|
Những túi lòng heo bẩn không rõ nguồn gốc được đưa về một cơ sở ở Q.6, TPHCM chờ xuất đến các quán ăn lề đường |
Thực phẩm "bẩn" nhan nhản đường phố
Ngay trong thời điểm thịt heo tăng giá vùn vụt, nhiều điểm bán cháo lòng trên đường phố Sài Gòn vẫn bán với giá 12.000 đồng/tô. Nói về những tô cháo lòng “siêu rẻ” này, ông T.V.N. - chủ một quán cháo lòng ở Q.10, TPHCM - tiết lộ: “Lúc lưỡi heo ở chợ bán giá 150.000 đồng/kg, người ta đến chỗ tôi chào hàng chỉ 60.000 đồng. Thịt siêu rẻ đó ở đâu ra? Chắc là ở các kho lạnh, nhập lén về bán. Người ta ham rẻ nên lấy về bán chứ tôi thì không. Làm gì có chuyện họ lấy lòng heo xịn mà bán tô cháo lòng 12.000 đồng”.
Nguồn gốc, chất lượng của thức ăn đường phố ở các khu đô thị lớn liên tục được “báo động đỏ” khi cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn”. Điểm đến của các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc này thường là các quán ăn vỉa hè.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra năm kho lạnh tại kho hàng cho thuê thuộc Công ty TNHH Đầu tư kho vận Miền Nam (P.Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương), phát hiện hơn 19 tấn sản phẩm động vật đông lạnh quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc. Toàn bộ số hàng trên bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị, gồm: 11.830kg chân gà quá hạn dùng; 5.600kg chân giò heo bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị; 2.180kg dồi trường, sụn gà, trứng non, bao tử heo, vú heo, thịt đà điểu, heo nái, nai, ức vịt… Trong khi đó, chân gà nướng, sụn gà, trứng non là những món ăn phổ biến của ẩm thực đường phố, đặc biệt là ở các khu đông công nhân.
Quá trình chế biến thiếu vệ sinh của các cơ sở kinh doanh, thức ăn đường phố cũng đáng báo động. Có mặt tại “phố bánh” trên đường An Dương Vương, Q.6, chúng tôi rùng mình khi chứng kiến cảnh bánh được chiên trong những chảo dầu đã ngả màu đen kịt; thợ làm bánh thì dùng tay không nhào nặn bánh, cho vào chảo dầu vài phút là có ngay một mẻ bánh bắt mắt trưng bày trước tiệm.
Chưa kiểm tra đã thấy khó
|
Một cơ sở dùng hóa chất làm trắng lòng heo ở Q.12, TPHCM bị cơ quan chức năng phát hiện |
Những năm gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các trường hợp kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn với số lượng lớn, nhưng việc xử lý lại khá lúng túng. Đơn cử, với lô hàng 19 tấn thực phẩm “bẩn” vừa được phát hiện ở tỉnh Bình Dương, đại diện Cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết, theo Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về “xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa”, cơ quan chức năng chỉ phạt tiền và yêu cầu cơ sở làm cam kết không đưa ra thị trường tiêu thụ chứ không có quy định tiêu hủy lô hàng nói trên.
Vấn đề được nhiều người đặt ra là, khi phát hiện thực phẩm “bẩn” nhưng không đưa đi tiêu hủy, chủ cơ sở có thể đóng phạt, cam kết không đưa ra thị trường nhưng sau đó vẫn lén lút đưa hàng ra bán. “Đó là điểm vướng mắc cần được điều chỉnh để trị tận gốc thực phẩm “bẩn”. Ở TP.HCM, chúng tôi cũng gặp trường hợp tương tự” - một cán bộ QLTT ở TPHCM nói.
Trong năm qua, TPHCM đã giao nhiệm vụ cho 1.327 người tham gia “thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, trong đó có 1.127 người ở cấp phường, xã, thị trấn. Điều đó cho thấy, đây là lực lượng chủ lực trong thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một chủ tịch UBND phường ở Q.Bình Tân cho biết, cán bộ ở địa phương đa số kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau và thường xuyên thay đổi.
