"Cô đào hát": vở diễn của hoài niệm và kỳ vọng

26/08/2023 - 14:48

PNO - Tối 25/8, khán phòng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (quận 1) không còn chỗ trống, phải kê thêm ghế súp. Rất đông khán giả lẫn nhiều văn nghệ sĩ đã đến thưởng thức và ủng hộ vở cải lương "Cô đào hát" của sân khấu Đại Việt.

 

Cô đào hát phiên bản 2023 có sự góp mặt của NS ƯT Kim Tử Long, NS ƯT Quế Trân, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường và Võ Minh Lâm.
Cô đào hát phiên bản 2023 có sự góp mặt của NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường và Võ Minh Lâm

Hoài niệm

Với NSƯT Hoa Hạ, Cô đào hát có vị trí rất đặc biệt, khi gần như là đứa con tinh thần trọn vẹn của chị. Được phóng tác từ truyện ngắn Người đàn bà đức hạnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cùng với tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Hoa Hạ đã có bản dựng kịch nức tiếng trên sân khấu IDECAF vào năm 1997, với sự góp mặt của những diễn viên hàng đầu làng kịch lúc bấy giờ là: Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Quốc Thảo và Thương Tín.

Vở diễn thành công và được giới nghệ sĩ cải lương đặc biệt yêu thích, đề nghị Hoa Hạ nên có thêm bản dựng cải lương. Chính Hoa Hạ đã chuyển thể cải lương kịch bản và “đo ni đóng giày” cho 4 nghệ sĩ tài danh là: Vũ Linh, Phương Hồng Thủy, Linh Tâm và Ngân Tuấn.

Bản dựng cải lương Cô đào hát gây tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu mùa thu - 1998 nhân dịp chào mừng Sài Gòn - TPHCM 300 năm tuổi. Vở được yêu thích đến mức có phần làm lu mờ cả bản kịch nói.

Vở diễn có cách dàn dựng
NSƯT Hoa Hạ có cách dàn dựng khá độc đáo, khi đưa khán giả ngược dòng thời gian trở về những năm xưa để xem vở cải lương Cô đào hát. Chi tiết đoàn Tân Thạnh Ban mời được dàn danh cầm nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh về tấu cho vở, tạo sự thích thú cho người xem.

Với NSƯT Hoa Hạ, dựng lại Cô đào hát không chỉ là thử thách “làm mới chính mình”, mà còn được sống lại những kỷ niệm, khi cùng các cộng sự thành lập CLB sân khấu Ba Thế Hệ, đưa cải lương trở lại sáng đèn vào giai đoạn sân khấu cải lương TPHCM gần như tê liệt, vào giữa thập niên 90 thế kỷ XX. Với những Vượt qua đêm tối, Tuyệt tình ca, Hàn Mặc Tử, Cô đào hát…, đây là mô hình cải lương xã hội hóa đầu tiên và thành công cả về chất lượng lẫn doanh thu.

Với soạn giả Hoàng Song Việt, “ông bầu” của sân khấu Đại Việt, thì chọn dựng lại Cô đào hát cũng là hoài niệm về những giá trị đích thực của sân khấu, mà ông từng chứng kiến và nỗ lực tìm lại.

Vì thế, lần đầu trên sân khấu Đại Việt, nhiều cái tên hàng đầu trong làng nhạc cụ dân tộc hiện nay cùng hội tụ: NSƯT Văn Môn (guitar), NSƯT Hải Phượng, nhạc sĩ Duy Kim (đờn tranh), Nhứt Dũng (bộ gõ), Thanh Long (đờn kìm), Trần Sơn (tiêu - sáo), Thanh Hoàng (đờn cò - gáo), Phú Quý (đờn bầu). “Ở Cô đào hát, tôi muốn có 1 dàn nhạc đủ khả năng tấu nhạc nền thay nhạc Tây bằng chính nhạc cụ dân tộc. Đây là điểm nhấn đặc biệt của bản dựng lần này” - ông Hoàng Song Việt cho biết.
Vở diễn quy tụ dàn nhạc dân tộc gồm: NSƯT Văn Môn (guitar), NSƯT Hải Phượng, nhạc sĩ Duy Kim (đờn tranh), Nhứt Dũng (bộ gõ), Thanh Long (đờn kìm), Trần Sơn (tiêu - sáo), Thanh Hoàng (đờn cò - gáo), Phú Quý (đờn bầu)

Rất lâu rồi, sân khấu cải lương mới lại thấy được một dàn nhạc dân tộc “hùng mạnh” đến thế với 8 danh cầm chơi 10 nhạc cụ. Trong đó, NSƯT Hải Phượng, NSƯT Văn Môn và nhạc sĩ Nhứt Dũng là những người đã gắn bó với Cô đào hát từ phiên bản kịch nói qua 2 phiên bản cải lương trải dài hơn 25 năm qua.

“Được trở lại với Cô đào hát trong một bản dựng mới, chỉn chu như thế này thật là xúc động” - NSƯT Hải Phượng bộc bạch.

Người nghệ sĩ thăng hoa trên
Người nghệ sĩ có những phút giây thăng hoa trên sân khấu, ngoài tài năng...
... còn là sự động viên và cả góp ý chân thành của những khán giả chân chính.
... còn là sự động viên và cả góp ý chân thành của những khán giả chân chính.

