Có cần tầm soát tất cả các bệnh ung thư?

31/08/2018 - 18:40

PNO - Đối với nhiều người, cần làm gì để tầm soát và chặn đứng bệnh ung thư từ trong trứng nước vẫn còn là những thông tin mơ hồ.

Qua cuộc trao đổi sau đây, tiến sĩ - bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Phòng khám Ung bướu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sẽ giải đáp những khúc mắc, hướng dẫn mọi người cách tầm soát, đối phó với bệnh ung thư từ khi các tế bào ác tính còn chưa kịp tượng hình.

Co can tam soat tat ca cac benh ung thu?
Bác sĩ phải nhờ nhiều phương tiện hỗ trợ chẩn đoán để tầm soát ung thư

Phóng viên: “Tôi muốn tầm soát tất cả các bệnh ung thư có được không” là câu hỏi rất nhiều người đặt ra. Bác sĩ có lời khuyên nào cho người dân, khi họ đang có nhu cầu tầm soát ung thư mà chưa biết bắt đầu từ đâu?

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh: Người ta thường nói về tầm soát ung thư nhưng đa số đều chưa hiểu rõ vấn đề này. Trên thế giới không có ai tự dưng đi kiểm tra chụp chiếu, làm xét nghiệm tất cả các bộ phận trên cơ thể để tìm bệnh ung thư cả. Như thế rất tốn kém mà chưa chắc đã hiệu quả. 

Nhắc đến tầm soát có nghĩa là khi bạn chưa bị ung thư mà các tế bào mới đang ở giai đoạn tiền ung thư. Hiện nay, chỉ có một số vị trí ung thư có thể tầm soát và phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư là: vú, cổ tử cung, tuyến giáp, đại trực tràng (ruột). Ung thư phổi, gan là hai loại ung thư thường gặp và diễn tiến bệnh rất nhanh, nhiều khi sáu tháng trước siêu âm chưa phát hiện gì nhưng sáu tháng sau, bệnh đã vào giai đoạn cuối. Không phải ai muốn cũng có thể đến bệnh viện đề nghị tầm soát ung thư mà phải có chỉ định theo độ tuổi. Chẳng hạn, tầm soát ung thư cổ tử cung khuyến cáo nên làm với phụ nữ trên 21 tuổi, tầm soát ung thư vú dành cho phụ nữ trên 40 tuổi, tầm soát ung thư đại trực tràng dành cho người trên 50 tuổi...

* Hiện nay y khoa có những phương pháp gì để tầm soát bệnh ung thư? Xét nghiệm máu có tìm được bệnh ung thư không, thưa bác sĩ?

- Phương pháp chính xác nhất là sinh thiết (lấy một mẫu mô nghi ung thư đem giải phẫu để tìm kiếm xem có tế bào ác tính hay không). Ngoài ra, còn có thể nhờ các kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu. Bác sĩ phải dựa vào nhiều yếu tố, kết hợp sự trợ giúp của tất cả các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán để xác định một người có bị ung thư hay không. Không thể chỉ căn cứ vào mỗi xét nghiệm máu. Một số loại ung thư sẽ tiết vào máu vài chất, chỉ số của những chất này đột nhiên tăng cao cũng gợi ý tới bệnh ung thư.

Tuy nhiên, nhiều loại ung thư không tiết các chất bất thường vào máu hoặc có mà rất muộn, chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm máu rất dễ dẫn tới phát hiện bệnh chậm trễ. Ví dụ: đối với một ca viêm gan siêu vi bỗng dưng xét nghiệm máu thấy một số chỉ số tăng cao thì rất có nguy cơ bệnh nhân đã bị chuyển biến thành ung thư. Nhưng với nhiều ca ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, chỉ đến khi bệnh ở giai đoạn cuối, kết quả xét nghiệm máu mới thấy các chỉ số này bất thường.

* Khi một bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư hoặc có một khối u lành tính, bệnh nhân đó sẽ được điều trị thế nào? Phác đồ điều trị có khác với một ca ung thư không, thưa bác sĩ?

- Tất nhiên là rất khác biệt. Với tiền ung thư và u lành, chỉ cần phẫu thuật, không cần hóa hay xạ trị. Thậm chí cũng không cần phẫu thuật những khối u lành không gây ảnh hưởng thẩm mỹ và sức khỏe, trừ khi khối u đó nằm ở những vị trí trọng yếu như trong não gây chèn ép hoặc có nguy cơ chuyển biến thành ác tính (rất hiếm gặp). Với những trường hợp phát hiện ung thư giai đoạn sớm, ngoài phẫu thuật vẫn cần hóa và xạ trị, đương nhiên tiên lượng vẫn khả quan hơn phát hiện trễ.

* Bác sĩ có thể cho biết, giá thành tầm soát một vài loại ung thư phổ biến để mọi người có sự chuẩn bị trước khi đi khám?

- Tại các cơ sở y tế công lập, giá làm nhũ ảnh cả hai bên dao động từ 400.000 - 500.000 đồng, siêu âm vú từ 200.000 - 250.000 đồng, nội soi đại trực tràng trên một triệu đồng. 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI