Cô ấy phải làm sao mới bị vậy!

06/05/2018 - 16:02

PNO - Gì chứ dính tới chuyện quấy rối, lạm dụng tình dục là phía chị em ít khi được bênh vực, bảo vệ hoặc chí ít nhận được sự an ủi vỗ về, cũng hiếm có.

Thế nào cũng bị nghe cái câu cũ xì thâm căn cố đế “cổ cũng phải làm sao đó…”. Cũng vậy, khi thấy trên đường phố, nhiều cô gái ăn mặc tươi mát, dáng điệu gợi cảm, người thì khen hấp dẫn, người lại bĩu môi “đó, nói sao không bị… hiếp dâm”. 

Co ay phai lam sao moi bi vay!

Ngay cả ở xứ sở được mệnh danh là kinh đô ánh sáng - Paris tráng lệ - khi phong trào #metoo bùng lên, lan tỏa rộng rãi nhằm động viên nạn nhân của tệ nạn quấy rối tình dục mạnh dạn lên tiếng tố cáo những “con yêu râu xanh”, thì nữ minh tinh nổi tiếng của Pháp Catherine Deneuve hình như… cũng đứng về phe đàn ông: “Showbiz là điểm đến của nhiều bóng hồng xinh đẹp, ở đó, bất kỳ người đàn ông nào cũng dễ nảy sinh ham muốn. Hiếp dâm quả thực là tội ác, còn một số cử chỉ ve vãn, âu yếm dẫu có chút sống sượng cũng đâu đến nỗi nào, cái chính là từ phía các cô gái”.

Phát biểu của bà thực sự gây bão. Có vẻ như khi lên tiếng về điều chẳng tốt đẹp ấy, một số người cho rằng, do nạn nhân không chịu thể hiện phản ứng chống lại, thậm chí còn ra vẻ chấp nhận dù hơi… miễn cưỡng. Chết thật, kiểu gì cũng bị là người có lỗi. 

Trong thế giới showbiz Việt, tệ nạn này cũng không thiếu. Đã nhiều lần, ca sĩ này, diễn viên nọ, thí sinh kia, người mẫu A, đạo diễn B… lên tiếng tố hoặc là đối tượng bị tố dính đến việc quấy rối, xâm hại tình dục nhưng chỉ rộ lên vài ba ngày là tắt tịt.

Bên thì bộc lộ uất ức nhưng khá dè dặt vì sợ bị trả thù, bị cắt mất đường sinh sống. Bên thì kêu “ôi, trò mượn oai hùm để nổi tiếng, sẽ nhờ luật pháp can thiệp”. Nhưng, bên đòi kiện chẳng kiện tụng gì, còn bên lên tiếng chỉ nói nhiêu đó rồi thôi, lại rút vào im lặng.

Có thể thấy, việc một người nào đó, đặc biệt là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, dám nhận mình là nạn nhân quấy rối tình dục của ai đó, thiệt gan cùng mình. Vì, không chỉ “vạch áo cho người xem lưng” mà còn hứa hẹn trở thành “em gái mưa” của những trận mưa… đá. Tuy nhiên, thời thế ngày càng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Người ta đã biết lắng nghe, bớt dần lời phê ngàn năm “cô ấy phải làm sao mới bị vậy”.  

Co ay phai lam sao moi bi vay!
 

Gần đây, câu chuyện của nữ vũ công Phạm Lịch lên tiếng tố cáo những hành vi, lời nói có tính quấy rối tình dục của rocker Phạm Anh Khoa đối với cô là một thí dụ. Thiệt, không biết nghĩ sao mà anh lại “chơi” quần cộc mình trần hoặc tệ hơn, chỉ quấn mảnh khăn tắm khi thí sinh đến nhà cùng mình tập luyện tiết mục?

Trời, lại còn thế này, trước mặt nhiều người, anh gọi thí sinh bằng tiếng lóng tục tĩu. Đây nha, khi buông ra những lời tình tứ, tạo những nụ hôn mà đối tượng không thích, không mong muốn, không chấp nhận thì đã là quấy rối tình dục rồi. Huống gì kiểu đó. Hình thức tồi tệ nhất của quấy rối tình dục là những hành vi có tính chất tấn công, cưỡng ép, xâm hại thân thể. Đâu phải đợi tới mức vậy mới gọi là “xảy ra chuyện”. 

Thực tế dần dần được nhìn rõ: khi tố cáo quấy rối tình dục, cô ấy không “làm sao” hết, cô ấy đang vạch trần những điều mà đàn ông bậy bạ ưa chống chế “vui chút thôi mà, làm gì dữ vậy”. Làm thinh chịu đựng thì thôi, chớ một khi đã tố cáo thì hẳn là người ta có chứng cớ đó, thưa các… quý mùi! 

 Mamarazzi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI