Có cần thưởng “khủng” cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi?

17/12/2020 - 20:30

PNO - Học sinh TPHCM đoạt giải ở các kỳ thi quốc tế được thưởng từ hơn trăm triệu đồng, Hải Phòng lên đến nửa tỷ. Để khuyến khích học sinh, giáo viên nỗ lực thì có cần phải thưởng “khủng” như vậy không?

Sở GD-ĐT TPHCM đang xây dựng dự thảo về chính sách khen thưởng cho học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế và giáo viên có công đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải.

So với mức khen thưởng được áp dụng từ năm 2004 thì mức thưởng cho các thứ hạng tăng từ 10-20 lần.

Học sinh TP.HCM đoạt thành tích tại các kỳ thi quốc tế, quốc gia, khu vực được khen thưởng
Học sinh TPHCM đoạt thành tích tại các kỳ thi quốc tế, quốc gia, khu vực được khen thưởng - Ảnh: Website Sở GD-ĐT TPHCM

Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất mức thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế từ 120 đến 200 triệu đồng, so với mức thưởng tồn tại 16 năm nay (là 10 triệu đồng) thì tăng gấp 20 lần.

Mức thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi khu vực từ 75 đến 120 triệu đồng, tăng gấp 15 lần.

Mức thưởng cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi cấp quốc gia từ 20 đến 50 triệu đồng, cấp thành phố từ 5 đến 12 triệu đồng, tăng khoảng 10 lần.

Học sinh là người dân tộc thiểu số hoặc là người khuyết tật đoạt giải sẽ được hưởng 1,5 lần mức thưởng trên. Các em vừa là người dân tộc thiểu số, vừa là người khuyết tật được hưởng gấp 2 lần.

Mức thưởng dành cho giáo viên đoạt giải trong kỳ thi quốc gia cũng được đề xuất điều chỉnh. Trong đó, giáo viên giành giải nhất được thưởng 20 triệu đồng. Với các đội, nhóm giáo viên (từ 2 thành viên trở lên), mức tiền được thưởng gấp đôi so với cá nhân đoạt giải.

Những giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng học sinh đoạt giải sẽ nhận mức 70% tiền thưởng của thí sinh. Tập thể giáo viên cùng tham gia đào tạo, bồi dưỡng học sinh được thưởng bằng 30% mức tiền thưởng của giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng học sinh đoạt giải.

Các học sinh đoạt giải thể dục - thể thao cấp quốc gia được đề xuất mức thưởng từ 2 đến 7,5 triệu đồng. Với các đội, nhóm học sinh (từ 2 thành viên trở lên), mức tiền thưởng tăng gấp đôi so với cá nhân.

Theo dự thảo, kinh phí để khen thưởng được lấy từ ngân sách nhà nước cấp hàng năm, có thể vận động nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Nếu như dự thảo này được thông qua thì kinh phí dành cho khen thưởng sẽ tăng mạnh.

Không chỉ TPHCM, nhiều tỉnh thành đang xây dựng chế độ khen thưởng mới đối với học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế. Nhiều tỉnh, như: Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bình Định, Thanh Hóa có mức thưởng từ 50 triệu đồng cho học sinh đoạt huy chương vàng quốc tế.

Đặc biệt, tại Hải Phòng, học sinh giành huy chương vàng hoặc giải nhất quốc tế có thể được thưởng đến 500 triệu đồng.

Các địa phương đều lập luận việc tăng mức thưởng sẽ động viên giáo viên, học sinh nỗ lực để giành thành tích cao, mang về vinh quang cho địa phương và phù hợp với tình hình mới.

Mục tiêu này rất đúng, nhất là khi các mức thưởng trước đây quá thấp. Thế nhưng, việc điều chỉnh mức thưởng mới cũng dễ... hết hồn.

Mỗi con số đưa ra quá “khủng” so với ngành giáo dục vốn khiêm tốn. Khen thưởng trong ngành này, xưa nay, thường chỉ mang tính tượng trưng để khích lệ tinh thần, chứ hiếm khi có giá trị lớn về vật chất.

Người thâm niên trong nghề giáo từng ngậm ngùi than người học bây giờ thực dụng quá, khi trường chuyên, các kỳ thi học sinh giỏi không còn là ưu thế độc tôn ở kỳ xét đầu vào đại học thì liền... hững hờ. Có lẽ vì thế mà nhà quản lý hy vọng "lấy vật chất kéo tinh thần" sẽ là giải pháp để vực dậy?

Dường như, giờ đây, các nơi đang "đua" nhau thể hiện "vị thế" bằng số tiền thưởng, nơi này lên đến vài trăm triệu, nơi kia liền chi hẳn nửa tỷ. Phần thưởng của những người giành vòng nguyệt quế ở các cuộc thi sẽ không chỉ có danh mà còn có “sức nặng” thực sự, thứ sức nặng của vật chất đầy hấp lực.

Có thể sau những đề xuất chi mạnh để khen thưởng, phong trào thi thố sẽ hồi sinh, sôi động. Số huy chương, thành tích "giật" được ở các kỳ thi là thứ được quan tâm hơn bao giờ hết. Nó sẽ trở thành đích đến, là thước đo độ thành công của cả người dạy và người học. Rồi, trường chuyên lớp chọn, lò “luyện gà” sẽ có đất để sinh sôi.

Để rồi mỗi năm, thay vì ngẫm xem năm nay mình đã tích lũy được kiến thức hay kỹ năng gì, thì thay vào đó, người ta bắt đầu đong đếm, thống kê đã chinh chiến ở bao nhiêu đấu trường thi thố, vượt qua bao nhiêu đối thủ, có bao nhiêu chiếc huy chương giành được...

Nhưng, ngoài việc làm đẹp hơn bảng thành tích thì những chiếc huy chương hào nhoáng ấy có giúp cho nền giáo dục của chúng ta phát triển hoàn thiện hơn, thực chất hơn không? Có giúp cho học sinh vùng sâu vùng xa rút ngắn khoảng cách về điều kiện giáo dục với học sinh thành thị? Có giảm được số trẻ phải bỏ học theo cha mẹ mưu sinh không?...

Có hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết đối với một nền giáo dục đang cố gắng thực hiện cuộc chuyển mình bằng một công cuộc đổi mới toàn diện. Thiết nghĩ, trước khi "chơi sang" để phát triển thành tích tại các đấu trường thi cử, các bảng xếp hạng thì chúng ta nên giải quyết những vấn đề nền tảng tốt nhất để trở thành một nền giáo dục tiến bộ và "khoẻ mạnh" từ nội tại trước đã.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI