Cơ chế “xin cho"

04/10/2014 - 18:44

PNO - PNCN - Anh bị té xe, may mà chỉ gãy chân. Đồng nghiệp thân thiết đến thăm, nửa đùa nửa thật hỏi, “đua” về ăn cơm cho kịp giờ giới nghiêm hay sao, mà vội vàng cho khổ thế? Có vợ ngồi ngay đấy, anh đành im lặng, cười như mếu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ lâu, anh nổi tiếng trong cơ quan về cái việc bị vợ siết hết cả tự do tối thiểu. Vợ tự đặt ra giờ giấc sát sao, muốn đi đâu ngoài giờ làm việc là phải… xin phép. Lý do không chính đáng thì đừng hòng được duyệt. Bữa nào anh lỡ đi nhậu về trễ, vợ bắt con cái chờ cơm, bất kể sớm muộn thế nào. Mấy đứa nhỏ lả người vì đói, đố anh dám tái phạm! Vợ hỉ hả kết luận, có “xài chiêu” như vậy, chồng mới sợ! Đúng sáu giờ là phải có mặt ở nhà để cùng… ra quán ăn chiều. Mệt mỏi nhai không nổi cũng ráng mà nuốt, nếu không, vợ tra hỏi xem đã “xơi phở” với con nào, càng nhức óc. Lỡ bữa xế nào mà có người đãi chè đãi bánh, dù buồn miệng, anh cũng đành nhịn, sợ về uể oải với cơm… quán, lại phải giải trình lôi thôi.

Anh bảo, vui thú gì cái việc hớt hải chạy về trong cảnh người và xe đen nghịt, khói bụi rầm trời, thở không ra hơi, chỉ vì cái quy định “phải ăn cơm chung với vợ”. Có dọn sơn hào hải vị cũng khó thấy ngon, huống gì vợ anh làm biếng vô bếp, thích ra ngoài ăn cho tiện. Thèm bữa cơm canh nóng sốt, anh phải nói mãi, thậm chí năn nỉ ỉ ôi, vợ mới “ban ơn” cho một lần. Vợ vẫn cho rằng, muốn vợ bận rộn vất vả “hầu hạ cơm nước” là… độc ác và không bình đẳng, nên thôi, anh đành tuân theo, để con cái yên ổn mà sống. Nhiều lúc, nhìn bạn bè khoe hình ảnh mâm cơm nhà đơn giản trên mạng, anh cứ chạnh lòng…

Co che “xin cho

Làm cái nghề đòi hỏi phải giao tiếp, vậy mà ngó quanh, anh thấy mình ngày càng thụt lùi. Bởi đi đâu, ngồi chưa nóng chỗ đã bị vợ hạch hỏi, buộc phải có mặt ở nhà trong vòng… ba nốt nhạc! Vợ anh muốn chồng cái gì cũng phải phục tùng, nghe lời, không thương lượng, bất kể hợp lý hay không, người bị ép đưa vào khuôn phép cảm thấy thế nào… Vợ áp dụng "cơ chế xin cho" mọi nơi mọi lúc, mọi vấn đề. Anh đi đám tiệc, muốn bỏ phong bì bao nhiêu, cũng phải thông qua vợ duyệt. Thậm chí cháu ruột bị bệnh, trước khi qua thăm, vợ anh cũng hạch hỏi anh định cho cháu bao nhiêu, sao chưa bàn bạc với vợ mà đã tự ý? Anh hầu như chẳng còn có quyền tự quyết định việc nào, cái gì cũng phải “về hỏi vợ”, cho nó lành! Thậm chí, vợ còn đánh tiếng để mọi người xung quanh anh biết, anh đang là “giai có chủ”, đừng rủ rê chèo kéo sa đà…

Ngay cả chuyện riêng tư vợ chồng, vợ cũng muốn anh phải “xin”, thì mới “cho”. Mà đừng tưởng, hễ cứ xin là được. Vợ… hà tiện lắm, muốn chứng tỏ quyền uy bằng cách thường xuyên úp máng, cám treo heo đói. Anh bực bội nghĩ, hứng thú gì nổi khi phải nỉ non mãi mới được đụng vào người. Mà “người” thì mặt mũi cứ câng câng, tựa hồ đang bố thí thế này!

Chẳng ai muốn kể xấu chuyện nhà mình, hay ho gì việc một gã đàn ông bị vợ “xỏ mũi”, nhưng thiên hạ đánh hơi cũng nhanh, anh luôn được mang lên “thớt” để người ta xì xầm. Cứ bàn bạc chuẩn bị đi đâu là bạn bè quay sang hỏi anh rằng, có xin được “quota” chưa đấy mà đã vội bon chen, coi chừng bị bắt về giữa chừng như hôm trước, là mất vui nữa à! Anh vừa xấu hổ vừa tự ái, chỉ muốn “phá cũi sổ lồng” thỏa thuê cho hả chí nam nhi…

Anh biết, vợ cũng muốn tốt cho chồng mới quản lý gắt gao như thế. Nhưng “ngoan” thì cũng có chừng, mà phải nhớ cho, anh là nam giới, có những chuẩn mực đàn ông nhất định. Mà đàn ông, đã muốn hư rồi thì có muôn mưu ngàn kế. Anh cũng vậy, càng ngày anh càng giỏi đối phó, nói dối, thậm chí có hẳn chiến lược để chống lại cái cơ chế khó ưa của vợ. Không những thế, anh luôn cảm thấy ngột ngạt khó thở, chỉ muốn vợ đi vắng hoặc biến mất đâu đó ít ngày cho rảnh nợ, thật là…

Chẳng biết lần này anh gặp nạn, vợ có nhận ra cách ép uổng chồng bấy lâu là quá quắt. Nếu vợ vẫn không mảy may suy suyển gì, thì đúng là bi kịch!

AN NHIÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI