Có đàn bà là hư việc?

27/02/2019 - 18:00

PNO - Không ít người dẫn lời của người chồng tại tòa: mưu sự mà dính con nít, đàn bà vô là sinh chuyện, như một sự minh chứng: đàn bà tham lam, làm hỏng việc của đàn ông... Sự thật có phải như thế?

Vụ ly hôn ngàn tỷ giữa vợ chồng “vua cà phê” khiến cả giới truyền thông lẫn dân chơi Facebook xúm nhau bàn tán. Khi việc phân chia tài sản của họ còn chưa được tòa kết luận, dân tình đã thay nhau chia của và kết tội đôi bên, nhóm thì bênh người chồng, nhóm lại ủng hộ người vợ. Thậm chí, các “anh hùng bàn phím” còn đúc kết kinh nghiệm với giọng điệu đầy khinh miệt phụ nữ khởi nghiệp, làm chung với chồng như: cái ngu của người đàn ông là đưa vợ vào làm cùng công ty và ngu nhất là khởi nghiệp cùng vợ…

Không ít người dẫn lời của người chồng tại tòa: mưu sự mà dính con nít, đàn bà vô là sinh chuyện, như một sự minh chứng: đàn bà tham lam, làm hỏng việc của đàn ông.

Co dan ba la hu viec?
Cuộc ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" những ngày qua gây xôn xao

Tôi chẳng hiểu những quý em, quý anh, quý ông tuyên bố hùng hồn ở trên có vợ hay có mẹ, em gái, con gái không mà buông lời dễ xa nhau, dễ làm phái đẹp tổn thương thế này. Có thể, vài người trong số họ từng tan vỡ hôn nhân, từng tranh chấp với bạn đời về tài sản khi làm việc cùng cơ quan, kinh doanh chung. Nhưng số ít đó không thể đại diện cho phụ nữ nói chung hay những người vợ nói riêng được.

Trên thực tế, biết bao gia đình giàu có, công ty lớn mạnh, kinh doanh hiệu quả nhờ vợ chồng chung lưng đấu cật. Mỗi chúng ta không thể tự lớn khôn, mà đều được cha mẹ ông bà chăm sóc, cho ăn cho mặc, cho đến trường mà thành người. Tôi tin, rất nhiều người, trong đó có tôi, trưởng thành từ sự cần lao, làm ăn chung của cha mẹ.

Không phải vợ chồng cùng mở cửa hàng, công ty mới là khởi nghiệp. Làm ăn chung, như ba má tôi là nông dân, cũng như nhiều người lao động khác: cùng bán xe bánh mì, hàng cơm tấm, cấy lúa, nhổ cỏ… cũng là làm chung. Nhưng phần đông họ vẫn sống êm ấm và nuôi dạy con thành người, thành tài. Vì vậy, đừng lấy một vụ ly hôn để “quy  tội, đổ lỗi” cho chị em.

Mà thật ra, không cần đợi đến vụ ly hôn ngàn tỷ này người ta mới dè bỉu, xúc xiểm về sự đóng góp (mà quy thành phá hoại) của phụ nữ trong công cuộc gầy dựng kinh tế gia đình với chồng. Trong tâm thức của nhiều thế hệ nam giới ở ta vẫn định kiến: làm chuyện lớn, đừng cho phụ nữ can dự vào. Nhiều người không cho vợ quản lý công việc và đổ lỗi cho vợ khi thất bại hay có sự cố. Tôi vẫn nhớ chuyện của đứa cháu ruột. Sau khi tích lũy được hơn 300 triệu đồng, cháu tôi mở một quán ăn ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cháu tôi rủ cậu bạn thân là đầu bếp làm cùng. Giao kèo đầu tiên của hai người là tuyệt đối không cho vợ tham gia, thậm chí không cho ghé quán, trừ buổi khai trương.

Ai cũng dự đoán quán sẽ thành công vì độ hoành tráng, mô hình bia tô, sườn nướng không khói đầu tiên ở huyện, nằm ngay vị trí đẹp, đông dân cư, đầu bếp nấu ngon, giá mềm… Thế nhưng, 7 tháng sau, cậu đầu bếp dứt áo đi vì quán vắng khách, vì bị khách chê không vệ sinh - chén dĩa dơ rửa không kịp, bàn ghế lau không sạch. Nguyên nhân là tối nào bán xong, cậu đầu bếp cùng các nhân viên cũng lai rai và sau đó ngủ lăn quay; hôm sau mở cửa bán thì cô rửa chén làm không xuể. Quán ế, cháu tôi định sang lại.

Đến lúc này, chị gái tôi và cháu dâu mới được cháu tôi bật đèn xanh: “Muốn làm gì thì làm, 3 tháng không có khách thì sang quán”. Vậy là mẹ chồng và con dâu bắt tay gầy dựng lại quán, dần có lời và hiện đang là nguồn thu nhập chính của gia đình chị tôi. Cháu tôi trở thành phụ tá của vợ trong sự hậm hực không ít, nhưng cũng dần quen. Kể vậy để thấy, khi có phụ nữ làm cùng, những tính cách đặc trưng của chị em như: tỉ mỉ, chu toàn, nhẫn nại… sẽ giúp ích nhiều hơn là gây trở ngại.

Co dan ba la hu viec?
Ảnh minh hoạ

Chuyện vợ chồng mâu thuẫn trong việc làm chung rồi dẫn đến ly hôn không hiếm, nhưng dĩ nhiên không bao giờ có mẫu số chung là do phụ nữ hay nam giới. Ta không thể lấy những suy nghĩ, chuẩn mực của một cặp vợ chồng công chức, công nhân so với vợ chồng làm kinh doanh theo kiểu: sao vợ không biết nhường chồng, sao chồng không nhịn vợ… nhất là những mâu thuẫn liên quan đến công việc.

Trong kinh doanh, đàn ông và phụ nữ rất dễ mâu thuẫn trong những quyết định, nhất là những quyết định liên quan đến chiến lược kinh doanh, phát triển doanh nghiệp - sự sống còn của công ty. Điều này cũng một phần liên quan đến đặc trưng về giới. Phụ nữ thường thấy, nghĩ đến cái hiện hữu: nay bán được bao nhiêu hàng, tăng hay giảm, lời lỗ thế nào và rất ngại mạo hiểm. Đàn ông thì ngược lại - nghĩ đến những chuyện vĩ mô, khát vọng khẳng định mình, thậm chí muốn lưu danh hậu thế.

Vì triết lý kinh doanh khác nhau, vợ chồng có thể xung đột. Chưa kể, với cơ nghiệp mà vợ chồng gầy dựng từ thuở hàn vi thì sự tranh giành còn quyết liệt hơn, người này sợ người kia phá nát cơ nghiệp, đàn con trắng tay, nên không thể khoan nhượng. Ở đây chẳng có đúng - sai và không ai đáng bị ném đá hay ca tụng. Họ là hai doanh nhân, theo hai lý tưởng khác nhau và đó là cơ nghiệp của họ, chúng ta không có quyền phán xét hay chỉ trích, càng không có quyền vin vào đây để luận “việc lớn mà có phụ nữ can dự vào là hỏng”.

Bao nữ doanh nhân thành công vang dội như bà chủ một hãng máy bay giá rẻ, bà chủ tập đoàn sữa, bà chủ công ty vàng bạc đá quý… Một mình họ còn đứng vững trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt thì hà cớ gì chung lưng đấu cật với chồng họ lại trở thành lực cản? 

Khánh Phương

 Diễn đàn: Lỗi tại đàn bà?

LTS: Trong tâm thức của nhiều thế hệ nam giới ở ta vẫn định kiến: làm chuyện lớn, đừng cho phụ nữ can dự vào. Chưa kể, từ sự khác biệt về đặc tính giới, trong kinh doanh, đàn ông và phụ nữ rất dễ mâu thuẫn trong những quyết định, nhất là những quyết định liên quan đến chiến lược kinh doanh, phát triển doanh nghiệp - sự sống còn của công ty. Nhưng phải chăng, trong xung đột có khi dẫn đến “hư chuyện”, gây tan vỡ gia đình đó, đều là do lỗi đàn bà?

Mời bạn đọc đóng góp quan điểm xung quanh vấn đề này, gửi về địa chỉ: giadinh@baophunu.org.vn. Những bài viết được chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của toà soạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI