Có cần thiết phải tẩy da chết hay không?

15/04/2022 - 07:25

PNO - Tẩy tế bào chết là một bước quan trọng để chăm sóc da, nhưng...

Mỗi lần đi làm đẹp ở spa tôi thường được nhân viên ở đó khuyên nên tẩy da chết để chăm sóc da mặt. Tuy nhiên, sau mỗi lần tẩy tế bào chết, tôi cảm thấy da mặt căng lên, đỏ rát. Có cần thiết phải tẩy tế bào chết ở da mặt hay không? 

Phạm Quỳnh Thảo (TP.Thủ Đức - TP.HCM)

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:

Tẩy da chết có hai phương pháp là cơ học và hóa học. Tẩy da chết cơ học là dùng các vật phẩm chứa hạt hoặc có bề mặt nhám để chà xát làm mài mòn bề mặt da. Cách này không kiểm soát được độ mài sâu trên da cũng như nhận biết được vị trí nào lớp sừng chết đóng dày để tác động nên dễ gây tổn thương vi thể trên bề mặt da; còn có thể khiến tăng sinh tế bào sừng làm bề mặt da trở nên sần sùi, sạm thâm. 

Tẩy da chết bằng hóa học là dùng sản phẩm có chứa a-xít sinh học với nồng độ đã được nghiên cứu bôi một lớp lên da, hóa chất sẽ kích thích nhẹ, làm sạch sâu lỗ chân lông, tiêu hủy các tế bào sừng và bụi bẩn, bã nhờn đóng tại nang lông. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thì sẽ kích thích tái tạo lại các tế bào nhanh một cách bất thường, làn da không thể đẹp được. 

Tẩy tế bào chết liên tục còn khiến lớp tế bào non ở dưới bị lộ ra, chưa đủ sức chống chọi với các yếu tố bên ngoài tác động như môi trường, ánh nắng mặt trời, từ đó dễ bị nám da.

Theo chu trình tự nhiên của cơ thể, sau 28 ngày, các chất bã nhờn và tế bào chết sẽ được đẩy lên bề mặt da và thay thế bằng tế bào mới. Khi ấy, các lớp sừng trên bề mặt da sẽ rớt ra. Nếu lớp bã nhờn và chất sừng này bít chặt phễu nang lông thì da dễ bị viêm nang lông, mụn trứng cá. Tẩy tế bào chết là một bước quan trọng để chăm sóc da nhưng chỉ nên làm cách từ 2 - 4 tuần/lần.


Trâm Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI