Ai từng sống ở Sài Gòn đều yêu mảnh đất này, ai từng trải qua những cơn thăng trầm của Sài Gòn cũng nhung nhớ da diết một thời hoa lệ ngày xưa. Chính bởi thế nên nhìn poster phim Cô Ba Sài Gòn, ai cũng phải rưng rưng cảm động, sống lại một thời đã qua, ai cũng kỳ vòng về bộ phim nhắc nhớ những kỷ niệm hoa mộng một thời.
Cô Ba Sài Gòn đã không khiến người xem thất vọng, một bộ phim được làm đàng hoàng, chỉn chu, dù chưa thật trọn vẹn nhưng đong đầy cảm xúc.
|
Hình ảnh gợi nhớ về một thoáng Sài Gòn xưa trong Cô Ba Sài Gòn |
Cô Ba Sài Gòn kể về hiệu may áo dài Thanh Nữ, một tiệm áo dài nổi tiếng nhất Sài Gòn bấy giờ, kể về Như Ý cô con gái của nhà may, một cô gái tân thời cũng nổi tiếng nhất trong giới thời trang của thành đô những năm cuối thập niên 1970. Những xung đột giữa cái hiện đại và truyền thống, giữa ước muốn của cha mẹ và mong muốn của con cái. Để rồi rốt lại là bản sắc văn hóa vẫn sẽ trường tồn, ai rồi cũng phải lớn, phải hiểu được cái gì cần cho mình, phải giữ lại cái gì, phải làm như thế nào cho hợp lẽ.
Câu chuyện trong phim không có gì mới, nếu không muốn nói là đã được khai thác rất nhiều, về giữ gìn truyền thống ngành nghề của gia đình, hàng trăm phim đều đã nói chuyện này. Thế nhưng với cách truyền tải rất cảm xúc, rất thoáng đạt, rất hiện đại và cũng rất đột phá, nó dẫn dắt người xem đi vào một “cuộc phiêu lưu” thú vị trong hành trình tìm bản ngã, nó nhẹ nhàng, không lên án nặng nề mà vẫn truyền tải được thông điệp. Ấy chính là cái hay của Cô Ba Sài Gòn mà những phim khác chưa làm được.
Teaser phim Cô Ba Sài Gòn:
Đối thoại với tương lai
Nếu những ai mong chờ được thấy lại Sài Gòn xưa trong suốt cả bộ phim thì có lẽ sẽ thất vọng ít nhiều, vì không gian 1969 chỉ được tái hiện lại ở đoạn đầu và đa số là nội cảnh, còn những cảnh bên ngoài là được lồng ghép với những thước phim tài liệu. Tất nhiên, đoàn phim cũng không thể nào dựng lại được khung cảnh Sài Gòn xưa để cho mãn nhãn được, làm cái đó có khi kinh phí lên đến trăm tỷ cũng chưa biết có làm được không. Tuy vậy, dù ít ỏi nhưng nó vẫn mang đến hiệu ứng nhất định, nhắc nhớ về một thời Sài Gòn mộc mạc nhưng hào hoa như thế.
|
Những hình ảnh mang chất cổ điển chỉ chiếm khoảng 1/3 thời lượng phim |
Có thể dễ dàng nhận thấy, dù đoạn đầu phim là không khí Sài Gòn xưa, nhưng nhịp phim khá chậm và thiếu sinh khí, thiếu điểm nhấn cũng như nút thắt cho cái gọi là “nổi loạn” của cô ba Như Ý. Bên cạnh đó lối diễn cường điệu hóa của Lan Ngọc cũng dễ khiến người xem bị mệt. Tuy nhiên, phim bắt đầu thay đổi rất nhanh khi “xuyên không” về lại thời hiện đại. Nhịp phim nhanh hơn, bất ngờ hơn, chặt chẽ hơn, mới lạ hơn.
Để giải quyết xung đột về truyền thống và hiện đại trong cô ba Như Ý, cũng như để “khai sáng” cho cô gái bướng bỉnh với cái tôi cao vút này, biên kịch đã dùng thủ pháp “đối thoại với chính mình”. Một thủ pháp không mới với những bộ phim nhuốm màu dịch chuyển thời gian, nhưng lồng ghép vào Cô Ba Sài Gòn rất hợp lý.
Như Ý gặp chính mình, đối thoại với chính mình trong tương lai, theo một cách rất trào phúng, rất dí dỏm và cũng rất nhân văn, kiểu như “mày chửi tao thì cũng là chửi mày” hay là “giống như tự soi gương rồi tự đưa tay lên tát vào mặt”. Thực tế, phần này chính là điểm nổi bật và đáng chú ý nhất trong thông điệp của Cô Ba Sài Gòn. Và cũng nhờ diễn xuất rất xuất sắc của Hồng Vân, tung hứng cùng với Lan Ngọc trong một diễn cảnh tiết chế hơn, nhún nhường hơn, tạo thành những cuộc đối thoại mang rất nhiều ý nghĩa.
|
Hình ảnh của Như Ý (Lan Ngọc thủ vai) khi được đến với mình trong tương lai |
Trong đời, có lẽ ai cũng từng mong ước được gặp chính mình trong tương lai một lần, để biết lúc đó ra sao, đúng hay sai, buồn hay vui, đau khổ hay hạnh phúc… Gặp tương lai để còn có thể nhận ra và sửa sai kịp lúc, đương nhiên, điều đó trong thực tế là không thể. Còn với Cô Ba Sài Gòn, biên kịch biến nó thành chuyện có thể và dẫn dắt vấn đề, giải quyết nó trong một hoàn cảnh hợp lý, dễ hiểu.
The devil wears prada
Tại sao tôi lại nhắc đến tên bộ phim về thời trang rất nổi tiếng The devil wears prada (2006), vì Cô Ba Sài Gòn khiến người xem nhớ lại bộ phim đó, và có lẽ đạo diễn cũng bị ảnh hưởng khá nhiều từ phim. Nhất là cảnh Helen (Diễm My 9x) xuất hiện ở công ty, nó khiến ta nhớ lại Miranda (Meryl Streep), và hình ảnh của Helen trong phim có phong thái cũng y chang. May mắn là Diễm My 9x diễn khá tốt, nhất là biểu cảm của khuôn mặt và đôi mắt dữ dội.
Ở phần sau của Cô Ba Sài Gòn, phim chủ yếu nói về thời trang, về những cố gắng của Như Ý nhằm khẳng định bản thân, mong phục dựng lại nhà may Thanh Nữ. Câu chuyện kết hợp giữa hiện đại và truyền thống được miêu tả trong một phông nền “đặc quánh” thời trang, với hàng loại thương hiệu, phong cách thiết kế, những nhà thiết kế huyền hoại được nhắc đến, mà những ai không am hiểu thời trang xem có khi phải hoa mắt ù tai. Nhưng chính điều đó tạo điểm khác biệt, vì nó ra được cái chất “chuyên ngành” chứ không phải lớt phớt cho có khi nói về thời trang.
|
Câu chuyện ở Cô ba Sài Gòn được kết hợp giữa chất cổ điển và hiện đại |
Cũng ở cái chuyện tái tạo ngành nghề, Cô Ba Sài Gòn mang đến một cái nhìn rõ ràng về nghề may áo dài, đo ra sao, vẽ phấn, chọn vải, đường cắt, khâu ghép … tất cả thể hiện được cái hồn của nghiệp may áo. Ít ra, trong một bộ phim về truyền thống phải thể hiện được những điều như thế, và đây là cũng là điểm Cô Ba Sài Gòn làm tốt.
Có một điều vẫn chưa làm hài lòng hoàn toàn khán giả, đó là giải quyết tình huống cuối phim. Dù rằng phim có cái kết hay, trọn vẹn, nhưng cách giải quyết mâu thuẫn của Helen và Như Ý còn hơi gấp gáp, nếu như biến đổi nội tâm, dẫn đến việc thay đổi quyết định của Helen được giải thích, miêu tả kỹ hơn, có lý hơn, chứ không phải chỉ dựa vào một câu nói thì đoạn kết sẽ hay hơn rất nhiều.
|
Hình ảnh đối lập giữa Lan Ngọc và Diễm My trong phim |
Nhạc phim hay nhưng chưa đã
Bài hát Cô Ba Sài Gòn được viết riêng cho Đông Nhi thể hiện, lời bài hát hay, nhạc cũng hiện đại vui tươi, tuy nhiên nó vẫn không quá ấn tượng và tạo hiệu ứng mạnh như Bống bống bang bang của Tấm Cám. Cô Ba Sài Gòn vẫn chỉ là bài hát minh họa phim chứ chưa thể bước ra trở thành bài hát phổ biến khắp nơi, từ già đến trẻ như Bống bống bang bang.
Video clip Cô ba Sài Gòn của ca sĩ Đông Nhi:
Một bài hát khác rất hay là bài Tân Thời (Jun Phạm hát), có lời rất ý nghĩa, nhạc cũng độc đáo, nhưng lại ít được sử dụng trong phim, đây cũng là một điều đáng tiếc, chắc có lẽ không có cảnh nào hợp để đưa vào.
Trong phim cũng sử dụng nhiều ca khúc cũ, rất được yêu thích như Sài Gòn (Y Vân) ngay đầu phim, hay bài Một thoáng quê hương (Thanh Tùng - Từ Huy) lúc trình diễn thời trang. Tuy vậy, bài hát trong teaser giới thiệu được rất nhiều người trong chờ là bài Biển tình (Lam Phương) cũng không thấy xuất hiện.
Dàn diễn viên quá hợp vai
Lan Ngọc diễn xuất tốt, ngay từ khi xuất hiện trong vai Nương ở Cánh đồng bất tận thì ai cũng nhận ra khả năng diễn xuất của “ngọc nữ mới” này. Tuy nhiên, có nhiều phim chưa thực sự hợp vai và chưa phát huy được hết khả năng diễn xuất, khiến cho Lan Ngọc hơi lỡ nhịp. Nhưng với Cô Ba Sài Gòn, Lan Ngọc đã cháy hết mình với khả năng thay đổi cảm xúc rõ ràng, rành mạch, tâm lý nhân vật biến đổi uyển chuyển, biểu cảm tốt dù đôi khi hơi bị quá nhưng càng về cuối phim càng tốt.
|
Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc |
Ở bên phía đối diện, Diễm My 9x cho thấy cô đã tiến bộ như thế nào để thoát khỏi những vai diễn trước đây. Diễm My 9x đã tái hiện hình ảnh một giám đốc thiết kế thời trang quyền lực với đầy đủ sự thông minh, sắc sảo, đố kỵ, ghen ghét và bao dung kịp lúc. Những cái liếc mắt nhanh, sắc, khuôn mặt vững, đài từ rõ ràng, chuẩn xác, dáng đứng đúng phong thái đã tạo nên một nhân vật rất ấn tượng trong phim.
|
Các diễn viên trong phim |
Bên cạnh đó, dàn diễn viên thứ chính và phụ đều là những người có khả năng diễn xuất cực tốt, từ Hồng Vân, đến Diễm My 6x, rồi Ngô Thanh Vân, Tùng Leo, Oanh Kiều đến những vai diễn nhỏ nhỏ như cô lao công cũng có thể khiến người xem nhớ đến. Biên kịch đã sắp xếp thời lượng và phân tuyến nhân vật rất chắc tay. Tuy nhiên, vai của Hải Triều lại bị rập khuôn và nhàm chán, dù nó không ảnh hưởng gì mấy. Còn S.T thì chỉ diễn ở mức tạm được trong lần đầu chạm ngỏ điện ảnh.
|
Diễm My và Hồng Vân trong một phân cảnh |
Dàn diễn viên xuất sắc chính là điều cốt lõi tạo nên sự thành công của Cô Ba Sài Gòn trong việc truyền tải, chuyên chở câu chuyện đến người xem. Có thể thấy đạo diễn đã lựa chọn diễn viên rất chính xác, đặt đúng người vào đúng vai hợp với họ nhất.
Kết
Trên nền một câu chuyện thời trang diễm lệ, Cô Ba Sài Gòn mang đến mong muốn về gìn giữ bản sắc dân tộc, gìn giữ nét đẹp của áo dài truyền thống. Hình ảnh đẹp, nhạc phim hay, diễn xuất tốt, dàn diễn viên xinh như mộng, khiến cho Cô Ba Sài Gòn vượt lên hẳn những bộ phim khác, một bộ phim không phải là quá xuất sắc nhưng đầy ý nghĩa đối với những ai yêu Sài Gòn, yêu tà áo dài bay trong gió.
Bùi An