edf40wrjww2tblPage:Content
Bàn thờ và di ảnh bé Đạt.
Chạy theo hết sức nhưng không kịp…
Chiều 16/3, tại căn nhà 46/1A ấp Xuân Thới Đông 2 (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM), nhiều hàng xóm có mặt, người phụ nấu ăn, người tiếp khách phụ gia chủ như một cách chia sẻ, an ủi nỗi mất mát quá lớn của gia đình bé Đạt.
Nước mắt không ngừng chảy trên gương mặt, chị Văn Thị Thanh Thúy, 27 tuổi, mẹ bé Đạt, nấc lên từng tiếng khi nhắc đến con. Chị kể, thấy con bị diều cuốn lên cao, chị đã cố hết sức chạy theo cứu con nhưng không kịp. Con rơi xuống gần chiếc bàn bán nước của bà ngoại khiến tim chị như bị xé từng mảnh.
“Nhà không có tiền, chưa cho nó đi học nên thỉnh thoảng nó theo bà ngoại và mẹ ra đồng diều vừa chơi vừa phụ bán nước. Tôi định hết tháng giêng này sẽ tìm trường cho bé học mẫu giáo để năm tới vô lớp 1. Nào ngờ, con bỏ tôi đi sớm quá”, chị Thúy nghẹn ngào.
Theo lời chị Thúy, những ngày bán nước tại đồng diều, chị Thúy chưa bao giờ thấy con diều to như thế, mặc dù năm nào khu vực này cũng tổ chức hội thi thả diều.
Cơ quan điều tra Công an huyện Hóc Môn hiện đang tiếp tục thu thập thông tin để làm rõ vụ việc. |
Như thường lệ, khoảng 14 giờ chiều ngày 15/3, chị và mẹ là bà Hà Thị Mai (57 tuổi, bà ngoại bé Đạt) dọn nước giải khát ra bán cho những người thả diều. Trước khi con diều cuốn bé Đạt lên không trung, nó đã bay lên rớt xuống nhiều lần. Lần này, nó rơi xuống ngay chỗ bà ngoại và bé Đạt ngồi, làm rơi những chai nước và xô ngã bàn ghế.
Lúc này, chị Thúy và bà Mai lui cui lượm chai nước, lúc ngẩng lên thì thấy bé Đạt bị diều cuốn lên. Quá hốt hoảng, chị Thúy chạy theo la toáng, chụp diều lại nhưng không kịp.
“Tôi thấy con mình sợ lắm, nó cũng la rồi dùng tay chụp mấy cọng dây diều nhưng càng lên cao có thể do gió lớn quá, nó không giữ nổi dây nên đã rớt xuống. Tôi chạy theo đỡ con vừa chạy vừa té nhưng không được”, chị Thúy lại giàn giụa nước mắt.
Chị Thúy hiện đang mang thai đứa con thứ hai ở tháng thứ 7.
Ngồi gần đó, bà Mai chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại hình ảnh đứa cháu bị hất lên không trung rồi rơi tự do. Bà nói: “Lúc diều bay lên cao gần 20m, cách xa chỗ tôi bán vài chục mét, thấy cháu lơ lửng tôi hoảng lắm, tôi cố chạy đến đỡ cháu nhưng không kịp, đành bất lực nhìn cháu rớt xuống trước mặt”.
Chị Thúy đau lòng khi nhắc đến con. Hiện chị đang thai đứa thứ hai được 7 tháng.
Chưa chuẩn bị xong thì diều bay
Có mặt tại đám tang bé Đạt, ông Đỗ Văn Lựu (SN 1963) - chủ nhiệm CLB diều Sài Gòn - cho biết đây là tai nạn đau lòng, quá bất ngờ, lực bất tòng tâm và lần đầu tiên xảy ra nên không lường trước được.
Các thành viên CLB túc trực lo hậu sự và hỗ trợ chi phí mai táng cho bé Đạt. Ông Lựu và ông Long - một thành viên của CLB cũng đã đến cơ quan điều tra Công an huyện Hóc Môn làm việc trong 3 giờ để tường thuật lại vụ việc, trong đó có nội dung đảm bảo an toàn kỹ thuật trước cho diều bay lên không trung.
Đồng diều nơi xảy ra tai nạn. |
Về chủ quan, ông Lựu và các thành viên CLB nhận thấy đã đảm bảo điều kiện an toàn và kiểm soát được hoạt động của con diều nên không ngại biểu diễn giữa đám đông.
Theo ông Lựu, đây là con diều mang đi biểu diễn chứ không thử nghiệm cho Festival ở Vũng Tàu và đây không phải là lần đầu tiên CLB này biểu diễn diều to với sải cánh dài 18m, ngang 12m như thế.
Trước đó, họ từng thả con diều to hơn ngay cánh đồng diều này và một số cánh đồng khác thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân. Hầu hết các lần thả diều “khủng” đều không bị chính quyền địa phương các nơi hỏi thăm hay chất vấn gì và cũng không rõ có quy định phải xin phép địa phương hay không.
Về các điều kiện an toàn chuẩn bị cho diều bay, ông Lựu giải thích: “Theo nguyên tắc, trước khi thả diều, chúng tôi phải đo sức gió bằng máy để biết đủ sức kéo diều lên không, sau đó các thành viên sẽ căng diều và chờ đủ điều kiện gồm sự đồng bộ, gió, đảm bảo an toàn khoảng cách từ diều đến người lạ.
Từ lúc chuẩn bị đến khi buông diều sẽ có hơn 10 người đứng ngay đầu diều để căng dây leo, 3 - 4 người đứng phía sau diều và một số người đứng 2 bên hông nhằm quan sát, không cho người lạ đến gần diều. Điều bất ngờ là dù chưa đến thời điểm để buông diều nhưng một cơn gió lớn bất ngờ cuốn diều bay lên cao, đến khi nghe nhiều người la toáng, mọi người chạy đến thì thấy chân bé Đạt bị vướng trên dây diều. Rất nhiều người dùng tay đỡ bé nhưng sự cố tính bằng giây nên không cứu kịp”.
Phải chăng một số thành viên đã lơ là trách nhiệm, không quan sát hết khiến diều cuốn bé lên cao ? Ông Lựu cho biết, người đứng trước diều thì không quan sát được phía sau và ngược lại, không ngờ diều lại bay lên lúc đó, vì khâu chuẩn bị chưa xong.
Tại sao lại chọn một nơi rất đông người để thả diều “khủng”, sao không lường trước khả năng diều rớt xuống gặp gió mạnh sẽ bay lên lại?
“Vì biểu diễn diều là mang cái đẹp, cái lạ để cho người dân thưởng thức nên không thể chọn nơi vắng vẻ, ít người được. Việc diều rớt xuống rồi bay lên lại là điều chưa xảy ra vì diều to chỉ cần lệch tâm là không bay lên được. Tuy nhiên, qua sự cố này chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc sẽ quan sát kỹ càng và đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi buông diều”, ông Lựu nói.
THU NGUYÊN