“Cò” dẫn xe hàng “thông chốt” kiểm dịch COVID-19 với giá 1 triệu đồng

03/09/2021 - 13:00

PNO - Báo Phụ Nữ TPHCM liên tục nhận được phản ánh về hiện tượng “cò mồi” nhận dẫn xe thông chốt kiểm dịch với giá 1 triệu đồng/1 xe.

Nhập vai

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương phải áp dụng chế độ phong toả nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Hà Nội đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ. Nghĩa là, mọi người dân chỉ ra đường khi có việc thật sự cần thiết, khi đi phải có “giấy đi đường” được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền. Phương tiện vận tải chỉ được di chuyển khi sở hữu “luồng xanh”, lái xe buộc phải có giấy xét nghiệm COVID-19 còn hiệu lực.

Tuy nhiên, mọi quy định nghiêm ngặt ở Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Tranh Trì - Hà Nội), có những lúc bị những “cò mồi” vô hiệu bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Mỗi “cò” đưa khách “thông chốt” trót lọt, có thể thu về từ 500 - 1 triệu đồng/lượt. Điều đáng nói, chốt kiểm soát này vốn là “yết hầu” của thành phố. Ngăn chặn dịch bệnh lây lan, buộc phải kiểm soát tốt “tuyến phòng thủ” trọng yếu này. Để xác minh phản ánh của người dân, nhóm phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM đã vào cuộc điều tra.

Thông qua người từng được "cò" Hải dẫn đi “thông chốt”, chúng tôi có số điện thoại của anh ta. Sáng 1/9, trong vai người có nhu cầu ra tỉnh ngoài gấp mà không có bất cứ giấy tờ gì, tôi gọi vào số 0913463xxx. Đầu dây bên kia, “cò” Hải bắt máy, căn vặn: “Sao lại có số điện thoại này?” Tôi đáp: “Em có bà chị đã từng đi theo anh, thấy chị kể là anh có thể “thông chốt” với giá 500 ngàn đồng/1 xe…”. “Ừ đúng rồi, nhưng đấy là giá của đợt giãn cách trước, đợt này phức tạp hơn, họ làm chặt chẽ hơn nhiều, giá là 600 ngàn đồng rồi em nhé!” - "Cò" Hải khẳng định chắc nịch, đồng thời chốt giá 2 xe là 1,2 triệu đồng, không bớt một xu.

Gần trưa 1/9, khi chưa thấy chúng tôi liên lạc lại, "cò" Hải chủ động gọi, căn vặn đủ điều, sau đó anh ta hỏi: "Các em có phải là phóng viên không mà hỏi nhiều vậy? Anh sợ lên báo lắm, anh thì chẳng có vấn đề gì đâu, nhưng còn các anh em khác sẽ bị rất phiền phức".

Dù trong lòng Hải nghi ngờ chúng tôi là phóng viên, nhưng có lẽ sợ vuột mất "con mồi", Hải vội vàng hẹn địa điểm đón: "Nhà anh ngay sát đội CSGT số 14 (gần Bến xe Nước Ngầm), em cứ đậu xe đối diện đó, nháy máy là anh ra luôn"-  Hải nói.

Khoảng 15g chiều 1/9, chúng tôi có mặt tại điểm hẹn. Hải nhảy tót lên xe đậu phía trước, không quên dặn xe sau bám sát để anh ta dẫn "đoàn" qua chốt an toàn. Trên xe, Hải dặn dò:"Tí nữa có gì cứ để anh lo hết, các em không có xét nghiệm thành ra rất khó cho anh đấy. Bình thường anh có thể lo được các loại giấy tờ khác cho "khách" (PV), nhưng giấy xét nghiệm là để khẳng định "khách" an toàn thì người dẫn xe như bọn anh cũng được an toàn.

Để lấy le, Hải nói tiếp: "Mà kể cả bọn em không có giấy test thì anh cũng lo được giấy xét nghiệm cho bọn em, nhưng mà anh ít làm kiểu đấy. Làm kiểu đấy rất nguy hiểm vì bản thân cậu cũng không đảm bảo được rằng là chắc chắn 100% là bạn của mình không có bệnh. Nhỡ bạn của mình có bệnh lây cho rất nhiều người nguy hiểm lắm. Còn mình thiếu thủ tục thì tớ lo được hết ấy mà. Nếu mà bạn ấy có bệnh lây lan hết ra cộng đồng thì anh mang tội to lắm".

Vừa lái xe, "cò" Hải liên tục nhận được điện thoại của những khách hàng nhờ "thông chốt". Tôi thắc mắc, tại sao Hải có thể thông chốt được dễ dàng như thế? Anh ta giải thích: "Ừ thì cũng toàn là anh em nhà tớ hết ấy mà. Anh em, nhìn thấy nhau là cho qua thôi. Nhưng mà những vấn đề nhỏ thì không sao, gặp phải vấn đề lớn thì tội nặng lắm đấy. Không ai đảm bảo chắc chắn trót lọt 100% được vì không phải ai cũng ăn tiền.

Tôi hỏi tiếp: "Anh dẫn em ra (khỏi thành  phố - PV) được thì anh cũng dẫn em vào được đúng không"? "Cò" Hải đáp: "Vô tư luôn. Đấy là tớ nói thẳng, các bạn chưa làm với tớ nên chưa biết rồi. Từ từ sẽ biết"!

Vừa nói đến đây, "cò" Hải nhận được điện thoại của khách nhờ "thông chốt". Anh ta hướng dẫn chúng tôi: "Qua chốt thì tuyệt đối cứ đi theo tớ, cần nói hay làm cái gì thì tớ sẽ dặn trước!".

'Cò Hải trao đổi và nhận tiền từ tài xế
"Cò" Hải trao đổi và nhận tiền từ tài xế

Mánh khoé của "cò" làm luật

Trên xe dẫn chúng tôi "thông chốt", Hải luôn luôn bận rộn với những cuộc điện thoại liên quan đến việc anh ta đang làm. Khi được hỏi "hình thức làm luật để được qua chốt là như thế nào?" Hải nói: "Ở đây không làm luật tại chốt được vì là chốt liên ngành. Hơn nữa, máy quay nhiều lắm. Anh phải làm gián tiếp hết. Cứ qua xe nào thì rồi cuối ngày tính tiền chia thôi. Nói chả giấu gì các em, thời gian đầu mới giãn cách xã hội, chả có ông lái xe nào có "luồng xanh" cả. Đến chốt, bị đuổi quay đầu về hết. Khổ thân nhất là những cái xe hoa quả ở trong miền trong ra đây để lên Lạng Sơn xuất hàng đi Trung Quốc. Không qua được, hỏng hết xe hoa quả thì tụi nó đền mệt. Vậy là mình phải xử lý hết, đưa bao nhiêu lái xe thông chốt. Mình giống như một kênh, đứng giữa nhận tiền của lái xe. Tiền thì có giá chung rồi. Xe tải 1 triệu, xe con 5-600, cuối ngày đếm xe tính sau. Ở chốt liên ngành, tổng hợp các lực lượng thế này, việc "thông chốt" phải cực kỳ tế nhị. Không bao giờ "mua" được cả một đội đông như thế cả. Mọi việc phải được diễn ra tự nhiên như là vô tình...".

Và đúng như đã hứa, "cò" Hải thản nhiên dẫn 2 xe với 3 người trong nhóm chúng tôi qua chốt, hướng về Phủ Lý. Anh ta không quên dặn lại, khi nào quay về Hà Nội, đi tới nút giao Thường Tín thì gọi anh ta để anh ta "thông chốt". Cò Hải xuống xe, đòi đủ số tiền là 1,2 triệu đồng cho 1 lượt ra khỏi thành phố. Nhận tiền xong, anh ta tức tốc quay trở lại Bến xe Nước Ngầm để đón một xe khác trong nhóm chúng tôi (cũng là PV). Lần này, tình huống chúng tôi đưa ra là sau khi "thông chốt", các thành viên trong nhóm phải quay trở lại Hà Nội có việc gấp.

Chừng 1 tiếng sau, kịch bản diễn ra đúng như tính toán. Vừa qua chốt kiểm soát dịch bệnh hướng về phía Phủ Lý, PV của chúng tôi nhận được điện thoại, tức tốc quay về lại Hà Nội. Cò Hải vừa chửi thề, vừa ra giá: "Anh thu về 1,1 triệu/2 lượt "thông chốt" đấy nhé! Đồng ý thì đi, không thì tự xử. PV của chúng tôi đồng ý với mức giá "cò" Hải đưa ra. Trong giây lát, anh ta liền đưa PV thông chốt một lần nữa mà không có bất cứ trở ngại nào.

Đến đây, chúng tôi không khỏi giật mình. Những thông tin mà bạn đọc phản ánh trước đó là đúng, thực tế còn sôi động hơn nhiều. Những lái xe từng "thông chốt" thành công với giá tiền làm luật "trên trời" ấy, thâm tâm còn mang đầy trăn trở, day dứt. Dịch bệnh diễn ra ngày càng đáng sợ. Chính phủ, các ngành, các cấp đang gồng mình tìm mọi biện pháp đẩy lùi dịch bệnh, thế mà ở ngay cửa ngõ thủ đô, nơi đáng ra phải chặt chẽ nhất thì vẫn có những hố đen tệ hại, chưa được ngăn chặn, lấp đầy.

Cò Hải tự tay dán giấy luồng xanh qua chốt
"Cò" Hải tự tay dán giấy luồng xanh qua chốt

Nguy hiểm rình rập

"Cò" Hải đã nói rất thật suy nghĩ của mình rằng: "Nghề của anh đang làm rất nguy hiểm, chỉ cần vô tình đưa một khách bị dương tính với COVID-19 thôi là gây ra bao nhiêu hệ luỵ cho mình, cho gia đình và xã hội..". Chúng tôi hỏi, biết nguy hiểm sao anh vẫn làm?. Hải đáp: "Vì miếng cơm manh áo thôi". Tôi hỏi tiếp: "Lúc tất cả đang lần chẳng ra đồng nào mà anh toàn kiếm tiền triệu trong giây lát thế này còn gì?". Hải trả lời: "Anh chỉ được chút chút thôi, còn lại phải chia cho bao nhiêu người đấy. Không ngon ăn như các em tưởng đâu. Mình chỉ là con tốt đen thôi".

Để cắt đuôi "cò" Hải, chúng tôi trở về Hà Nội bằng cách đi xuôi về Phủ Lý, sau đó xuống nút giao Thường Tín. Tại nút giao này, chúng tôi phải xuất trình đầy đủ giấy tờ và khá khó khăn để được đi qua.

Buổi tối 1/9, chúng tôi liên hệ với "cò" Hải để nhờ dẫn 1 xe tải không có "luồng xanh" thông chốt. Anh ta ra giá 1 triệu đồng/1 lượt xe, không bớt. Khoảng 22g, ngày 1/9, Hải nhảy lên xe, cầm lái và thẳng tiến đến Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Gần tới nơi, anh ta lấy điện thoại gọi cho ai đó và nói:"Thưa anh, em đang cho 1 xe tải đi qua anh ạ"! Nói  đoạn, Hải cúp máy, dừng xe rồi lôi trong túi ra một xấp giấy luồng xanh. Anh ta dùng băng dính dán tờ giấy có mã QR ở trước kính xe và thân xe. Chúng tôi thắc mắc, tờ giấy này là của xe khác mà anh? Hải trả lời: "Dán để qua cho đỡ "phô" thôi mà. Thực chất anh đã báo chốt rồi. Không báo sao qua được".

Vậy là qua. Một chiếc xe tải 3,5 tấn và 2 người không có giấy tờ tuỳ thân, không xét nghiệm COVID-19, xe không có "luồng xanh", thẳng tiến qua chốt kiểm soát, kiểm dịch, với đầy đủ lực lượng chức năng làm việc dưới hình thức nghiêm ngặt 24/24h.

Ngày hôm sau, nghĩa là tối 2/9, theo kịch bản là chúng tôi sẽ đón thêm rất nhiều người từ Hà Nam lên Hà Nội thăm thân. "Cò" Hải sốt sắng gọi điện hỏi biển số xe sẽ chở người qua chốt? Anh ta dặn chúng tôi phải đi vào khung giờ có người của anh ta làm, nghĩa là trước 20g tối 2/9 là chúng tôi phải có mặt trước chốt để anh ta đưa qua. Chúng tôi nói: "Rất đông người trên xe, không ai được xét nghiệm hết, anh có đi được không?". Hải đáp: "Khổ quá, bọn em cứ hỏi lắm như phóng viên ấy nhỉ? Đi thì biết, không nói nhiều. Phạt thì anh chịu trách nhiệm tất"!

Thế rồi "cò" Hải một lần nữa đưa chúng tôi "thông chốt". Lần này, anh ta cũng dán tờ mã QR của xe "luồng xanh" vào kính và thân xe... nhưng mà khác biển số để tránh "mắt thần" của máy quay an ninh. Như mọi khi, anh ta qua chốt nhẹ nhàng, như chốn không người, mặc cho dòng xe chen chúc, chờ xếp hàng kiểm tra giấy tờ, thủ tục. Trước khi rời đi, "cò" Hải thu 800 ngàn đồng và không quên dặn chúng tôi: "Bất cứ khi nào cần giải cứu xe vi phạm hay "thông chốt" cứ gọi cho anh.

Nhóm PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI