Hết thuốc giải, bệnh nhân chỉ được điều trị triệu chứng
Vụ 3 bệnh nhân ở TP Thủ Đức ngộ độc botulinum hồi giữa tháng Năm do ăn bánh mì kẹp chả lụa và mắm ủ lâu ngày đang diễn tiến phức tạp. Tất cả đều đã bị liệt hoàn toàn, phải thở máy, tiên lượng xấu. Điều kiện tiên quyết để điều trị là phải có thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Thế nhưng, hiện tại thuốc này ở Việt Nam đã cạn kiệt.
|
Bệnh nhi ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đang phục hồi tốt sau khi được điều trị bằng thuốc BAT - Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, nếu kịp có thuốc thì khả năng các bệnh nhân sẽ không phải thở máy trong thời gian dài, có thể hồi phục. Còn bây giờ, các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ cho người bệnh bằng phương pháp thở máy, nuôi dinh dưỡng, điều trị triệu chứng và theo dõi sát bệnh để kịp thời đánh giá, đưa ra hướng xử trí phù hợp.
“Chưa kể, thở máy lâu bệnh nhân có nguy cơ gặp nhiều biến chứng như nhiễm trùng đường hô hấp, suy dinh dưỡng, liệt hoàn toàn dẫn đến tắt mạch… Đến nay, ngộ độc botulinum chỉ có thuốc BAT mới là thuốc giải độc đặc hiệu. Thế nên chúng tôi không thể tiên lượng về sự hồi phục của 3 nam bệnh nhân. Người bệnh gặp nhiều nguy cơ, bác sĩ cũng đối mặt với rất nhiều thách thức trong điều trị” - bác sĩ Lê Quốc Hùng cho hay.
Theo ông, trường hợp kịp thời có thuốc giải độc BAT, chỉ trong vòng 48-72 tiếng đồng hồ, bệnh nhân sẽ thoát khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Còn nếu đã thở máy 1-2 ngày thì chỉ cần 5-7 ngày là bệnh nhân có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu sớm hồi phục, trở lại cuộc sống ngày thường.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho hay, trước đó thuốc BAT được bệnh viện mua dự phòng. Ngày 16/5, ngay sau khi bệnh viện dùng 2 lọ thuốc BAT cuối cùng để cứu 3 trẻ bị ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), trên cả nước xem như không còn loại thuốc này. “Vì vậy, ngày 17/5, chúng tôi đã khẩn cấp gửi công văn ra Bộ Y tế xin phép mua thêm thuốc BAT và đang chờ hướng dẫn” - bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ.
Với các trường hợp ngộ độc botulinum đang mắc tại TPHCM, ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TPHCM, ngày 21/5, Cục Quản lý dược đã khẩn trương liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để nhờ hỗ trợ. Bộ Y tế cho biết WHO đang khẩn trương liên hệ để tìm nguồn thuốc. Ngoài ra Cục Quản lý dược cũng chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, cung ứng để tìm thêm nguồn cung thuốc.
Thuốc cấp cứu không nên đợi có bệnh nhân mới mua
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: “Cần xác định thuốc hiếm không phải là thuốc tìm không ra, mà thuốc hiếm là thuốc có ít trường hợp cần sử dụng. Tuy nhiên, không vì ít bệnh nhân mà chúng ta không dự trù. Riêng với các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, theo cá nhân tôi không loại trừ sẽ phát sinh thêm ca ngộ độc botulinum, bởi luồng thực phẩm có nguy cơ có thể vẫn còn đang lưu hành”. Vì vậy, thuốc BAT rất cần thiết trong điều trị bệnh nhân cũng như dự phòng cấp cứu cho ca mới (nếu có).
|
Thuốc BAT là thuốc đặc trị trong ngộ độc botulinum, không có thuốc thay thế - Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
“Chúng ta không nên chờ có bệnh nhân mới mua vì đây là thuốc cấp cứu. Để càng lâu, tình trạng bệnh nhân càng phức tạp. Vì vậy, cần xem các loại thuốc này có tính chất dự phòng quốc gia” - bác sĩ Phạm Thanh Việt nói. Theo ông, thuốc BAT giá cao (8.000 USD/lọ), không thể dùng kinh phí của bệnh viện để dự trữ. Thêm phần, nếu được đưa vào danh sách dự phòng quốc gia, Nhà nước quản lý và điều phối sẽ rất kịp thời đưa thuốc giải độc đến nơi cần hơn là tự bệnh viện xoay xở. Khi dự trữ thuốc, chúng ta cũng phải chấp nhận nguy cơ về thuốc hết hạn. Nhìn trên toàn cục diện, nếu vì thuốc đắt tiền, mua về hết hạn không xài được là lãng phí mà không dự phòng sẽ là sai lầm rất lớn.
Về số lượng dự trữ, bác sĩ Phạm Thanh Việt cho rằng cần căn cứ vào nhiều tiêu chí như số ca bệnh, số lượng người dân, thời hạn sử dụng thuốc… Có thể không cần nhiều, như thời gian vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy nhập 6 lọ thuốc BAT nhưng đã sử dụng rất hiệu quả, cứu được nhiều người. Điển hình là chùm ca bệnh khi ăn pate Minh Chay tại TPHCM, ăn cá chép ủ chua ở Quảng Nam, hay các bé tại Bệnh viện Nhi Đồng 2… Còn hiện tại do không có thuốc, 3 bệnh nhân ở TP Thủ Đức đang trong tình thế rất nguy hiểm. “Thuốc có tác dụng cấp cứu, hiệu quả lớn thì dự trữ sẽ không lãng phí. Ví dụ cho dù chúng ta dự phòng 100 lọ thuốc, chỉ cứu được 1 người còn lại hết hạn phải tiêu hủy cũng đã mang về giá trị rất lớn” - bác sĩ Phạm Thanh Việt khẳng định.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Việt Nam chưa có nơi lưu trữ thuốc hiếm tầm quốc gia. Cho đến nay, việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc cần thuốc hiếm còn mang tính cá biệt. Vì vậy, trước đó ông đề xuất cần có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm do Bộ Y tế quản lý. “Số lượng bệnh nhân cần thuốc hiếm không nhiều nhưng phải có cơ chế cụ thể, rõ ràng” - ông Thức cho hay.
Khi nào thức ăn nhiễm độc tố botulinum? Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết, độc tố botulinum do vi khuẩn clostridium botulinum gây ra. Trong môi trường không khí bình thường, vi khuẩn này không thể phát triển nhưng sẽ tái hoạt động khi ở môi trường yếm khí (không có không khí, nồng độ ô xy rất thấp). Như vậy, tất cả thức ăn được chế biến đóng gói, đóng hộp, hút chân không, hay đưa vào bao kín thì vi khuẩn clostridium botulinum đều có khả năng phát triển. Chính vì vậy, người dân cần phòng nguy cơ phát sinh độc tố. Theo đó, khi mua thực phẩm tươi sống, hoặc làm thức ăn đóng chai lọ, người chế biến phải thực hiện trong môi trường sạch, tránh bụi bẩn, đất cát bám vào, tránh sự nhiễm khuẩn. Khi lưu trữ thức ăn, người dân không nên đóng kín thức ăn nếu không có kỹ thuật khử khuẩn an toàn như các nhà sản xuất. Ở môi trường quá mặn, vi khuẩn không thể phát triển được, vì vậy người dân có thể bảo quản thức ăn với độ chua hay độ mặn của thức ăn trên 5% (dùng 5g muối/100g thức ăn). Khi sử dụng thức ăn, người dân phải xem hạn dùng trên hộp, bao bì. Đó là khoảng thời gian đảm bảo không có vi khuẩn phát triển. Tuyệt đối không ăn thực phẩm quá hạn sử dụng, hộp trữ thực phẩm bị móp méo, phình to, biến dạng vì không chỉ botulinum mà các loại vi khuẩn khác cũng có thể gây nhiễm độc, sinh ra khí làm móp méo hộp đồ ăn. Nên đun sôi thức ăn 100 độ C trong 10-15 phút để diệt vi khuẩn, giảm nguy cơ gây ngộ độc. |
Không thể cân đo lọ thuốc 8.000 USD với tính mạng của người dân Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan - Chủ tịch Hội Dược học TPHCM - cho biết, tình trạng khan hiếm đã xảy ra trước đây với vắc xin ngừa dại, huyết thanh điều trị rắn cắn, còn hiện tại là thuốc giải độc botulinum là do giá thuốc cao và khó khăn trong quá trình nhập khẩu. Đến khi thuốc về, hầu như tất cả bệnh viện phải chia sẻ thông tin với nhau, để lúc phát hiện trường hợp bệnh thì đến giải cứu. “Rõ ràng điều này hết sức bấp bênh, chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần phải thành lập trung tâm dự trữ quốc gia. Sau đó, đưa các loại thuốc, vắc xin cần thiết vào trong danh mục dự trữ quốc gia để chủ động hơn trong các tình huống cấp bách” - bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết. Về vấn đề thuốc BAT giá lên đến 8.000 USD/lọ, nếu dự trữ mà không dùng đến sẽ lãng phí, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết khi đã đưa thuốc vào danh sách dự trữ quốc gia, các chuyên gia sẽ phải dự trù số lượng thuốc trên dân số, trong khoảng thời gian nhất định. “Khi đưa thuốc BAT vào dự trù, chúng ta có thể đàm phán về giá, chủ động số lượng theo nguồn ngân sách. Còn trong tình huống phải chạy đi mua, đặt hàng riêng ở bệnh viện nước ngoài rồi xách tay mang về Việt Nam thì giá cao là đương nhiên. Dự trù ứng phó với thiên tai, thảm họa, bệnh tật, có tốn tiền cũng phải làm để kịp thời cứu tính mạng người dân. Thà quá hạn thì đổ bỏ, nhưng khi cần phải có ngay. Tôi khẳng định tính mạng con người là quý nhất, không thể lấy lọ thuốc 8.000 USD để so sánh” - bà nói. |
Phạm An