|
Du khách chen nhau ngắm Thiên Hạ Đệ Nhất Kiều |
Chắc chắn chúng ta từng đi qua rất nhiều chiếc cầu trong những cuộc hành trình, những chiếc cầu dẫu có thiết kế như thế nào đều có cùng đặc điểm: nối đôi bờ của một dòng sông. Có những chiếc cầu mang bên mình những câu chuyện lịch sử như cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cầu Hiền Lương (Quảng Trị). Có chiếc cầu tạo điểm nhấn cho một thành phố như cầu Rồng (Đà Nẵng) hoặc những chiếc cầu tre bé nhỏ chông chênh chân người ở miền Nam, những chiếc cầu băng qua biển như cầu Thị Nại (Qui Nhơn), cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng)…
Cho thỏa giấc mơ
Nhưng, có một cây cầu chênh vênh giữa đất trời lại không do bàn tay con người tạo ra, chỉ là ngẫu hứng của thiên nhiên dựng lên với thời gian hàng trăm triệu năm và cũng chẳng bắc qua một dòng sông nào. Cầu có tên Thiên Hạ Đệ Nhất Kiều, nằm ở ngọn núi Thiên Tử thuộc địa phận Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc). Mỗi năm, cả triệu người tìm đến, đôi khi chỉ để nhìn ngắm cây cầu rồi về, cho thỏa giấc mơ.
Nằm về phía Tây Bắc tỉnh Hồ Nam, Trương Gia Giới là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia số 1 của Trung Quốc và được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992. Năm 2004, khu bảo tồn này được vinh danh là công viên địa chất thế giới. Chuyến đi đến Trương Gia Giới của chúng tôi nhằm mục đích tận ngắm Phượng Hoàng Cổ Trấn - một địa danh 1.300 năm tuổi của Trung Quốc với muôn ánh đèn rọi chiếu vào ban đêm, lung linh như đang trong một giấc mộng. Đến đó, chúng tôi cũng tò mò và muốn chụp một tấm ảnh lưu niệm ở cầu đá nhảy.
Trong chương trình, có trải nghiệm chinh phục ngọn Thiên Môn Sơn. Gọi là Thiên Môn Sơn bởi ở lưng chừng núi, sau khi đi cáp treo lên, men con đường dọc theo vách núi sẽ tới nơi có một vòm trời giữa núi, được gọi là cổng trời. Có 999 bậc thang để đi bộ lên đó nhưng vì đi tour với lịch trình gấp gáp nên chẳng ai đợi bạn đi lên cổng trời, đành chỉ ngẩn ngơ nhìn ngắm vòm trời kỳ bí ở kia.
|
Cảnh quan Thiên Tử Sơn |
Một ngọn núi khác có tên Thiên Tử, độ cao hơn 1.262m so với mực nước biển. Trong khu núi Thiên Tử có khá nhiều địa điểm liên quan đến những truyền thuyết về “Thiên Tử” nhưng chinh phục ngọn núi này chỉ dừng lại ở độ cao 500m là cả một kỳ công.
Nếu ở Thiên Môn Sơn, du khách đi bằng cáp treo lên tới lưng chừng, rồi đi bộ đến cổng trời, tiếp tục đi cả chục chiếc thang cuốn… thì ở Thiên Tử Sơn có xe trung chuyển chở bạn đi vòng vèo núi để đến nơi cần đến. Thật ra, cuộc hành trình vô cùng khó khăn bởi nơi này thường mưa và có mây mù. Đi trong mưa rây và mây mù giống như lạc vào tiên cảnh.
Ngọn núi cao như thế, mênh mông như thế nhưng từng cây nhỏ cũng được giữ lại vì chính cây làm nên vẻ đẹp của rừng. Sự kỳ công còn thể hiện ở những con đường bằng gỗ bám ven vách núi rất vững chắc, với lan can bằng xi măng, chịu được thời tiết ẩm ướt. Tại các điểm dừng luôn có những quầy đồ ăn thức uống phục vụ du khách.
Hành trình của những bước chân
|
Thang máy Bách Long - được đưa vào Sách kỷ lục Guinness thế giới với vinh dự là “thang máy ngoài trời cao nhất” vào năm 2015 |
Điểm nhấn trên Thiên Tử Sơn chính là Thiên Hạ Đệ Nhất Kiều - một địa danh có cái tên mỹ miều khiến ai lên núi cũng nao nức tìm gặp. Cũng nói thêm là cuộc hành trình hoàn toàn đi bộ, hết đường bằng đến bậc thang, mà bậc thang cứ len núi, ta đi theo chân người trước giống như phản xạ. Vì người đông quá nên cảm giác mệt mỏi không còn, vả lại thời tiết trên núi mát dịu cũng tạo điều kiện cho những bước đi.
Chúng tôi cứ đi theo đoàn người mà không sợ lạc vì con đường rất nhỏ mà người đi chật kín. Đôi chỗ có một khoảng trống để người đi tạm nghỉ, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm nơi ngọn núi mà có lẽ sẽ không trở lại lần nữa.
Chưa tới cây cầu trong giấc mơ, chúng tôi đã thấy những ổ khóa tình yêu bị gỉ sét vì ẩm ướt.
Việc gắn ổ khóa tình yêu của các đôi ở những địa điểm nổi danh là chuyện thường tình. Như khu vực gắn khóa tình yêu trên tháp Nam San (Hàn Quốc) tạo ra một cảnh quan choáng ngợp với cả triệu ổ khóa. Cầu tình yêu bên sông Hàn (Đà Nẵng) cũng có cả ngàn ổ khóa tình yêu được gắn vào. Nhưng gắn ổ khóa tình yêu ở Thiên Hạ Đệ Nhất Kiều quả thật là ý tưởng hay. Các hàng quán trên núi không bán ổ khóa, khách du lịch cũng chẳng được dặn dò mua ổ khóa để lên đây gắn. Nên tôi suy đoán rằng phải yêu nhau tha thiết, các cặp đôi mới kỳ công chuẩn bị sẵn ổ khóa để gắn ở giữa trùng mây. Sau khi gắn khóa, các đôi tình nhân sẽ đi tiếp lên cầu, ném chìa khóa xuống. Chìa khóa sẽ chìm khuất trong cỏ cây và chỉ cần qua một mùa mưa thì đã vùi trong đất bởi cỏ cây chen chúc mọc lên.
Trở lại câu chuyện cây cầu, bạn không thể nhìn thấy nó dễ dàng giống như đứng bên bờ sông nhìn cây cầu ở phố. Núi cao thấp, đường đi hẹp, chen nhau chậm bước, đi theo đến khi nào tới thì thôi. “Tới rồi” - tiếng reo ấy luôn vang lên trong hạnh phúc. Bạn đã vượt qua bao nhiêu cây số, bạn phải đi bộ bao nhiêu cây số để chạm tới cây cầu. Sự kỳ diệu của tạo hóa là ở đây, ở độ cao 350m so với mặt nước biển, 2 mỏm núi nối với nhau bằng con đường đá nên thành cầu. Cây cầu tự nhiên vững chãi qua bao năm tháng.
|
Nhờ ổ khóa “lưu giữ” tình yêu |
Đó là cây cầu đá tự nhiên nối liền 2 vách núi với chiều dài 25m, rộng chỉ khoảng 1,5 - 3m tùy chỗ, khá bằng phẳng, có thể đi qua. Theo giới khoa học, ngày xưa nơi này chỉ là một ngọn núi, thời tiết gió mưa cứ mài giũa làm trống bên dưới mà tạo nên cầu, trải qua hơn 380 triệu năm.
Mọi người bước qua cây cầu như bước trên một vùng đất, cây vẫn sinh trưởng che mát. Trên cầu có những cây thông cao thẳng tắp, những dây leo cổ thụ rủ xuống bên cạnh cầu. Quanh bạn là sương mù. Và dĩ nhiên, bạn sẽ đi tiếp, rẽ qua con đường khác, qua bên kia núi, cùng mọi người chen chúc chụp ảnh chiếc cầu trong mây mù và trong cơn mưa nhỏ. Đi trên cầu, bạn có thể nhìn thấy sương mù bốc lên, những hàng thông mờ trong sương. Sau khi vượt qua thung lũng sâu, đứng trên đài quan sát cách đó hơn 40m, toàn cảnh cây cầu hiện ra trước mắt.
Không ai vội về, mà dừng lại nơi gọi là điểm ngắm cầu với 2 vách núi bên trên và bên dưới. Tại đây, bạn có thể nhờ ai đó chụp ảnh mình với bối cảnh sau lưng là cây cầu đá giữa mù sương.
Lại đi theo những con đường bậc thang bằng gỗ, cho đến điểm hẹn. Có thể bạn sẽ đi tiếp thêm 4 giờ nữa cho hết núi nhưng đa phần chọn cách đi thang máy Bách Long để trở về, vì đôi chân đã mỏi và cũng đã thỏa lòng.
Khuê Việt Trường