“Nhân sự thường xuyên thay đổi nhưng theo quy định, người tham gia phải có kinh nghiệm một năm trong lĩnh vực liên quan đến ATTP. Tiêu chí này khó được đáp ứng. Mặt khác, đa số cán bộ tham gia chưa được đào tạo về chuyên môn thanh tra, kiểm tra ATTP. Có đợt, cán bộ đang phải làm mấy đầu việc, làm không kịp nhưng lại trúng đợt thanh tra nữa nên không tham gia được” - vị này nói.
Một vị chủ tịch UBND phường khác, nơi có nhiều điểm bán thức ăn đường phố, thừa nhận rằng chất lượng thực phẩm ở các cơ sở này rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, đối với cấp xã, phường khi muốn thanh tra cơ sở, phải theo trình tự, thủ tục và phải có rất nhiều biểu mẫu. “Khi kiểm tra cơ sở ăn uống, phải có biên bản kiểm tra. Nội dung kiểm tra bao gồm: hồ sơ hành chính, pháp lý, điều kiện ATTP. Trong điều kiện ATTP, có điều kiện vệ sinh đối với cơ sở với khoảng 12 tiêu chí đánh giá, điều kiện trang thiết bị, dụng cụ với trên 10 tiêu chí, điều kiện con người với năm tiêu chí, điều kiện nguyên liệu, thực phẩm, nguồn nước với bốn tiêu chí. Nói chung, biểu mẫu rất phức tạp” - vị này phân trần.
Được biết, những vướng mắc nêu trên vừa được UBND TPHCM trình bày trong báo cáo gửi Bộ Y tế về kết quả triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Ngoài ra, theo UBND TP.HCM, hiện nay, quy định giấy xác nhận kiến thức về ATTP của ngành y tế không còn là quy định bắt buộc. Việc chưa ban hành bộ câu hỏi dùng để đánh giá đáp ứng kiến thức về ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gây khó khăn cho công tác thanh tra và xử lý vi phạm hành chính. Đa số cơ sở kinh doanh thực phẩm tại xã, phường, thị trấn là cơ sở nhỏ lẻ, bán thức ăn đường phố thường xuyên biến động, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm.
Cũng theo UBND TPHCM, dù mức phạt đối với hành vi vi phạm đã tăng lên nhưng người bán thường có thu nhập thấp nên việc chấp hành các quy định về ATTP còn hạn chế. Các thủ tục hành chính trong công tác xử lý, tiêu hủy hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn còn phức tạp, mất nhiều thời gian…
Hàng ngàn vụ vi phạm về an toàn thực phẩm
TPHCM hiện có 44.829 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 20.125 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thực hiện thí điểm triển khai “thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg”, từ tháng 7/2019-7/2020, TP.HCM đã tổng thanh tra, kiểm tra 41.356 cơ sở, qua đó phát hiện hơn 6.000 cơ sở vi phạm, xử lý 3.679 cơ sở, phạt cảnh cáo 1.931 cơ sở, phạt tiền 1.748 cơ sở với số tiền phạt hơn 11,5 tỷ đồng. |
Cần đơn giản thủ tục kiểm tra thực phẩm
Sau một năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành ATTP, tập huấn triển khai văn bản pháp luật mới cho cán bộ, công chức, viên chức được phân công phụ trách. Bên cạnh đó, cần đơn giản trình tự, thủ tục tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP cho tuyến quận, huyện, phường, xã, thị trấn để các đoàn thanh tra dễ thực hiện.
UBND TPHCM cũng đề xuất Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thu chi tài chính từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành ATTP tại địa phương như: chế độ, chính sách cho nhân sự làm công tác thanh tra chuyên ngành ATTP, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra… |
Sơn Vinh