|
Bé Vũ Tuệ Nhi (bìa trái) đang cùng mẹ và em gái chuẩn bị một bữa cơm |
Tình yêu bếp núc được truyền qua nhiều thể hệ
Phóng viên: Một câu hỏi rất hàn lâm: “Bạn dạy con như thế nào?”.
Chị Nguyễn Quỳnh Hoa: Kỹ năng sống rất quan trọng. Tôi dạy con không phải để bản thân được nhàn hạ, sung sướng mà vì chính con sau này. Tôi muốn khi con bước ra đời sẽ biết tự chăm sóc bản thân mình chu đáo, biết quan tâm và sống có trách nhiệm với tập thể. Thế nên, con cần được học về kỹ năng sống ngay từ khi bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh.
Đối với kỹ năng tự chăm sóc bản thân, tôi bắt đầu dạy con từ những kiến thức như rèn nếp tự ăn, tự ngủ, tự vệ sinh thân thể. Đến hai tuổi, thời điểm vàng khi trẻ bắt đầu bộc lộ sự yêu ghét, thích khám phá đồ vật trong nhà cũng như có khả năng cầm vững được đồ vật, chúng ta hoàn toàn có thể dạy con làm những việc nhà đơn giản.
* Làm sao để phát hiện ra một đứa trẻ đặc biệt yêu thích một điều gì đó? Với con chị, yêu bếp là tự nhiên hay nhờ mẹ truyền sang con?
- Từ khi mới sinh ra, Tuệ Nhi đã thường nằm trên xe nôi theo mẹ vào bếp. Có lẽ trong tiềm thức, bé luôn thấy hình ảnh mẹ ở trong bếp làm bánh, nấu ăn. Đến lúc hai tuổi, bé bắt đầu thích khám phá, thường tò mò tỏ ý muốn làm chung và hay thắc mắc về các nguyên vật liệu mỗi khi mẹ nấu ăn. Vậy là tôi bắt đầu từ những việc nho nhỏ như cầm tay hướng dẫn con cắt thái; dạy bé nạo củ khoai, nhặt rau, vo gạo…
Tôi thấy bé rất hào hứng, vui vẻ khi bắt đầu những thử thách nho nhỏ mà mẹ dạy cho. Thường trò chuyện, quan sát mọi hành động của con, tôi thấy bé có sự yêu thích đặc biệt với các bộ môn thủ công, nhất là nấu ăn. Là một người mẹ có đam mê nấu nướng, tôi nghĩ mình đã “truyền lửa” cho con như cách mà mẹ tôi đã làm. Tình yêu bếp núc có lẽ đã được hình thành trong gia đình tôi qua nhiều thế hệ.
* Với Tuệ Nhi, bạn tập trung dạy con nấu ăn hay dạy cho con niềm yêu thích bếp?
- Khi dạy cho con chuyện bếp núc, tôi chỉ đơn giản muốn con học được kỹ năng sống, biết chăm sóc bản thân chu đáo. Tuy nhiên, niềm yêu thích cũng hình thành từ những thói quen tập luyện.
|
Một mâm cơm thường ngày của cô đầu bếp tám tuổi |
Con đã làm tốt hơn những gì con mong đợi
* Để một cô bé nhỏ xíu có thể tự chuẩn bị một bữa ăn tươm tất như thế, bạn đã trải qua hành trình như thế nào?
- Đến giờ này, con tôi có thể đứng bếp nấu được gần 40 món ăn Việt, Nhật. Tự nấu cho bản thân một cách độc lập là một quá trình dài của cả hai mẹ con. Tôi vẫn nhớ khi 20 tháng tuổi, con cầm chiếc dao nạo muốn giúp mẹ nạo củ khoai tây thì ông bà nội cản, không cho con cầm dao. Vậy nhưng tôi tin con có thể làm được khi hiểu rõ về những rủi ro. Thế là tôi ngồi cùng con, cầm tay con dạy cách bào vỏ trái dưa leo trước. Con rất thích thú nên sau khi mẹ giải thích rõ ràng, con đã gạt tay mẹ ra, tự cầm dao bào vỏ dưa leo. Đôi bàn tay nhỏ xíu dù còn vụng về đã bào rất từ tốn, kiên nhẫn.
Sau đó, tôi bắt đầu dạy con cách gọt trái cây mềm bằng loại dao dành cho trẻ em. Vì đã được dạy cách dùng dao trên bàn ăn khi tập ăn dặm nên quá trình học cắt thái của con không quá khó khăn. Tôi chỉ cho con từng động tác nhỏ và luôn đứng bên cạnh quan sát, giúp con xử lý những tình huống rủi ro. Thật vui vì con chưa từng bị đứt tay ngay cả khi dùng dao của người lớn sau này. Quá trình con học nấu ăn cũng rất nhanh. Con thường quan sát mẹ rồi ghi nhớ và làm theo. Con vào bếp rất tập trung nên chưa hề xảy ra đổ vỡ hay cháy hỏng khi nấu nướng. Về điều này, con đã làm tốt hơn những gì tôi mong đợi.
Hiện tại, Tuệ Nhi đã hoàn toàn tự làm được nhiều việc nhà như giặt, phơi, gấp quần áo, lau dọn nhà cửa, nấu ăn, tự đi học và học bài. Ngoài ra, con có thể làm bánh, cắm hoa, trồng cây và tự làm các món đồ chơi thủ công. Tôi thấy con cứng cáp, năng động và chủ động trong mọi việc.
|
Tuệ Nhi thích tự tay lựa chọn nguyên liệu chuẩn bị cho bữa ăn gia đình |
* Môi trường sống hiện tại của bạn có quá khác biệt với các bà mẹ Việt? Hay câu chuyện dạy con thì dù ở môi trường nào cũng giống nhau?
- Tôi cho rằng dù ở môi trường nào thì cũng phải dạy trẻ mới biết. Trẻ đang ở tuổi ham khám phá, dễ chán, dễ từ bỏ chứ khó kiên trì đến cùng như người lớn; thậm chí đang làm cái này bé có thể tò mò đòi làm cái khác. Thế nên người mẹ phải thật kiên nhẫn, thật bình tĩnh để giải thích cho con hiểu từng chút một. Tôi đã phải lặp lại mỗi việc nhỏ rất nhiều lần để tạo thành phản xạ cho con. Bên cạnh đó, sự cổ vũ, khích lệ của người mẹ cũng rất quan trọng.
Trước mỗi việc nhỏ con làm, tôi đều rất vui, thường vỗ tay khen con, từ đó khiến con thích thú, hào hứng hơn khi vào bếp. Tôi cũng đặt niềm tin vào con, để con tự do sáng tạo và quyết định trong hành động chứ không chỉ đơn thuần dạy con theo ý mình. Sự tôn trọng trước quyết định của con đã giúp con tự tin nấu những món ăn ngon mà không cảm thấy bị gò bó hay có áp lực. Tôi luôn nói với con rằng: “Mẹ con mình cùng vào bếp bày đồ hàng nhé! Mình tập chơi nên con cứ chơi thỏa thích đi”, vậy là con vui vẻ làm việc nhà với mẹ ngay.
* Với bạn, việc dạy con dường như không quá vất vả?
- Tôi thấy rằng nuôi và dạy con là một hành trình nhiều thử thách nhưng mang lại không ít niềm vui cho cha mẹ và con cái. Trong quá trình dạy con, tôi cũng không gặp nhiều khó khăn vì bé rất hợp tác. Mỗi độ tuổi, đứa trẻ sẽ có cách tiếp nhận kiến thức khác nhau. Bằng cách kiên nhẫn lặp lại những lời dạy của mình, người mẹ sẽ giúp con hình thành những thói quen tốt, ý thức tốt. Tôi rất vui vì không những tiếp thu những gì mẹ dạy mà con còn tìm tòi, tự học trong sách hay trên YouTube rồi làm theo, thu được kết quả rất tốt.
Chị Nguyễn Quỳnh Hoa: Để hiểu con, tôi làm bạn chứ không làm mẹ "Thế giới nội tâm của trẻ giống như một cuốn sách, cha mẹ cần đọc bằng cả tấm lòng mới có thể hiểu hết cảm xúc của trẻ. Sự thấu hiểu của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cả thể lực và trí lực của con. Vì thế, hiểu con là công cụ hữu hiệu nhất để cha mẹ nắm bắt được những khó khăn, từ đó giúp đỡ con vượt qua trở ngại trong mỗi giai đoạn phát triển. Thông thường, cha mẹ trách mắng con phần lớn vì trẻ không làm theo mong muốn của mình. Vậy nhưng, nếu hiểu con, cha mẹ sẽ cởi bỏ áp lực, có sự thông cảm, kết nối với con. Để hiểu con, tôi dành thời gian nói chuyện với con mỗi ngày, quan tâm đến những thay đổi của con, cùng con chơi, cùng con trải nghiệm cuộc sống. Để hiểu con, tôi làm bạn chứ không làm mẹ, tôi tôn trọng chính kiến, cho con quyền đưa ra ý kiến trong gia đình. Để hiểu con, tôi cũng luôn tìm hiểu những xu hướng trẻ, không làm mình lạc hậu, luôn giữ tinh thần vui tươi, trẻ trung, đôi khi sẵn sàng mơ mộng như trẻ con." |
Lan Khôi (thực hiện)