Cô bé tuổi teen làm Thủ tướng trong... 1 ngày

11/10/2020 - 07:43

PNO - Nếu trở thành Thủ tướng trong một ngày, bạn sẽ làm gì? Với cô bé tuổi teen người Phần Lan thì nâng cao nhận thức của mọi người về bình đẳng giới là ưu tiên hàng đầu của cô khi đảm nhận vị trí quan trọng này.

Cô bé Aava Murto đến từ một ngôi làng nhỏ ở phía Nam đất nước Phần Lan vừa có được một vinh dự lớn - làm Thủ tướng trong một ngày. Đây là sáng kiến toàn cầu mang tên “Trao quyền cho trẻ em gái – Girls Takeover” do Plan International, một tổ chức quốc tế về Quyền trẻ em, phát động nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái của Liên Hiệp Quốc được tổ chức vào ngày 11/10 hàng năm.

Và chương trình làm việc chính thức trong ngày của “nữ Thủ tướng tuổi teen Aava Murto” là tập trung thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ cũng như giải quyết vấn đề xâm hại trẻ em gái trên môi trường mạng.

Nữ thủ tướng 16 tuổi Aava Murto đang phát biểu trong cuộ họp báo hôm 7/10 tại thủ đô , Phần Lan. Ảnh: Heikki Saukkomaa/Lehtikuva/AP
"Nữ Thủ tướng 16 tuổi" Aava Murto đang phát biểu trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm 7/10 tại thủ đô Helsinki, Phần Lan - Ảnh: Heikki Saukkomaa/Lehtikuva/AP

Nữ Thủ tướng trong một ngày

“Trẻ em gái tham gia vào lĩnh vực công nghệ là một chủ đề lớn, mang tính toàn cầu đối với vấn đề bất bình đẳng giới; vì vậy, cần được quan tâm một cách nghiêm túc”, "Thủ tướng tuổi teen Murto" đã phát biểu như vậy trong phiên làm việc với các thành viên chính phủ và những nhà làm luật thuộc Quốc hội Phần Lan.

“Nữ Thủ tướng” Murto 16 tuổi và nữ Thủ tướng đương nhiệm Marin 34 tuổi cũng đã cùng nhau thảo luận về việc làm thế nào để một đất nước với 5,5 triệu người dân đam mê công nghệ như Phần Lan có thể thúc đẩy để góp phần giúp trẻ em gái trên phạm vi toàn cầu được thụ hưởng những thành quả mà công nghệ mang lại.

Ưu tiên của Murto là thúc đẩy sự tham gia của trẻ em gái vào lĩnh vực công nghệ nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới - Ảnh: Heikki Saukkomaa/Lehtikuva/AP
Ưu tiên của Murto là thúc đẩy sự tham gia của trẻ em gái vào lĩnh vực công nghệ nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới - Ảnh: Heikki Saukkomaa/Lehtikuva/AP

“Những nỗ lực cho công cuộc bình đẳng giới sẽ bị tụt lại phía sau nếu trẻ em gái bị tước đi cơ hội tham gia và phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Trẻ em, cả gái và trai, đều được quyền bình đẳng trong thừa hưởng một tương lai kỹ thuật số”, cô bé Murto khẳng định.

Trong một đoạn video được phát trên kênh Youtube chính thức của chính phủ Phần Lan hôm 7/10, Murto phát biểu: “Thực tế cho thấy, trẻ em gái ở các quốc gia đang phát triển thường bị gạt ra bên lề đối với việc tiếp cận công nghệ thông tin và các kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật số khiến các em mất đi cơ hội hưởng thụ một tương lai an toàn và tốt đẹp”.

Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, có hơn 90% loại hình công việc trong tương lai đòi hỏi phải có các kỹ năng nâng cao trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số. Và vì vậy, với việc bị hạn chế trong tiếp cận khoa học công nghệ sẽ khiến trẻ em gái ở các nước nghèo và đang phát triển phải chịu nhiều thiệt thòi.

Trẻ em gái với nguy cơ cao bị xâm hại trên mạng xã hội

“Nạn quấy rối trẻ em gái trên môi trường mạng cũng là một vấn đề nghiêm trọng đang xảy ra trên khắp thế giới”, cả 2 nữ nguyên thủ đến từ Phần Lan nhấn mạnh như vậy trong một thông cáo chung.

“Nữ thủ tướng” Murto (trái) và nữ thủ tướng đương nhiệm Marin (phải) đang trao đổi cùng nhau về chủ đề bảo vệ trẻ em gái - Ảnh: Instagram của thủ tướng Phần Lan Sanna Marin
“Nữ Thủ tướng” Murto (trái) và nữ Thủ tướng đương nhiệm Marin (phải) đang trao đổi cùng nhau về chủ đề bảo vệ trẻ em gái - Ảnh: Instagram Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin

Một kết quả thống kê toàn cầu mới đây do Plan International thực hiện cho biết, có gần 60% trẻ em gái đã từng bị quấy rối khi tham gia mạng xã hội. Tình trạng này xảy ra cả với những trẻ gái chỉ mới 8 tuổi.

Những nền tảng mạng xã hội mà trẻ em gái thường bị tấn công nhiều nhất chính là Facebook, Instagram và WhatsApp.

Các nguy cơ phổ biến mà trẻ em thường phải đối mặt khi sử dụng mạng xã hội là: tin nhắn gạ gẫm, dụ dỗ chụp ảnh khiêu dâm rồi phát tán, nói chuyện khiêu dâm qua mạng… 1/2 trẻ em gái cho biết đã từng bị đe dọa tấn công tình dục hoặc bạo lực thể chất khiến các em cảm thấy lo lắng và không an toàn.

Trẻ em gái đang đối mặt với nhiều nguy cơ khi tham gia mạng xã hội - Ảnh minh họa
Trẻ em gái đang đối mặt với nhiều nguy cơ  bị quấy rối khi tham gia mạng xã hội (Ảnh minh họa)

“Đã đến lúc cần phải chấm dứt tệ nạn này. Trẻ em gái không nên là nạn nhân của quấy rối trên mạng khiến các em bị tước đi quyền sử dụng internet chỉ vì phải đối mặt với những loại tội phạm không khác gì trên đường phố”, bà Anne-Birgitte Albrectsen, Giám đốc điều hành Plan International kêu gọi.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 14.000 trẻ em gái và nữ thanh niên có độ tuổi từ 15 – 25 thuộc 22 quốc gia.

Ngày 19/12/2011, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố lấy ngày 11/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về các quyền của trẻ em gái cũng như những trở ngại đặc biệt mà các em gặp phải trên thế giới.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái nhấn mạnh sự cần thiết phải loại bỏ những thách thức mà các trẻ em gái đang đối mặt, thúc đẩy việc trao quyền cho trẻ em gái và tôn trọng quyền của các em.

Nguyễn Thuận (theo AP, Reuters, Fox News)
 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI