Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Thay đổi để chấm dứt 'không ăn mắm cũng không được mua tương'

14/11/2017 - 11:46

PNO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phải thay đổi cơ chế, giao chủ động cho địa phương để phù hợp với thực tế, thay vì cách làm “chốt đồng này mua mắm, đồng này mua tương. Không ăn mắm cũng không mua tương...

Tại phiên thảo luận tổ sáng 14/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, TP HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất nước, tỷ lệ điều tiết về Trung ương cũng đứng đầu. Hiện nay, TP chỉ được giữ lại 18% tất cả các khoản thu, 82% đóng về Trung ương. Số khoản thu được giữ lại so với thời điểm trước năm 2017 đã bị giảm 5%.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để TP điều tiết dưới 20% thì sẽ phát triển chậm. “Mà đã là đầu tàu của cả nước, là động lực mà đi chậm thì cả các toa phía sau sẽ chậm theo. Nên quy định cơ chế đặc thù không phải cho TP.HCM mà cho cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Co che dac thu cho TP.HCM: Thay doi de cham dut 'khong an mam cung khong duoc mua tuong'
Chủ tịch Quốc hội ủng hộ TP.HCM có cơ chế đặc thù để làm đầu tàu phát triển cho cả nước

Liên quan đến nội dung cụ thể của cơ chế đặc thù cho TP HCM, bà Kim Ngân đồng tình với việc giao quyền quản lý đất trồng lúa từ 10 ha trồng lúa, từ thẩm quyền của Thủ tướng sang cho HĐND TP. HCM để phân cấp mạnh hơn, đón đầu những dự án từ đầu tư lớn.

Trong Dự thảo Nghị quyết quy định cho TP tăng mức thuế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều loại thuế tăng hợp lý. Cụ thể như thuế bảo vệ môi trường, xả rác; thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ… Tuy nhiên không nên tăng tất cả các loại thuế, trừ thuế xuất nhập khẩu thì không hợp lý, làm mất đi tính cạnh tranh của TP. Do đó, cần lựa chọn một số chính sách thuế mà TP đang phải chịu gánh nặng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý với nội dung để TP.HCM được dự toán ngân sách TP trên cơ sở Quốc hội sẽ giao tổng thu, tổng chi. Phải thay đổi cơ chế, giao chủ động để phù hợp với thực tế địa phương. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phải thay đổi cách làm như “chốt đồng này mua mắm, đồng này mua tương. Không ăn mắm cũng không mua tương được”.

Trong cơ chế đặc thù trình Quốc hội, TP HCM được dư nợ không quá 90%, tức tăng thêm 20% so với quy định cũ. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, với GDP và thu ngân sách của TP HCM thì hoàn toàn mức du này có thể chấp nhận được và được tính toán là không tác động tới nợ công. Việc cho phép TP giữ lại 50% khi bán tài sản của Nhà nước trên địa bàn cũng là hợp lý để đầu tư phát triển hạ tầng.

Co che dac thu cho TP.HCM: Thay doi de cham dut 'khong an mam cung khong duoc mua tuong'
 

Cơ chế đặc thù cho phép TP hưởng số cổ phần hóa của Nhà nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ song nhấn mạnh cần thiết giữ nguyên khoản dự toán ngân sách cho đầu tư công trung hạn do QH đã phân giao cho TP HCM là 18.800 tỷ để chống ngập và xây dựng 2 bệnh viện tuyến cuối của TP.

“Nếu 18.800 tỷ đồng này để lại cho TP HCM thì TP có thể tạo ra nhiều cái 18.800 tỷ đồng khác để làm lợi về cho đất nước”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Hiện nay, có một số ý kiến lo lắng, cơ chế đặc thù cho phép TP HCM được tăng thêm mức lương cơ bản sẽ tạo sự chênh lệch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: “Nếu là động lực thì cứ cho. Rõ ràng cơ chế này tạo ra động lực thực sự thì chúng ta cho cải cách tiền lương từ thí điểm này, áp dụng mở rộng ra. Đừng có sợ”.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ việc cho TP HCM cơ chế phát triển đặc thù, thông qua một việc trích dẫn lại câu nói của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Nếu tôi cần động lực phát triển, tôi nắm trong tay nguồn lực, tôi sẽ đầu tư vào người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để làm ra lực lượng của cải vật chất, lấy đó làm đầu tàu kéo hết những người chưa biết làm ăn và nghèo đi theo. Nếu nguồn lực đó cứ chia nhỏ ra và chia đều thì tất sẽ nắm tay nhau đi hàng ngang”.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI