Có bạn trai, má như... thiếu nữ tuổi ẩm ương

30/03/2017 - 10:04

PNO - Hàng xóm xầm xì má tôi kết bác Tư. Tôi rất ngại trước những lời bàn tán nhưng thấy tinh thần má vui vẻ, sắc mặt hồng hào, nên tặc lưỡi cho qua.

Sau cơn tai biến nhẹ, phát âm khó khăn nên má tôi rất ngại nói. Tôi hay hỏi chuyện này chuyện kia để khơi lại ký ức của má và giúp má tập phát âm nhưng nhiều lần tôi dỗ dành thế nào má cũng không lên tiếng.

Co ban trai, ma nhu... thieu nu tuoi am uong
 

Trong việc dụ bà ngoại, hóa ra bé Nhím giỏi hơn mẹ nhiều. Bà ngoại chỉ ly nước, ra hiệu cho Nhím, Nhím ra điều kiện ngược lại: “Ngoại nói đúng tên cái gì con mới lấy”. Nhím còn chủ động bày đồ dùng học tập ra bàn, rủ rê: “Ngoại đọc tên mấy thứ này để con ghi lại, nộp cho cô”. Nhờ mấy trò chơi của Nhím, má phát âm rõ dần.

Nhà tôi hay uống nước dừa nên có mối quen giao tận nhà là bác Tư. Một bữa, thấy tôi tập vật lý trị liệu cho má, bác Tư đang loay hoay chặt dừa chợt nói với má: “Chị sướng thiệt, có con cái hiếu thảo”. Má mời bác ăn bánh bao, bác gói lại, nói mang về cho cháu nội. Cũng thân thiết nên bác kể với má, trước đây bác cũng có nhà, có tiệm tạp hóa ngon lành.

Vì thằng con lớn bị suy thận, rồi hai đứa con kế dính vào ma túy, bác phải bán nhà. Mấy năm trước vợ bác mất, đứa con suy thận cũng qua đời. Hai thằng con nghiện thì mấy năm nay không thấy về, bác dọn ra ở gầm cầu, nhường phòng trọ cho con dâu và cháu nội.

Nghe chuyện bác Tư, má tôi thở dài: “Tội quá!”. Từ đó, có món gì ngon là má dặn tôi để dành cho bác; còn bảo tôi mua quần áo cho cháu nội bác. Chồng tôi cảnh giác: “Coi chừng má bị lừa, kịch bản này hơi bị… quen”. Nhưng mấy lần ngang qua gầm cầu chỗ bác Tư tá túc, nhìn “căn nhà” chắp vá bằng những mảnh ni lông, tôi tin những gì bác kể.

Má tôi và bác Tư có vẻ hợp nhau, thường say sưa chuyện Đông Tây kim cổ, có khi má quên luôn giờ ngủ trưa, bác Tư thì quên xe dừa còn đầy ụ. Má tôi rất kén ăn nhưng có lần tôi thấy má ăn ngon lành gói xôi đậu gói trong lá sen bác Tư mang tới. Ngày nào không đi bán là bác rủ má tôi ra công viên đi dạo.

Co ban trai, ma nhu... thieu nu tuoi am uong
 

Hàng xóm xầm xì má tôi kết bác Tư. Tôi rất ngại trước những lời bàn tán nhưng thấy tinh thần má vui vẻ, sắc mặt hồng hào, nên tặc lưỡi cho qua. Mấy ngày không thấy bác Tư ghé, má tôi buồn thiu, thậm chí bỏ cả cơm. Người ta nói người già như hóa thành đứa trẻ, nhưng tôi lại thấy má tôi như thành… thiếu nữ đang tuổi ẩm ương! Tôi dỗ dành: “Má ăn hết chén cơm, con sẽ đi tìm bác Tư. Mà con hỏi thiệt, có phải má thương bác Tư rồi không?”. Má nạt: “Điên quá”, nhưng lát sau lại rụt rè: “Vắng ông ấy, má thấy buồn quá”.

Tôi ôm má, không biết nói sao. Chiều hôm ấy bé Nhím chạy vào, tếu táo: “Ngoại ơi, bồ tới, bồ tới”. Má lập cập ra cửa. Bác Tư không đẩy xe dừa như mọi ngày, nói là mấy bữa nay cháu nội nằm bệnh viện. Chiếc xe ba gác bác cột dưới gầm cầu đã bị tịch thu; gầm cầu thì đang bị cày xới để làm bồn hoa.

Bác hỏi tôi có quen ai trên phường, xin lại giùm bác chiếc xe. Tôi bàn với chồng mua cho bác chiếc xe mới, nhưng còn chỗ ở cho bác thì không biết tính sao. Má tôi rụt rè: “Hay là cho bác ở tạm nhà mình?”. Tôi và chồng nhìn nhau, đứng hình.

Thằng Út nghe phong thanh, lập tức về nhà. Gặp tôi, nó sửng cồ: “Bà hay quá ha, tính chuyện gả chồng cho má, còn bắt rể. Má cũng kỳ, ưng ai không ưng lại ưng ông bán dừa”. Rồi nó bàn chuyện đưa má về quê để cắt đuôi “ông già không nên nết”. Nghe vậy, suốt mấy ngày má nằm vùi. Sốt ruột, tôi cầu cứu bác sĩ “có thuốc gì giúp má tôi ăn ngon, má phải kiêng cữ những gì”. Bác sĩ nhẹ nhàng: “Má chị thích ăn gì cứ chiều. Kiêng cữ làm cho bà buồn”.

Tim tôi như nghẹn lại. Thứ má không thích, tôi cứ ép. Thứ má muốn có, tôi lại không cho. Là tôi ích kỷ, làm gì cũng e ngại ngó nghiêng, không nghĩ đến cảm xúc của má. Ba mất sớm, má cực khổ cả đời nuôi chị em tôi, hy sinh cả niềm vui riêng. Tuổi xế chiều, má muốn sống cho bản thân thì có gì sai?

Chồng tôi bàn, sẽ thuê chỗ trọ gần nhà cho bác Tư ở. Tặng bác một số vốn  nhỏ để mua bán thứ khác. Với cái tuổi của bác, xe dừa là quá nặng. Nghe anh bàn, tôi thấy cũng ổn. Mỗi ngày, má có thể ra nhà trọ bầu bạn với bác Tư. Sau này, má và bác muốn cưới nhau, tôi cũng sẽ ủng hộ.

Thằng Út thấy má nằm buồn xo cũng nhượng bộ: “Để em đi kiếm bác Tư thương lượng coi sao. Nhà gái dạm hỏi nhà trai, không biết có kỳ cục quá không”. Tôi dặn: “Nói chuyện với bác Tư phải lựa lời. Cuộc đời còn lại của má trông cậy vào tài ăn nói của em”. Nó làu bàu: “Biết rồi! Má chịu ăn, chịu cười, bắt tui làm gì tui cũng chịu”. Cái thằng thiệt là! Bụng thương má mà cái miệng cứ càm ràm suốt. 

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI