Con dâu gọi điện: “Mẹ ơi, mẹ con mới lên thành phố, chiều nay mẹ đừng nấu cơm, chúng con về đón mẹ sang nhà chơi và ăn cơm luôn!”. Bà Nhàn ừ, mở tủ ngắm nghía mấy cái áo mới, còn lựa mấy mảnh vải bỏ vào túi, định bụng mang sang biếu bà thông gia. Mỗi lần lên, bà thông gia thường mang rất nhiều quà quê lên, chuẩn bị xong bà gọi điện cho con dâu nói mẹ tự đến, hai đứa về thẳng nhà đi không cần đón mẹ.
Nhà ở trong con hẻm nhỏ, lúc hai đứa quyết định cưới, bà nói thẳng là bà không thích sống chung, con dâu có phần kinh ngạc, ánh mắt có hơi nhìn quanh nhà, hẳn cô thấy ngôi nhà rộng rãi, sao không thể cho vợ chồng cô ở cùng. Bà cảm giác bà hiểu cô gái nghĩ gì. Bà muốn hai đứa trẻ được tự do, vợ chồng chúng có thể thuê nhà trọ hay mua nhà riêng tùy ý.
Bà cũng không giấu là bà có một khoản tiền, hai đứa cần bà sẽ cho mượn không lấy lãi, hoặc hai đứa có thể đi vay ngân hàng rồi hàng tháng trả nợ. Mai mốt có con có cái thì tự nuôi tự lo, bà sẽ chỉ chăm cho mấy tháng đầu non nớt và cũng không can thiệp vào chuyện nuôi dạy con của chúng.
|
Hình minh họa |
Hai đứa bàn tính suy xét rồi quyết định mua căn nhà này, bằng tiền vay chứ không vay bà, nói tiền bà để dành dưỡng già. Hàng tháng chúng vẫn biếu và một khoản nhỏ, bà có lương hưu nhưng vẫn nhận và cất đi, chúng nó chưa cần nay sẽ cần mai, chúng nó không cần thì bà sẽ cho con của chúng nó, bà già rồi chết, có mang đi được đâu.
Nhớ ngày nhìn thấy cô gái rụt rè đi sau lưng con trai, bà Nhàn có chút không vừa ý vì cô đã thấp bé còn có vẻ quê kệch. Con trai kể cô học sau con trai ba lớp, ra trường với số điểm thủ khoa và được mấy công ty mời đi làm luôn với mức lương mơ ước. Bà đinh ninh sẽ thấy một cô gái năng động hoạt bát, không váy dài cũng váy ngắn và có chút ít son phấn sửa soạn. Đằng này, cô mặc quần tây màu xám với áo sơ mi nền trắng hoa nhí, nếu không được báo trước bà Nhàn sẽ nghĩ con trai dắt cô bé học sinh nào về.
Có bà mẹ nào vui nổi khi một ngày con mình đưa một người lạ về và ngỏ ý muốn đi cùng người ấy hết phần còn lại của con đường. Bao nhiêu năm bà chăm bẵm nuôi nấng, ốm đau đói khát hay vui vẻ, con cũng chia sẻ với mẹ, nay thì mẹ phải đứng lại bên đường nhìn con mình đi ngày một xa.
Thái độ nơm nớp rụt rè của cô khiến bà Nhàn có cảm giác mình đang bị coi là bà mẹ chồng khó tính. Nhưng ngay lập tức bà giật mình, bà đang khó tính đấy thôi, chưa gì đã lấy ánh mắt của mẹ chồng mà xét nét. Ngày xưa bà làm dâu chưa đủ chật vật hay sao, nghĩ vậy nhưng bà cũng không cảm thấy thoải mái hơn, chỉ là bà không lộ ra mặt thôi.
|
Hình minh họa |
Lúc cô gái gọt vỏ cà chua và xắt từng lát mỏng, bà hơi cau mày. Cô gái này mai kia sẽ là vợ của con trai bà, có nghĩa hàng ngày thay vì về nhà với bà hít hà khen cơm bà nấu thì con trai sẽ về với cô gái kia. Bà sẽ một mình thui thủi trong căn nhà rộng. Cuối tuần có thể nó ghé ngang thăm bà hoặc vợ chồng sẽ đi đâu đó du lịch, xem phim ảnh.
Con trai sẽ ra khỏi vòng tay bà. Bà thở dài, nghĩ nhà bên kia cũng chẳng khá hơn, họ sẽ nghĩ con gái nuôi hai mấy năm trời nay thành con người ta, cung phụng người ta. Thôi thì hai nhà buồn gộp lại thành một nhà vui. Bà cũng không muốn mang tiếng là mẹ chồng khó tính.
Cô gái nhìn bà: “Dạ, con hay gọt vỏ cà chua trước để tránh đất, thuốc trừ sâu còn sót lại và sốt nhanh nhừ, nước sốt mịn không có những sợi vỏ lẫn vào, con quen tay mà chưa hỏi ý bác…”
Bà xua tay, không sao, con gái thời nay mà biết cơm nước còn tỉ mỉ kỹ tính vậy bà còn mừng không hết. Nhà có ấm là nhờ cái bếp, vợ chồng có gần gũi là nhờ hương vị ngọt ngào của những món ăn.
Cũng may là con trai bà tìm được cô gái tốt, cưới nhau rồi hai đứa vẫn đi học thêm, nghe bảo hết năm nay mới xong, từ sang năm bà Nhàn bắt đầu ngóng có cháu được rồi.
“Bà đến chơi ạ?”
Chị hàng trái cây thấy bà xuống xe đon đả chạy ra xách túi hộ, bà chưa kịp cảm ơn thì chị đã dúi vào tay bà túi trái cây nhờ bà mang về, nói con dâu đặt mua ít nho. Bà hỏi bao nhiêu, chị nói ba trăm nghìn một cân, chị con dâu bà trả tiền rồi.
|
Hình minh họa |
Một cân nho chỉ được một đĩa mà những ba trăm nghìn, bà Nhàn có chút xót của. Con dâu lấy kéo cắt ra từng chùm nhỏ mời hai bà mẹ xong mới ngồi xuống, bà bâng quơ: “Nho gì mà quả buồn cười thế?” “Dạ, là nho ngón tay ạ, nước mình chưa có, là hàng nhập!” “Chắc đắt lắm!”. Con dâu có hơi khựng lại rồi vội cười: “Vâng, đắt hơn nho mình ạ, nhưng chị bạn con quen nên bán rẻ, có hơn trăm nghìn một cân thôi mẹ!”. Bà Nhàn nhíu mày. Thấy bà thông gia suýt xoa khen nho vừa giòn vừa ngọt, bà thôi không để tâm, còn dặn con dâu mai mốt mua một ít cho bà thông gia mang về làm quà.
Bà lấy mấy mảnh vải mang theo đưa bà thông gia, bà thông gia lắc đầu quầy quậy: “Toàn vải tốt, ở quê chúng em đâu cần vải tốt mà đẹp vậy, chị giữ lại may đi!”. Bà Nhàn cười: “Là con dâu tôi biếu, nay tôi tặng lại chị, chị cứ may mặc đi cho con gái nó mừng! Vải rẻ thôi mà!”. Bà nói và chờ con dâu lên tiếng, là người không thích mặc quần áo may sẵn mà thường tự tìm vải may, bà biết giá mấy tấm vải này. Nhớ lại cân nho, bà cố ý xem con dâu nói gì: “Vâng, chị bạn con bán giá gốc cho con nên rẻ, có mấy chục nghìn một mảnh thôi mẹ!”. Bà Nhàn cười cười, cũng phụ theo con dâu thuyết phục bà thông gia nhận.
Hai vợ chồng con trai đi làm, bà Nhàn quyết định tự mình chợ búa đãi bà thông gia, lúc con dâu về cơm nước đã sẵn sàng, hôm nay bà cho cả nhà ăn táo. Lúc chỉ có con dâu trong bếp, bà làm như vô tình: “Mẹ tính mua nho ngón tay mà chị đầu ngõ bán đắt quá, những ba trăm nghìn một cân!”. Con dâu nhìn bà, hai gò má dần đỏ, màu đỏ loang khắp mặt và lan tận lên hai tai và xuống cổ, hai bàn tay vặn xoắn vào nhau. Ngày nay nghĩ lại, bà Nhàn nhận ra con dâu không chỉ dối bà một hai lần mà khá nhiều. Bà thông gia ở quê có thể không biết, nhưng bà ở thành phố bao nhiêu năm chẳng lẽ lại không nốt, con dâu hơi ngước mặt: “Con xin lỗi, vì con sợ các mẹ tiếc tiền, muốn tụi con dành dụm tiết kiệm sẽ không chịu dùng nên con…”
Bà Nhàn cười cười cố nén những giọt nước mắt chực trào, cô con dâu này cũng thật là, tưởng nói dối mà được chắc? Bà vỗ vỗ lên tay con dâu: “Cảm ơn con!”.
Thái Phan