Có chính quyền đô thị, người dân được phục vụ tốt hơn

27/10/2020 - 07:26

PNO - Nhiều tuyến đường ở quận 5, TPHCM thường xuyên bị các nhà xe lấn chiếm, gây nguy hiểm. Có lần, chứng kiến một tai nạn giao thông do xe dừng trả khách giữa đường, ông Hà - người dân sống gần đó - đã vào Facebook của quận, viết lên những bức xúc của mình.

 Vài phút sau, ông Hà được một cán bộ hồi đáp, chính quyền đang xử lý vụ việc và sẽ thông tin kết quả cụ thể. “Trước đây, những bức xúc như vậy chỉ có thể nêu lên trong những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố” - ông Hà cho biết.

Nhiều năm qua, các quận, huyện, sở, ngành tại TP.HCM đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để xử lý nhanh chóng phản ánh của người dân. Theo đó, người dân cũng được lược giản cầu nối qua kênh đại biểu dân cử tại địa phương
Nhiều năm qua, các quận, huyện, sở, ngành tại TPHCM đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để xử lý nhanh chóng phản ánh của người dân. Theo đó, người dân cũng được lược giản cầu nối qua kênh đại biểu dân cử tại địa phương

UBND quận 5 đã triển khai nhiều kênh tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân như fanpage, Zalo, cổng thông tin trực tuyến giúp người dân được phản ánh ngay những bức xúc mà không phải chờ gặp đại biểu dân cử. Không riêng quận 5, hầu như các quận, huyện, sở, ngành tại TPHCM trong nhiều năm qua đều đã, đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Đáp ứng xu hướng chính quyền điện tử, thành phố đang hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung để mỗi đơn vị đều dễ dàng sử dụng, có sự liên thông, đồng bộ nhằm thúc đẩy giải quyết các thủ tục hành chính, xử lý đơn thư, trăn trở của người dân nhanh hơn.

Sau 13 năm ấp ủ, đề án Chính quyền đô thị của TPHCM không nằm ngoài xu hướng bắt nhịp và đón đầu “thời cuộc”. Trải qua bảy năm thí điểm diện rộng khắp 24 quận, huyện (2009-2016), mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM được đánh giá cao, mang lại nhiều lợi ích. Ông Cao Thanh Bình - Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM - cho hay hiệu quả trước nhất khi áp dụng mô hình chính là giúp tinh gọn bộ máy, giảm thiểu các tầng nấc nhưng hiệu quả không giảm.

Ông Bình phân tích, lâu nay, các chủ trương, chính sách chủ yếu ban hành tập trung ở cấp thành phố, việc truyền tải thông qua cấp trung gian là không cần thiết. Do đó, việc giữ bộ máy trung gian là cồng kềnh, thừa thãi. Đã thế, HĐND cấp quận, phường nhiều năm qua, cán bộ phần lớn kiêm nhiệm chức vụ nên không có nhiều thời gian đầu tư chuyên sâu. Ngược lại, khi áp dụng chính quyền đô thị, thành phố có thể giảm đến hàng ngàn nhân sự, tiết kiệm được ngân sách chi thường xuyên. Khoản tiết kiệm được này sẽ dành tăng chi cho đầu tư phát triển thông qua các dự án chỉnh trang, cải thiện hạ tầng, đầu tư hơn nữa cho các dự án dân sinh nhằm đáp ứng tốc độ đô thị hóa của thành phố. 

Ông Bình nhìn nhận, việc không tổ chức HĐND quận, phường tạo cơ chế cho HĐND TPHCM hoạt động rộng hơn, tăng hiệu quả. “Khi tiếp xúc cử tri hay tham dự các hội nghị ở cấp quận, trước những vấn đề bức xúc, cấp bách mà cử tri quan tâm, các tổ đại biểu, ban hội đồng sẽ tổ chức ngay các đoàn đi giám sát, khảo sát; kịp thời có văn bản kiến nghị về HĐND thành phố và nhanh chóng trả lời cho người dân” - ông Bình chỉ ra sự thuận lợi khi không có cấp trung gian là HĐND quận, phường. Ngược lại, mô hình chính quyền đô thị cũng đòi hỏi người đại biểu dân cử phải liên tục hoàn thiện, phát huy hơn nữa trách nhiệm với người dân và chính quyền, giúp nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử. 

Theo đề án, mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM được tổ chức trên cơ sở chính quyền thành phố gồm UBND và HĐND, chính quyền tại các quận là UBND quận, chính quyền tại các phường là UBND phường. Khi bỏ HĐND cấp quận và phường, chức danh chủ tịch và phó chủ tịch UBND quận do chủ tịch UBND TPHCM bổ nhiệm; chức danh chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường do chủ tịch UBND quận bổ nhiệm. TPHCM đề xuất thời gian áp dụng mô hình mới này từ ngày 1/7/2021.

Riêng TP. Thủ Đức (sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) vẫn tổ chức cấp chính quyền gồm HĐND và UBND. Song song với đề án thành lập TP. Thủ Đức, TPHCM thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 đối với 19 phường, gồm: phường An Khánh và phường Thủ Thiêm thành phường Thủ Thiêm; phường Bình Khánh và phường Bình An thành phường An Khánh (quận 2); phường 6, phường 7 và phường 8 thành phường Võ Thị Sáu (quận 3); phường 2 và phường 5 thành phường 2; phường 12 và phường 13 thành phường 13 (quận 4); phường 12 và phường 15 thành phường 12 (quận 5); phường 2 và phường 3 thành phường 2 (quận 10); phường 11 và phường 12 thành phường 11; phường 13 và phường 14 thành phường13 (quận Phú Nhuận).

Mới đây, trong tờ trình gửi UBND TPHCM để trình Chính phủ về đề án sắp xếp này, Sở Nội vụ TPHCM đề xuất phương án tổ chức bộ máy, cán bộ, công - viên chức như sau: sau khi lập TP. Thủ Đức, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của ba quận được giao là 1.221 người. Theo đó, sẽ bố trí ở TP. Thủ Đức 822 người; số nhân sự dôi dư là 399 người sẽ thực hiện giảm dần trong 60 tháng (2021-2025). Sau khi sắp xếp 19 phường, số lượng cán bộ, công chức dôi dư là 102 người, hoạt động không chuyên trách dôi dư 133 người, sẽ thực hiện giảm dần trong 60 tháng. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Tuyết Dân


 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI