cũng phải mất một thời gian dài để hòa nhập.
“Tôi vẫn thường nói chuyện với con gái qua điện thoại, Ân nói rằng nó cũng nhớ con nhiều lắm. Muốn mẹ con được gần nhau nhưng hoàn cảnh chưa cho phép thì cũng không biết làm thế nào. Tuy nhiên cứ kéo dài mãi cuộc sống như thế này thì cũng chán nản và mờ mịt tương lai lắm” - bà Phương chia sẻ.
Lấy 2-3 đời chồng ngoại vẫn nghèo
Theo bà Lê Kim Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, hoàn cảnh của chị Ân là một trong số rất nhiều các cô gái khác lấy chồng ngoại và có hoàn cảnh tương tự. Khi tiếp xúc với nhiều chị em phụ nữ từng lấy chồng nước ngoài trở về thì nhiều người cho biết, khi qua xứ người, gia đình chồng thường không cho đi làm, cũng không cho đi đâu, chồng bắt vợ ở nhà làm nội trợ, trong khi nhiều chị em nhà chồng khó khăn, lại bất đồng ngôn ngữ nên các chị em có cuộc sống không mấy hạnh phúc.
Bà Thủy cho biết, nhiều trường hợp ở Hậu Giang sau khi lấy chồng nước ngoài lần thứ nhất không hạnh phúc, trở về Việt Nam lại tiếp tục lấy chồng lần thứ 2 cũng với mong muốn “khá” hơn trước để có tiền gửi về cho gia đình. Tuy nhiên có nhiều trường hợp chị em 2, 3 lần lấy chồng nước ngoài đều không được hạnh phúc. Nhiều chị em sau khi “vỡ mộng” lấy chồng giàu nước ngoài trở về thì hầu như không ở địa phương, phần vì mặc cảm với mọi người, phần phải kiếm tiền sinh sống nên thường đi làm xa. Chị em nào có con mang về thì bỏ lại cho cha mẹ nuôi.
Theo bà Thủy, để giúp đỡ những chị em khó khăn, Hội LHPN các địa phương cũng đã tổ chức cho nhiều chị em học nghề lao động nông thôn nhưng sau khi học xong thì hầu hết họ không đi làm được. “Nghề lao động nông thôn học xong có được việc làm rất ít, với lại tiền kiếm được từ nghề cũng rất ít so với đi làm ở các công ty, xí nghiệp nên nhiều chị em bỏ nghề mà đi làm công nhân”, bà Thủy chia sẻ.
Hương Giang