Cô bé phụ bán cơm nuôi ước mơ thành cô giáo

23/08/2019 - 13:27

PNO - Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà khang trang, tổ ấm của gia đình em Lai Thị Thùy Trang (học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu), ở đường Diên Hồng P.1, Q.Bình Thạnh chỉ chưa tới 26m2, vừa đủ kê một chiếc giường và bàn học.

Hôm tôi ghé, Trang đang bưng thau nước vô nhà ngâm chân cho bà nội. Thấy khách, bà Nguyễn Thị Bé, 78 tuổi, giọng run run: “Con bé này cực lắm cô à. Sáu tuổi đã theo ba má đi bán cá, phụ người ta nướng sườn, rửa chén, chẳng nghỉ ngày nào. Quần áo nó đều của bạn cho”.

Năm 2019 là năm thứ bảy Trang nhận học bổng của Báo Phụ Nữ TP.HCM. Trước đó, chị của Trang, Lai Thị Thùy Khanh - hiện làm điều dưỡng - cũng từng được báo tiếp sức.

Năm cuối cấp III, xác định theo ngành sư phạm tiếng Anh, Trang mượn nhiều bộ từ điển, tài liệu ôn thi TOEIC, IELTS của bạn về tự học. Trang cũng nhờ chị kèm thêm. Trang nói, thầy cô và những nhà hảo tâm đã hỗ trợ em rất nhiều, từ tập sách, học phí đến những lời an ủi chân tình. Đó là lý do Trang muốn mai này được cầm phấn đứng trên bục giảng.

“Nội là người cầm tay tập viết chữ cho em. Má em không biết chữ. Má làm quần quật, người lúc nào cũng ngửi ra mùi cá. Dù vậy, chưa bao giờ em nghe má than, ngược lại, bà luôn giữ thái độ sống lạc quan, quả quyết cực mấy cũng không bắt con bỏ học. Em thấy mình may mắn được lây bệnh lạc quan của má, của nội”, Trang bộc bạch.

Co be phu ban com nuoi uoc mo thanh co giao
Những lúc ở nhà, Thùy Trang kề cận chuyện trò, chăm sóc bà nội

Ba má Trang bán cá ở Q.Phú Nhuận, 3g sáng đã rời nhà. Chị hai đi làm, bé út còn nhỏ, cơm nước, nhà cửa, chăm sóc nội đều do Trang cáng đáng. Đâu chỉ có vậy, cô nữ sinh 17 tuổi này còn làm trăm việc không tên, tích cóp từng đồng trang trải chi phí học hành.

Từ năm lớp Bốn, Trang phụ bán cơm tấm ở quán cô Ba Oanh chợ Bà Chiểu. Trong năm học, Trang bán ngày cuối tuần. Riêng hai tháng hè, ngày của em bắt đầu từ 5g30 sáng, đứng nướng sườn, bưng bê cơm tới giữa trưa. Mỗi buổi phụ bán cơm, Trang được tiền công 50.000 đồng và bữa ăn sáng.

Mấy dịp lễ, tết, em đón xe lên chợ Hồ Thị Kỷ mua nguyên liệu làm hoa giấy bán, phụ má cạo cá thác lác bỏ mối... Trang nói em không có khái niệm nghỉ ngơi. Những gì đang làm giúp Trang thấu hiểu giá trị lao động, sự sẻ chia giữa người với người trong cảnh khó. Cô Ba Oanh dặn nếu khách là các cụ già bán vé số, thu gom ve chai hay em bé mồ côi thì lấy tiền đĩa cơm ít hơn giá bình thường. Theo ba má ra chợ, Trang hiểu nhọc nhằn đời buôn thúng bán bưng. Làm hoa giấy cho em niềm vui sáng tạo.

Nhà Trang xây từ lâu, vì thấp quá nên nước ngập triền miên. Mới đây, ba em xây một bậc chắn đằng trước cho nước bớt tràn vô. Ngôi nhà trong hẻm, nghèo vật chất, nhưng ấm áp bởi tình thương. Bà Bé kể rằng, từ ngày Trang học tiểu học, cứ đầu cấp là mua đồng phục rộng thùng thình để mặc suốt tới cuối cấp. Trưởng thành trong thiếu thốn như vậy, song kết quả học tập của Trang luôn ấn tượng, là học sinh giỏi nhiều năm liền.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI