Có cha mà vẫn mồ côi

08/05/2021 - 05:17

PNO - Khi thấy con trai, anh ta không hề mắc cỡ hay bối rối, còn vỗ vai con nói: “Con phải học giống ba nè. Lúc nào cũng có gái trẻ bu”.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi là mẹ đơn thân 20 năm nay. Tôi kết hôn với một người đàn ông khi vừa tốt nghiệp đại học. Tuổi trẻ bồng bột, chỉ thích đã nghĩ là yêu, lấy nhau về mới thấy không hợp nhau.

Tôi cũng cố gắng chịu đựng người chồng quá nhiều thú vui, đam mê. Tôi cố gắng là người vợ nhẫn nhịn, nhẹ nhàng, lo toan, mong anh hiểu ra giá trị của gia đình mà dừng các cuộc chơi. 

Thế nhưng, cùng với những thú vui khác, anh còn mê gái trẻ, bồ bịch lăng nhăng. Chia tay anh ta, tôi sống một mình, nuôi con trai ăn học và trưởng thành. Bản thân tôi cũng gầy dựng được sự nghiệp riêng, có nhà cửa đàng hoàng và sống bình an, nhẹ nhàng.

Trong suốt gần 20 năm qua, anh ta vẫn rong chơi, bồ bịch với hết cô này tới cô khác và chưa một lần gửi tiền trợ cấp nuôi con. 

Con trai tôi lớn lên với tính cách trầm lặng, rụt rè và tự ti. Nhiều người nói cháu bị chấn thương tâm lý do cách đối xử của cha cháu, tôi nghĩ có phần đúng. Mặc dù tôi không bao giờ trách móc hay nói xấu chồng cũ, nhưng cháu lớn lên tự nhận ra mọi điều. 

Lần gần đây nhất, con tôi bắt gặp anh ta đi ăn với một cô gái trẻ, nhìn là có thể đoán cô ta nhỏ tuổi hơn con trai tôi.

Khi thấy cháu, anh ta không hề mắc cỡ hay bối rối, còn vỗ vai cháu nói: “Con phải học giống ba nè. Lúc nào cũng có gái trẻ bu”. Tôi nghe kể lại là cháu hất tay ba và bỏ đi…

Sau đó, về nhà, cháu tuyên bố từ nay không bao giờ muốn nhìn mặt “lão đó”.

Khi tôi la cháu vì cách dùng từ, cháu trả lời là ông ta chỉ xứng với chữ đó. Cháu tuyên bố từ giờ cháu coi mình là đứa trẻ mồ côi cha. Cháu chỉ có mẹ mà thôi. Khi nghe cháu nói, tôi đau lòng không kể xiết. Con tôi thua thiệt, bất hạnh vì bố không ra bố. Tôi sợ tâm lý cháu sẽ bất ổn. 

Tôi phải làm gì để con trai tôi có đời sống tâm lý bình thường đây? Năm nay cháu đã 27 tuổi nhưng không hề quen ai và không nghĩ đến chuyện yêu đương, điều đó có bất thường hay không? Có cách nào để sửa chữa điều đó?

Thanh Hà (TP.HCM)

Chia tay anh ta, tôi sống một mình, nuôi con trai ăn học và trưởng thành. Ảnh minh họa
Chia tay anh ta, tôi sống một mình, nuôi con trai ăn học và trưởng thành. Ảnh minh họa

Chị Thanh Hà thân mến, 

Có những bi kịch xảy ra một cách vô cùng bất công, khi mà nạn nhân chẳng gây ra lỗi nào và họ phải làm rất nhiều điều để cứu vãn, nhưng vẫn không kết quả.

Tuy vậy, những cố gắng của họ, hy sinh của họ, sự nhẫn nhường khiến họ xứng đáng nhận sự thanh thản và nhẹ nhàng bước qua bất hạnh. Chị là người xứng đáng có được sự nhẹ nhàng ấy. 

Chị đã hết sức cố gắng, đã hy sinh, chịu đựng âm thầm một mình để nuôi con. Giờ đây chị nhận trọn vẹn tình yêu thương của con trai, và người đàn ông kia đã hết cơ hội. Ông ta đã trở thành con số 0 trong mắt con chị.

“Thà không có, còn hơn có mà không đáng”, chị à. Con chị đã lựa chọn điều đó, và có thể đây là bước cuối cùng để cháu có thể giải quyết những u uất của đứa trẻ bị bỏ rơi nhiều năm tháng.

Có lẽ cháu đã từng âm thầm đau đớn, chịu đựng, tủi giận và thậm chí nuôi dưỡng chút hy vọng… Tất cả những điều đó có thể từng là gánh nặng tâm lý của cháu. Khi nhìn thấy hình ảnh trơ tráo của người đáng ra phải là bố, cháu đã đặt được gánh nặng tâm lý đó xuống, cởi bỏ sự nặng nề.

Cháu là người đàn ông trưởng thành. Cháu có quyền đó chị ạ. Và khi chối từ một điều xấu thì có nhiều khả năng cháu sẽ bước tới với những điều tốt lành hơn: sẽ sống khác với cha, sống trách nhiệm, bản lĩnh, yêu thương…

Chị hãy là động lực mạnh mẽ để cháu đi theo sự chọn lựa của mình. Đừng khiến cháu bị áp lực phải thế này hay thế kia, mà vui vẻ, nhẹ nhàng, tự nhiên trò chuyện với cháu, để cháu hiểu chị mong ước con sẽ là người đàn ông như thế nào. 

Hãy để cháu cảm nhận được vai trò của cháu với chị, với gia đình, cảm nhận cháu có thể mang đến hạnh phúc cho người khác, là chỗ dựa, là bờ vai của người khác. Hãy tạo ra xung quanh cháu bầu không khí ấm áp, bình yên.

Hai người vẫn là cả một gia đình nếu yêu thương nhau, chị đừng sợ cháu thua thiệt hay mặc cảm. 

Chúc chị và cháu hạnh phúc.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI