Cơ chế đặc thù cho TP.HCM gồm những lĩnh vực nào?

27/10/2017 - 14:25

PNO - Việc thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đối với TP.HCM phải đặt trong tổng thể chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng trong khung khổ pháp luật

Ngày 26/10, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi làm việc với Thành ủy, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để thảo luận nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.

Theo đó, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên 3 nguyên tắc:

Thứ nhất, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TP.HCM, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở Thành phố. Thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để thực hiện việc giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.

Co che dac thu cho TP.HCM gom nhung linh vuc nao?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, thí điểm cơ chế chính sách đặc thù với TP HCM phải hài hòa trong khung khổ pháp luật

Thứ hai, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM phải đặt trong mối quan hệ TP vì cả nước và cả nước vì TP phát triển ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức; đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Thứ ba, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và trật tự hệ thống của pháp luật, phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; chủ trương, giải pháp cơ cấu lại cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Dự thảo Nghị quyết quy định cho TP.HCM được tự chủ áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách mà theo quy định hiện hành thì cơ chế, chính sách đó do cấp cao hơn quyết định, thành phố được phép thực hiện một số chính sách mà hiện hành chưa quy định...

Các lĩnh vực dự kiến được đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm bao gồm: quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, buổi làm việc với mục đích xin ý kiến trực tiếp từ Đại biểu Quốc hội, Thành ủy, UBND TP nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đảm bảo TP.HCM - một trung tâm kinh tế lớn nhất, trung tâm trọng điểm thu lớn của cả nước có nguồn lực, có cơ chế chính sách và đủ sự năng động để tiếp tục phát triển, xứng đáng là đầu tàu của cả nước.

Ngoài ra, việc thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đối với TP.HCM đặt trong tổng thể chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng trong khung khổ pháp luật, việc gì đã rõ thì cho làm ngay, việc gì chưa rõ phức tạp thì cho làm thí điểm, có sơ kết, tổng kết để nhân rộng.

Sáu buổi làm việc, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo Chính phủ để báo cáo các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI