Có bất thường khi shipper giả nắm rõ thông tin đơn hàng của Viettel Post?

23/02/2025 - 07:35

PNO - Tình trạng giả danh người giao hàng (shipper) để lừa đảo không giảm mà ngày càng gia tăng với các chiêu trò ngày càng tinh vi hơn.

Người dùng mạng xã hội những ngày qua thể hiện nghi vấn Viettel Post có thể làm lộ thông tin khách hàng, vì kẻ gian đã sử dụng thông tin chi tiết về đơn hàng của đơn vị này để lừa đảo.

Chị Thu Thảo (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, chị vừa nhận được thẻ tín dụng từ ngân hàng H. qua đường bưu điện của Viettel Post. Nhân viên giao hàng yêu cầu chị chụp ảnh CCCD và ký tên lên bì thư đựng thẻ để xác nhận theo quy định của ngân hàng.

Vài ngày sau, chị Thảo nhận được cuộc gọi từ một số lạ, người gọi tự xưng là nhân viên Viettel Post. Họ thông báo rằng ảnh CCCD chị cung cấp trước đó bị mờ, không được ngân hàng chấp nhận, và yêu cầu chị cung cấp lại số CCCD.

Khách mua hàng online tiếp tục bị lừa bởi nạn giả danh người giao hàng
Khách mua hàng online tiếp tục bị lừa bởi nạn giả danh người giao hàng - Ảnh nạn nhân cung cấp.

Nghi ngờ người lạ, chị Thảo yêu cầu người này đến gặp trực tiếp để xác nhận danh tính. Tuy nhiên, người này từ chối, giải thích rằng: "12 giờ trưa nay, bên em phải hoàn tất thủ tục cung cấp cho ngân hàng, không kịp đến gặp chị. Nếu chị không hỗ trợ, em sẽ bị trừ nửa tháng lương. Gia đình em đang gặp khó khăn, mong chị thông cảm. Em chỉ xin số CCCD, không có ý định lừa đảo".

Người này đề nghị sẽ nhờ "sếp" dùng số tổng đài Viettel Post gọi điện xác nhận với chị Thảo. Tuy nhiên, cuộc gọi sau đó lại đến từ một số máy lạ, không phải tổng đài Viettel Post như chị biết. Người gọi vẫn yêu cầu chị cung cấp CCCD. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, chị Thảo tắt máy, nhưng đối tượng này vẫn tiếp tục gọi điện nhiều lần.

Chị Tuyết Vi (quận 3, TPHCM) chia sẻ rằng chị đã nhận được hàng từ nhân viên Viettel Post. Tuy nhiên, ngày hôm sau, chị nhận được 2 cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên Viettel Post, thông báo đơn hàng của chị gặp vấn đề và yêu cầu xác minh thông tin. Những người này đọc chính xác số tiền, tên cửa hàng, sản phẩm và mã vận đơn, khiến chị Vi ngạc nhiên. “Vì đã nhận được hàng, tôi tin chắc đây là cuộc gọi lừa đảo,” chị Vi nói.

Hàng loạt nạn nhân đăng bài viết chia sẻ
Hàng loạt nạn nhân đăng bài viết chia sẻ về việc mình bị lừa - Ảnh nạn nhân cung cấp.

Nhiều khách hàng khác đã trở thành nạn nhân của chiêu trò này, đặc biệt là khi hàng hóa đang trong quá trình vận chuyển. Chị Nguyễn Ngọc Châu (quận 7, TPHCM) kể lại rằng kẻ lừa đảo đã biết được thông tin chị sắp nhận hàng từ Viettel Post và gọi điện, nhắn tin thúc giục chị chuyển tiền thanh toán. “Vì người nhà báo đã nhận hàng, tôi tin tưởng và chuyển tiền cho chúng. Sau đó, khi nhân viên Viettel Post thật sự gọi điện yêu cầu thanh toán, tôi mới nhận ra mình đã bị lừa,” chị Châu cho biết.

Nhiều người không để ý đã bị các đối tượng lừa - Ảnh nạn nhân cung cấp
Nhiều người không đề phòng đã bị các đối tượng lừa - Ảnh nạn nhân cung cấp

Trước thực trạng này, mới đây, Viettel Post đã phát đi cảnh báo đến khách hàng. Đơn vị này khẳng định luôn đặt bảo mật thông tin khách hàng là ưu tiên hàng đầu, hệ thống luôn được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, tuần thủ các tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt nhằm bảo vệ tuyệt đối dữ liệu của người gửi và người nhận.

Viettel Post khuyến cáo khách hàng cần thận trọng với các cuộc gọi từ số lạ và không cung cấp thông tin cá nhân nếu có dấu hiệu nghi vấn. Để chủ động bảo vệ thông tin, khách hàng có thể kiểm tra tình trạng đơn hàng tại ứng dụng, xác thực bưu tá giao hàng và nhận thông báo chính thức từ hệ thống. “Khách không chia sẻ số điện thoại hoặc thông tin cá nhân trên các nền tảng công khai, đặc biệt khi tham gia mua sắm qua live stream hoặc trên mạng xã hội. Khách hàng có thể gửi tin nhắn riêng đến chủ shop hoặc chọn chế độ ẩn thông tin chỉ có chủ shop đọc được. Đối với khách hàng là người gửi, đặc biệt là các shop bán hàng trực tuyến cần sử dụng ứng dụng Viettel Post để tạo đơn hàng thay vì các công cụ trung gian của bên thứ ba nhằm hạn chế rủi ro lộ dữ liệu” – đại diện Viettel Post cho biết.

Trong tháng 1/2025, hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin đã phát hiện 72 website giả mạo thương hiệu nhằm mục đích lừa đảo trên không gian mạng.

Với việc phát hiện thêm 72 website giả mạo, lừa đảo trong tháng 1/2025, lũy kế đến nay, số lượng địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức trong cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia đã lên tới gần 125.600 địa chỉ.

Trong số 72 website mới được phát hiện, có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử và công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao Hàng Nhanh; 16 website giả mạo các thương hiệu lớn như Facebook, Telegram, TikTok, VinGroup, Viettel, VNG; 15 trang giả mạo website cơ quan, tổ chức nhà nước; và 11 website giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Trong năm 2024, thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra đến 18.900 tỉ đồng. Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty NCS, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia – cho biết, số tiền thu được từ lừa đảo quá lớn nên trong thời gian tới các đối tượng sẽ tiếp tục tìm cách tấn công người dùng. Các hình thức lừa đảo sẽ biến thể liên tục; có những hình thức rất tinh vi nhưng cũng có những hình thức rất đơn giản mà vẫn nhiều người mắc phải.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI