Thay cha viết tiếp truyền thống hát bội
Lớp phấn son được tẩy sạch, trả lại gương mặt tươi tắn cho Mỹ Anh tuổi 20. Ít ai hình dung được, với diện mạo và vóc dáng nhỏ bé đó, Mỹ Anh đã hóa thân xuất sắc vai Giã Thị trong trích đoạn Giã Thị lạc đẻ (vở Thất Nam Dương Thành) với chất giọng mùi mẫn, nội lực cùng những màn ra bộ nhuần nhuyễn.
Ông nội Mỹ Anh là nghệ sĩ hát bội Công Chấn. Dượng cô là NSƯT Xuân Quang, cô ruột là NSƯT Thanh Trang, cũng theo nghề hát bội. Cha của Mỹ Anh - nghệ sĩ Linh Quang - lại hát cải lương. Sinh trưởng trong môi trường nghệ thuật, nên từ nhỏ cuộc sống của cô đã đắm chìm trong lời ca tiếng hát.
|
Hà Mỹ Anh trong một vai diễn hát bội |
Từ bé, bao nhiêu gươm giáo, đạo cụ trong nhà đều được Mỹ Anh mang ra tìm niềm vui. Tình yêu dành cho hồ quảng, tân nhạc ngày một lớn, Mỹ Anh luôn ước mơ trở thành nghệ sĩ ở mảng này. Khi cô bé được 15 tuổi, nghệ sĩ Linh Quang khuyên con vào đoàn hát bội học, bởi bộ môn nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ không có người kế thừa. Dĩ nhiên, ông biết rõ hát bội đã không còn ở thời hoàng kim, theo nghề này chắc chắn khó khăn, nhọc nhằn.
Niềm yêu thích cá nhân được Mỹ Anh xếp lại một bên, để đặt trách nhiệm lên hàng đầu. Quyết định này không dễ dàng, nhưng Mỹ Anh hiểu con đường cô đi chính là hy vọng của rất nhiều người đứng sau. “Tôi cũng thích mới có thể theo được, nhưng thời điểm này trách nhiệm với gia đình lớn hơn”, Mỹ Anh tâm sự.
Mỹ Anh trở thành một trong sáu học viên được Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM chọn, đào tạo. Thời gian đầu, Mỹ Anh luôn trong trạng thái hoang mang. Cô sợ học vũ đạo, nhưng đây lại là nét đặc trưng của hát bội. Hầu như buổi học nào Mỹ Anh cũng khóc vì không làm được. Có lúc, cô xin gia đình dừng lại. Nhưng sự hồn nhiên, vô tư của tuổi 15 lại giúp cô vượt qua mọi thứ. “Khóc nhiều và nản lòng đến mấy, nhưng chỉ sau một đêm là tôi quên sạch. Sự kỳ vọng của gia đình luôn khiến tôi tự nhủ không bao giờ được bỏ cuộc”, cô nhớ lại.
Ngoài việc học tại nhà hát, Mỹ Anh còn học thêm từ cô, dượng. Mỗi khi rảnh, Mỹ Anh đều mang đạo cụ ra tập luyện. Cô tự nhủ, việc gì không giỏi, làm dần cũng thuần thục, hơn cả sự kiên trì, nỗ lực luôn có thành quả tương xứng. Mỗi lần được lên sân khấu biểu diễn, Mỹ Anh không chỉ diễn cho riêng cô, mà cho cả gia đình, dẫu chỉ là vai phụ, làm quân lính, tì nữ. “Người ta cố gắng một, thì tôi phải cố gắng mười. Cái gì không biết thì hỏi. Tiếng con nhà nòi là điều tôi luôn tự hào, nhưng đôi lúc cũng trở thành áp lực”, cô tâm sự.
|
Hà Mỹ Anh trong vai Điêu Thuyền |
Ngày báo cáo kết quả học tập sau hai năm học tại nhà hát, Mỹ Anh hóa thân thành Điêu Thuyền, đóng chính trong trích đoạn Điêu Thuyền bái nguyệt. Rất nhiều lời khen, sự tán thưởng khi cảnh cuối cùng khép lại. Mỹ Anh lâng lâng hạnh phúc, bởi cô biết sự rèn luyện bấy lâu đã thu về thành quả.
Vai lớn, vai nhỏ đều không thành vấn đề
Vì quy định mới của Nhà nước, Mỹ Anh phải rời nhà hát, trong sự nuối tiếc của thầy cô, nhưng cô cũng không có lựa chọn nào khác. Sau đó, cô đậu vào Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, Khoa Kịch hát dân tộc. Mỹ Anh quay về với cải lương. “Hát bội hay cải lương đều là truyền thống của dân tộc. Tôi nghĩ mình sinh ra để góp phần giữ gìn chúng. Sức đến đâu sẽ làm đến đó”, Mỹ Anh nói.
Với nền tảng sẵn có, nhờ sự hỗ trợ của thầy cô, Mỹ Anh nâng cao các kỹ năng, hoàn thiện những điều còn thiếu sót. Điều gì đã biết vững, Mỹ Anh không ngại hướng dẫn, hỗ trợ bạn bè. Trong hơn hai năm theo học tại trường, Mỹ Anh không ít lần chứng kiến những niềm đam mê, hy vọng với nghệ thuật truyền thống rơi rụng dần. Điển hình ngay khóa học của Mỹ Anh, từ 22 học viên, nay chỉ còn 13. Nhưng cô chưa bao giờ bi quan: “Những năm qua, tôi vẫn đi hát, vẫn có thu nhập ổn từ việc này. Như bao bậc tiền nhân, khán giả luôn là động lực để tôi cố gắng trụ vững với nghề”.
Bạn bè trang lứa bước vào đời với bao nhiêu hy vọng, thì Mỹ Anh lại đối diện với biến cố gia đình. Cô trở thành trụ cột kinh tế chính, không có lựa chọn khác, Mỹ Anh lao vào cuộc mưu sinh ở các đám tiệc. Buồn tủi, chạnh lòng… là điều không thể tránh khỏi với một sinh viên được đào tạo chính quy, bởi sân khấu lớn, những vở diễn xứng tầm mới là ước mơ của họ. Nhưng một lần nữa, trách nhiệm với gia đình vẫn là lựa chọn của Mỹ Anh.
|
Hà Mỹ Anh trong hậu trường chuẩn bị cho đêm diễn |
Niềm đam mê với cải lương, hát bội vẫn còn đó, như hạt mầm, chờ ngày nảy nở. Chương trình Sao nối ngôi trở thành nơi tiếp sức cho Mỹ Anh, sau quãng thời gian nặng gánh cơm áo gạo tiền. Cô cho biết sau 10 tập phát sóng, đã có thêm rất nhiều khán giả. Nhiều nghệ sĩ đi trước như: NSƯT Vũ Luân, NSƯT Kim Tử Long… đã ngỏ lời hỗ trợ Mỹ Anh trong thời gian tới.
Hiện tại, cô cũng là một trong những gương mặt được chú ý trên mạng xã hội với hơn 163.000 người theo dõi trên TikTok. Mỹ Anh quay nhiều clip với các bản cải lương do cô viết lời, hoặc một số trích đoạn hát bội, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả gần xa. Mỹ Anh cho biết, ngoài sân khấu, cô tận dụng mạng xã hội để mang khán giả trẻ về với nghệ thuật truyền thống.
Mỹ Anh đang có nhiều cơ hội, nhưng cô không đặt mục tiêu phải trở thành đào chính. “Vai lớn hay nhỏ với tôi đều không thành vấn đề. Tôi phải thích vai đó thì mới dốc hết lòng, hết sức. Nghệ sĩ vẫn phải lớn lên, già đi. Từ vai chính rồi cũng sẽ trở thành vai mẹ, vai bà. Tôi chỉ cần biết mỗi vai diễn đều có sự đóng góp cho sân khấu là đủ”, cô bộc bạch.
Thành Lâm