Cô cán bộ Hội lội ruộng cắt rau

06/08/2021 - 07:17

PNO - “Sinh ra ở miền Tây nhưng từ nhỏ đến lớn tôi có bao giờ biết lội ruộng đâu! Lúc đó chỉ nghĩ, mình đang cần rau, rau đang có rất nhiều, chú Phương lại cho không… Ai lại để chú ấy cắt một mình. Thế là tôi lội xuống ruộng…” - Lư Thị Luyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN P.4, Q.6, bẽn lẽn.

Vươn lên làm cán bộ Hội

Lư Thị Luyến sinh năm 1993 ở H.Long Mỹ, tỉnh hậu Giang. Gia đình sống bằng nghề buôn bán, lại chỉ có một đứa con gái, nên Lư Thị Luyến rất được chăm lo chuyện ăn, học. Nhưng đến giữa năm lớp 12 gia đình gặp nhiều khó khăn, Lư Thị Luyến xin cha mẹ nghỉ học để theo người cậu lên thành phố làm công nhân may. Siêng năng, tháo vát, cô công nhân Lư Thị Luyến nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống nơi phố thị. Tay nghề ngày càng phát triển nên đồng lương cũng ngày càng tốt hơn. Những tưởng cuộc sống của Lư Thị Luyến sẽ gắn bó với xí nghiệp, nhà xưởng, với chiếc máy may, nhưng sau gần một năm đi - về khu trọ, cô suy nghĩ “chẳng lẽ cả cuộc đời mình cứ quẩn quanh mãi như thế?”. Thế là cô gái trẻ ấy quyết định phải thay đổi. 

Chị Luyến kể: “Lúc tôi rời nhà theo cậu lên thành phố tìm việc, ba má dặn tôi cố gắng để có tương lai. Mà tương lai ở đâu khi tấm bằng phổ thông mình cũng chưa có. Vậy là tôi đăng ký học lại lớp 12”. 

Lư Thị Luyến lội ruộng cắt rau cho người dân khu cách ly - ẢNH: A.QUÝ
Lư Thị Luyến lội ruộng cắt rau cho người dân khu cách ly - ẢNH: A.QUÝ

Sau một năm học, lấy được tấm bằng phổ thông, chị vào học kỹ thuật viên xét nghiệm đa khoa hệ trung cấp, đồng thời theo học cử nhân luật. Buổi sáng  Luyến đến trường trung cấp học nghề, trưa về đi làm thêm kiếm tiền, tối lại vào lớp đại học và nghĩ về một tương lai xán lạn. 

Lấy được tấm bằng nghề, chị mừng rỡ mang đi xin việc làm. Trong lúc gửi hồ sơ xin việc vào nhiều nơi chưa có kết quả, phải đi làm tạp vụ, nấu cơm kiếm sống, thì tháng 4/2019, chị Luyến nghe ở P.4, Q.6 đang thiếu cán bộ Hội Phụ nữ bán chuyên trách. Thế là cô liên hệ xin vào thử việc với tư thế một tình nguyện viên. Vừa làm, vừa học, chị ngày càng mê say công việc mang nhiều ý nghĩa xã hội. Nhìn thấy được sự tháo vát và tiềm năng ở Luyến, lãnh đạo phường đã cử cô đi học nghiệp vụ công tác Hội. 

“Khi có việc cần cho dân, cô ấy không ngần ngại”

Những ngày TP.HCM bùng phát dịch COVID-19 là những ngày cô Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ P.4, Q.6 Lư Thị Luyến phải di chuyển như con thoi giữa các con hẻm trong phường để vừa tuyên truyền phòng, chống dịch, vừa nắm bắt tình hình đời sống của bà con nhân dân, rồi chuyền cơm, tiếp tế thực phẩm…

Phường 4 nơi chị Luyến đang công tác là một trong những đơn vị có phong trào hoạt động Hội rất mạnh. Trong tháng Năm và Sáu, khi phường 4 chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, Hội Phụ nữ phường đã phối hợp bếp ăn Bông Sen và nhóm thiện nguyện của cô Ứng Thị Liên (tiểu thương chợ Bình Tây) đi vận động lương thực, thực phẩm để ủng hộ những khu bị cách ly, phong tỏa ở các quận, huyện khác như Gò Vấp, Tân Phú… Nhưng khi dịch tràn về, P.4, Q.6 cũng đối diện với không ít khó khăn. Đến cuối tháng Bảy, 23 con hẻm trên địa bàn phường bị cách ly. Bếp ăn Bông Sen, ban đầu, mỗi ngày nấu vài chục suất, đã tăng dần lên hơn 120 suất ăn mỗi ngày. 

Cùng với các đoàn thể, chính quyền địa phương, chị Luyến và cả tập thể Hội Phụ nữ phường tất bật với việc vận động tiền, quà chỗ này đem trao tặng chỗ kia; vận động, điều phối dân khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm ngừa; hỗ trợ các lực lượng phòng, chống dịch…

Với những người yêu mến, mê say công tác xã hội, những ngày chống dịch đã và đang diễn ra chắc chắn sẽ là những ngày không thể quên. Với riêng chị Luyến, hai ngày đầu thành phố thực hiện lệnh “giới nghiêm” (từ ngày 26/7) sẽ là hai ngày đáng nhớ. Trong hai ngày ấy, bà con không ai tìm mua đâu được bó rau. Nhấp nhổm hơn hai ngày trời, đến trưa 29/7, chị rủ anh Quý - một tình nguyện viên của bếp ăn Bông Sen - đi tìm rau, chị Luyến nhớ lại: “Theo chỉ dẫn của người dân, từ Lò Gốm, hai anh em đi băng qua Q.7, Q.8, theo Quốc lộ 50 đi hết H.Bình Chánh, dự định xuống Long An kiếm rau mua. Nhưng tỉnh Long An chặn lại, không cho vào. Trên đường về, hai anh em chạy dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh thì thấy có ao rau muống mênh mông, một nông dân đang dầm mình cắt rau. Thế là tôi dựng xe chạy xuống ruộng hỏi chuyện”.

Lư Thị Luyến tham gia làm công việc của Hội mỗi ngày
Lư Thị Luyến tham gia làm công việc của Hội mỗi ngày

Khi biết câu chuyện chị Luyến và anh Quý đi tìm rau mua, ông Phan Hồng Phương - chủ ao rau muống tại tổ 119, ấp 2A, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh - tuyên bố cái rụp: “Mua bán gì, để tui cắt cho cô cậu mang về giúp dân!”. Vậy là ông lội xuống ruộng cắt rau. Một cách tự nhiên, chị Luyến cũng xắn quần áo, lội xuống ruộng cắt rau với ông Phương...

Tối hôm ấy, 23 con hẻm bị phong tỏa của phường, hộ nào cần đều nhận được một bó rau muống xanh tươi. Chị Luyến nói: “Sinh ra ở miền Tây nhưng từ nhỏ đến lớn tôi có bao giờ biết lội ruộng đâu! Lúc đó chỉ nghĩ, mình đang cần rau, rau đang có rất nhiều, chú Phương lại cho không… Ai lại để chú ấy cắt một mình… Thế là tôi lội xuống ruộng. Lát sau, anh Quý cũng lội xuống phụ luôn…”.  

Về câu chuyện ấy, bà Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - khẳng định: “Không phải chỉ hôm ấy đâu. Khi có việc cần cho dân là cô cán bộ Hội này của chúng tôi đều không ngần ngại”. 

Diễm Chi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI