Chào chị Hạnh Dung,
Em suy ngẫm về điều này từ rất lâu nhưng vẫn chưa tìm thấy lời khuyên nào thuyết phục. Bằng quan sát và kinh nghiệm sống của mình, chị có thể chia sẻ với em, khi nào thì mình nên có con, và con cái có phải là đích đến của mọi cuộc hôn nhân hay không?
Em đã lập gia đình được hai năm. Cả em và chồng đều không (hoặc chưa) cảm nhận được rằng mình muốn có con, và cũng chưa tìm ra lý do gì khiến mình muốn có con cả.
Có con thì được gì? Để có người nối dõi, để được chăm sóc lúc về già, để thương một ai đó, để đỡ cô đơn? Hơn nữa, phải chăng phụ nữ nên cố gắng có con trước 30 tuổi, hay cùng lắm là 36-37 tuổi? Em thực sự bối rối.
Ngọc Hương (TP.HCM)
|
Cả em và chồng đều chưa muốn sinh con. Ảnh minh họa |
Em Ngọc Hương thân mến,
Để giải đáp trăn trở này, có lẽ ta nên quay về những câu hỏi căn bản nhất, như cái gì là đích đến của một cuộc hôn nhân, và ý nghĩa của con cái trong một cuộc hôn nhân, cũng như trong cuộc đời một con người là gì?
Thực chất, bản thân hôn nhân là mối quan hệ tương tác giữa hai người. Chính lựa chọn để bắt đầu, duy trì và nuôi dưỡng một cuộc hôn nhân cần phải xuất phát từ nhu cầu tinh thần, ý nghĩa sống và nguồn hạnh phúc của hai người, trước khi và không cần có sự xuất hiện của bất kỳ ai bên ngoài mối quan hệ ấy - nhất là sự xuất hiện của một đứa trẻ.
Như mọi mối quan hệ hệ trọng, ý nghĩa và đặt trên nền tảng của lòng yêu thương, hôn nhân cần thỏa mãn được những nhu cầu về tâm thức của người kết hôn, và đồng thời, vẫn cho phép họ được tiếp tục trưởng thành - như là chính mình. Vậy đích đến lành mạnh của một cuộc hôn nhân là gì? Hãy đặt trọng tâm vào ý nghĩa sống của mình và tư duy về điều đó thật đơn giản - một cuộc hôn nhân, cũng như những lựa chọn khác trong đời, trước nhất, cần giúp ta khám phá bản thân, yêu quý bản thân và được hiểu bản thân để ta có thể trưởng thành hơn.
Đích đến của một cuộc hôn nhân không cần và không nên là một đứa trẻ, em à. Khi ta gán cho đứa trẻ một sứ mệnh, một ý nghĩa cứu rỗi, một nhiệm vụ nào đó trong cuộc đời của cha mẹ nó, thì sự tồn tại của đứa trẻ ấy (có thể ngay từ khi chưa sinh ra), đã trở nên nặng nề. Niềm hạnh phúc và giá trị sống của mỗi người phải nên đến từ chính cá nhân họ, từ chính trách nhiệm sống của họ với bản thân, hơn là từ một cuộc hôn nhân, hoặc một đứa trẻ hồn nhiên, vô tội.
Nhiều nghiên cứu phân tâm học cho thấy, một trong những điều quý báu nhất mà đứa con có thể dạy cho cha mẹ mình, chính là khả năng yêu thương một cá thể khác bên ngoài mình, vô điều kiện. Tình yêu thương này không phải là sự phục tùng, gò bó, hay sự bảo bọc toàn diện, càng không phải là sự kỳ vọng, thúc ép, sắp đặt. Chính tình yêu thương vô điều kiện cho ta năng lực để học và hiểu về một con người, để hỗ trợ, nâng đỡ và cho họ sự tự do được phát triển như là chính họ.
Thực chất, năng lực yêu thương này không chỉ đến khi người ta có con, mà còn có thể đến từ mọi mối quan hệ khác trong cuộc sống, nếu ta thực hành và rèn luyện cách yêu thương này lên những người quan trọng khác trong đời ta - và đặc biệt, lên chính bản thân ta.
Dĩ nhiên, căn cứ khoa học cho thấy, sau một số độ tuổi nhất định, việc có con sinh học là gian nan, thậm chí bất khả. Tuy nhiên, em có thể nhìn vấn đề này dưới góc độ rộng. Con cái, đôi khi không nhất thiết phải là đứa trẻ ta sinh ra. Nhiều người tìm thấy tình yêu và ý nghĩa của việc nuôi nấng, việc thương quý một sinh linh nhỏ nhoi khác từ con cháu trong nhà, từ những đứa con nuôi, từ thú cưng, cây cảnh. Mọi điều ấy, cũng như con cái trong một cuộc hôn nhân, đều có thể dạy ta về tình thương vô điều kiện.
Điều quan trọng là, làm sao biết ta sẵn sàng có con? Câu trả lời không nằm ở thời điểm hay độ tuổi, mà ở năng lực tự yêu thương bản thân và ở nhu cầu của trái tim, của tinh thần, của khả năng chịu trách nhiệm. Ta chỉ có thể yêu thương một ai khác nếu ta đã bình an và có tình yêu với bản thân mình. Từ đó, ta mới giữ được cân bằng và nguồn sức mạnh để yêu thương kẻ khác một cách lành mạnh. Vậy nên, nếu ta tự thấy bản thân sẽ càng trưởng thành khi được tưới tắm từ tình yêu với một sinh linh bé bỏng, và ta đã có đủ sự điềm tĩnh cũng như năng lượng dành cho sinh linh ấy, thì hãy nghĩ đến quyết định có con, và thực tâm chịu trách nhiệm về quyết định này.
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.