Kỳ vọng

Cô đào hát chỉ có 4 nhân vật do NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân và nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường, Võ Minh Lâm đảm nhận các vai diễn chính. Nhưng thông qua mối quan hệ giữa 4 con người đó, vở đã vẽ nên bức tranh sống động về số phận người nghệ sĩ trong cơn biến loạn, lẫn cái nhìn khắt khe, phiến diện của người đời, và đôi khi thiếu cả sự thông hiểu từ chính những người thân yêu nhất. Người nghệ sĩ tài hoa luôn muốn làm đẹp cho đời, nhưng cũng là người nhạy cảm, và dễ bị tổn thương nhất.

Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết khi chọn diễn viên, ông cũng đã nhắm đến những gương mặt phù hợp và đủ đầy năng lực đảm nhận các vai diễn ở hiện tại. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ như Quế Trân, Minh Trường, Võ Minh Lâm “vượt lên chính mình”, và cả ngôi sao như Kim Tử Long tạo thêm dấu ấn trong sự nghiệp.

“Tôi không mong các em có thể so sánh với bất cứ ai, chỉ cần các em thể hiện các nhân vật với dấu ấn của chính mình là đủ” - ông Hoàng Song Việt chia sẻ.

Người nghệ sĩ chân chính
Người nghệ sĩ chân chính không chỉ đem lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời, mà chính bản thân mình phải là tấm gương lan tỏa các giá trị chân - thiện - mỹ

“Khác với lần dựng trước là chuyển thể cho từng diễn viên, nhìn diễn viên thôi đã ra vai. Nhưng giờ là dàn diễn viên mới, không phải hình hài, tâm lý, hoàn cảnh ban đầu đã định mà có thể diễn tốt được liền. Vì thế, mình phải thay đổi cách dàn dựng mới, cũng phải bỏ một thời gian ra để hiểu lợi điểm của các diễn viên hôm nay, mà giúp các bạn có thể nhập vai tốt nhất, đẹp nhất ở thời điểm hôm nay” - NSƯT Hoa Hạ cho biết.

NSƯT Kim Tử Long đã bỏ rất nhiều sô diễn
NSƯT Kim Tử Long đã bỏ rất nhiều sô diễn để tham gia vở diễn, mong muốn hỗ trợ các đàn em, ủng hộ các bạn trẻ có thêm nhiều vai diễn hay
NS ƯT Quế Trân
NSƯT Quế Trân bày tỏ sự đồng cảm với nhân vật cô đào hát Cầm Thanh và rất xúc động khi được đảm nhận vai diễn mang tính biểu tượng cho phẩm chất cao đẹp của người nghệ sĩ
Vân Hạc không phải là một vai diễn khó với nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường. Anh còn đảm nhận vai trò trợ lý đạo diễn cho NSƯT Hoa Hạ và đã học hỏi được nhiều điều, nhất là cách khai thác năng lực riêng của người nghệ sĩ.
Vân Hạc không phải là một vai diễn khó với nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường. Anh còn đảm nhận vai trò trợ lý đạo diễn cho NSƯT Hoa Hạ và đã học hỏi được nhiều điều, nhất là cách khai thác năng lực riêng của người nghệ sĩ.
Võ Minh Lâm nhận được nhiều cảm tình từ khán giả với vai Liêm thông ngôn.
Võ Minh Lâm thành công "vượt lên chính mình" khi nhận được nhiều cảm tình từ khán giả với vai Liêm thông ngôn. Anh cho biết, thay đổi góc nhìn từ một nghệ sĩ trở thành một khán giả ngưỡng mộ người nghệ sĩ thần tượng là không dễ, vai diễn cũng giúp anh nhìn nhận lại mối quan hệ với những khán giả thân quen luôn ủng hộ mình trên chặng đường đã qua.

Và đến nay, sau đêm công diễn, hiếm khi thấy “người đàn bà thép” trên sàn diễn Hoa Hạ lại xúc động đến không kìm được nước mắt.

“Mặc dù tôi không thân với các bạn như các anh chị ngày xưa, nhưng tôi rất thương các bạn của bản dựng này. Tôi tin rằng lực lượng diễn viên sân khấu cải lương mình còn rất lớn và đủ tài đủ sức làm nên những vở diễn đỉnh cao. Còn lại là sự đầu tư mà chỉ tài lực của một sân khấu xã hội hóa là không đủ…” - NSƯT Hoa Hạ chia sẻ, và mong rằng nhà nước nên có hình thức đầu tư, hỗ trợ hay quảng bá giúp những dự án chất lượng như thế này.

NSƯT Hoa Hạ xúc động phát biểu sau đêm diễn.
NSƯT Hoa Hạ xúc động phát biểu sau đêm diễn

Một điều rất đáng mừng là mong ước của NSƯT Hoa Hạ và ê-kíp vở diễn đã bước đầu được hồi đáp, khi NSƯT Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - hứa rằng, Cô đào hát sẽ đến với nhiều khán giả hơn tại Nhà hát TPHCM, nhân dịp giỗ Tổ ngành sân khấu sắp tới.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cùng đoàn công tác TPHCM dâng hương tại Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn.
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy mời ê-kíp vở diễn Cô đào hát tái diễn tại Nhà hát TPHCM mừng giỗ Tổ truyền thống ngành sân khấu

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI