|
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn sáng 7/6 |
Sáng 7/6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt.
ĐBQH Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi, đến nay đã có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đã đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, có bao nhiêu đề tài mang lại hiệu quả thiết thực?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội và Chính phủ đã cân đối bố trí kinh phí cho ngành KH-CN. Sau đó, ông đi vào phân tích một số số liệu liên quan tới chi phí dành cho ngành.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cần trả lời thẳng vấn đề đại biểu chất vấn. "Đại biểu hỏi có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học đã ứng dụng được, bao nhiêu đề tài đang để ở trong "ngăn kéo"" - Chủ tịch Quốc hội nhắc lại câu hỏi.
Sau khi được "nhắc nhở", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, hoạt động KH-CN có nhiều tính đặc thù, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn. Do đó, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là cần xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học.
|
ĐBQH Lê Thanh Vân đặt câu hỏi về tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay |
Vừa qua, theo Bộ trưởng, các kết quả nghiên cứu đã giúp xếp hạng các trường đại học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đó là một kết quả đáng khích lệ của ngành khoa học, đổi mới sáng tạo.
Dù vậy, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận tồn tại trong việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay. Theo đó, các đề tài nghiên cứu có rủi ro và có độ trễ khi thực hiện, không phải đề tài nghiên cứu nào cũng có thể chuyển giao và đưa vào ứng dụng ngay. "Công tác chuyển giao, thương mại hóa, đưa vào ứng dụng không phải nhiệm vụ chính của các nhà khoa học. Đó là nhiệm vụ của các đơn vị trung gian, kết nối giữa các trường, các viện và doanh nghiệp" - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Bộ trưởng chia sẻ, Nhà nước có tạo cơ chế, chính sách để ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao từ nhà trường, nghiên cứu ra ngoài xã hội. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc, như Nghị định 70 về quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ... Tới đây, Bộ KH-CN sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi các quy định pháp luật để nâng cao tính ứng dụng trong hoạt động nghiên cứu.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết sẽ có thống kê cụ thể hơn về tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học để báo cáo đại biểu Quốc hội.
M.Quang