|
Cầu ngói Thanh Toàn có tuổi đời đã hơn 300 năm |
Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Huế) từ xa xưa đã đi vào thơ ca dân gian. Tôi biết cây cầu ngói hiếm hoi của xứ Việt này kể từ khi thuộc lòng câu mở đầu bài hò nện miền Trung mà thuở nhỏ thường nghe Nhã Phương hát trên ti vi: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em đi với một đoàn cho vui”.
Theo câu hát ấy, sau rất nhiều lần đến Huế, tôi đã kịp dành mấy chuyến về thăm cầu ngói Thanh Toàn mà không cần phải đợi một đoàn đông đủ.
Cầu ngói cạnh chợ quê
Cầu ngói Thanh Toàn nằm ở ngoại ô Huế, cách trung tâm thành phố chừng hơn mười cây số về hướng đông nam. Tôi chọn đến cầu ngói vào những buổi thật sớm, chỉ để làm hai việc: ngắm cây cầu, ngắm cái chợ quê nho nhỏ bên chân cầu, trước khi nó vào giờ cao điểm nhộn nhịp và đông đúc.
Đó là một cây cầu có tuổi đời đã hơn 300 năm; dài 18,75m, rộng 5,82m. Toàn bộ cầu đều làm bằng gỗ, có mái che lợp ngói lưu ly tuyệt đẹp bắc qua một nhánh sông nhỏ. Cầu do bà Trần Thị Ðạo - một người cháu gái thuộc đời thứ sáu của họ Trần và là vợ một vị quan dưới triều vua Lê Hiển Tông - cúng tiền xây dựng.
Nhờ sự tâm lý của người xây mà cây cầu trở nên đặc biệt khi hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ chạy dài để khách bộ hành ngồi nghỉ.
|
Chợ quê họp bên cây cầu ngói |
Lần nào đến, tôi cũng dành khá nhiều thời gian để ngắm cây cầu ngói trứ danh này và thích thú ngồi hết bên này đến bên kia trên hai dãy ghế dài. Cây cầu nhỏ nhắn, xinh xắn này không chỉ có chức năng đơn thuần như hàng trăm, hàng ngàn cây cầu khác mà còn là một không gian sống động của một bức tranh quê. Con nít, đứa tung tăng chạy qua cầu, đứa đang tập xe đạp thì khệ nệ dắt xe qua dốc cầu...
Mấy ông lão thì chầm chậm như phong thái cố hữu của người dân cố đô, ngồi bâng quơ hóng gió sông như ngó mong về một thời tuổi trẻ.
Các bà đội nón, xách giỏ qua cầu đi chợ chào nhau râm ran. Mấy mệ già đi chợ đường xa, mỏi chân ngồi xuống bục gỗ nghỉ rồi lần giở tay nải lấy trầu ra têm, nhai bỏm bẻm mà chuyện vãn với người quen. Có đôi trai gái ngồi bên nhau ngắm dòng nước đang đẩy mấy cánh phượng trôi qua cầu, chỉ nhau mấy con cá đang thong thả lội quẩn quanh mấy trụ cầu.
Cái hay ở chỗ người làng rất ý thức việc này: Họ dùng cây cầu ngói làm nơi nghỉ tạm trong một khoảng thời gian vừa đủ chứ không biến nó thành chốn tụ tập đông người suốt buổi. Chỉ chừng ấy cũng đủ cảm nhận được nét thanh bình, giản dị và ý nhị của một làng quê miền Trung.
Thật thiếu sót nếu nói về cầu ngói Thanh Toàn mà quên nhắc đến cái chợ quê nhỏ nhắn nằm bên bãi đất trống trước làng, với mấy nếp nhà ngói cũ kỹ nép mình bên những gốc cây. Chiếc cầu thêm duyên và đầy sức sống khi được ở cạnh chợ quê còn chợ quê thêm điểm nhấn khi có cây cầu.
Chúng như hai nét quyện duyên không thể tách rời. Tiếng lao xao bán buôn, cười nói chào hỏi trong âm sắc Huế nằng nặng mà ngòn ngọt, trầm bổng cho tôi cảm giác như đang nghe những nốt khác nhau của một bản nhạc đồng quê.
Người quê mộc mạc lắm, những chào thăm thường nhật cũng là những quan tâm chân thành chứ không phải là những câu cửa miệng khách sáo. Ngay cả sự càu nhàu nghe cũng rất đỗi dễ thương. Chợ quê nhưng có hầu hết những món hàng cần thiết hằng ngày. Thích nhất là các hàng rau củ quả ở quê, mọi thứ tươi xanh, mơn mởn như mới hái từ vườn chở về.
Mệ già coi bói bằng tiếng Anh
Loanh quanh ở ngôi chợ quê này, tôi tình cờ gặp được một người hết sức thú vị. Đó là cụ bà mà người ta hay gọi là mệ Diều, thường ngồi ở chợ coi bói bằng… tiếng Anh. Mệ tên Trần Thị Diều, người làng này, có tài nói tiếng Anh lưu loát. Tôi không nhờ mệ xem bói mà chỉ đứng loanh quanh ngóng nghe một bà mẹ Huế xem chỉ tay bằng thứ ngôn ngữ quốc tế.
Không chỉ vậy, mệ Diều còn kiêm luôn cả vai trò hướng dẫn viên, kể cho du khách nghe những thông tin, câu chuyện quanh cây cầu, quanh vùng đất này. Điều đó càng khiến du khách thích thú.
Suốt gần 20 năm qua, mệ đã góp phần tích cực vào việc quảng bá hình ảnh cầu ngói Thanh Toàn cho du khách một cách đầy ấn tượng như thế.
Mệ Diều kể, khi xưa, thời chiến tranh, mệ đi làm thuê giặt ủi quần áo ở Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) rồi học tiếng “bồi”. Lúc đầu, mệ phát âm khó khăn, bị cười nhạo suốt. Học riết rồi cũng tới lúc mệ nói tiếng Anh lưu loát được. Cứ vậy mà mệ tự tin dùng tiếng Anh để… coi bói.
Nhiều năm trời mệ coi tình duyên cho bao bạn trẻ Đông - Tây đến nơi này, không biết bao cặp đã thành hay thôi nhưng tôi để ý thấy ai coi mệ “bắn” tiếng Anh cũng vui vẻ cả.
|
Không ít du khách trong và ngoài nước đã bày tỏ sự ngạc nhiên đầy thú vị khi gặp mệ Diều |
Thực ra, câu chuyện coi bói tình duyên của mệ Diều không còn là vấn đề tâm linh hay mê tín dị đoan mà nó trở thành một trong những điểm độc đáo thu hút du khách ở cầu ngói Thanh Toàn. Không ít du khách trong và ngoài nước đã bày tỏ sự ngạc nhiên đầy thú vị khi gặp mệ Diều.
Tuy nhiên, không phải lúc nào du khách cũng gặp được mệ vì lý do tuổi tác, những hôm mệt, mệ không ra chợ. Sự vắng mặt của mệ không ít lần làm du khách phương xa từng nghe tiếng cứ tiếc hùi hụi.
Tính ra thì tôi may mắn vì lần nào đến cũng gặp được mệ. Chỉ thầm lo không biết mình còn được bao lần gặp lại hình ảnh thân thuộc ấy bởi nay mệ đã ngoài 80.
Khá lâu rồi tôi chưa trở lại, cây cầu ngói vẫn nối đôi bờ sông nhỏ nâng bước đi chợ cho các mệ các dì, nước dòng sông Như Ý vẫn lặng lẽ chảy qua cây cầu xưa, chẳng biết mệ Diều có còn ngồi nơi ấy để mang chút niềm vui đến cho du khách?
Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn chỉ họp buổi sáng. Nếu muốn tham quan chợ quê, bạn nên đến đây khoảng bảy giờ sáng. Khi đó, bạn tha hồ loanh quanh với chợ, chụp hình cầu ở mọi góc độ, nhân tiện tham quan cảnh xung quanh làng. Đừng quên thử một tô bún thịt nướng giản dị mà đậm phong vị xứ Huế với mức giá rẻ bất ngờ: chỉ 10.000 đồng. Bạn có thể gọi taxi nếu đi nhóm 4, 5 người hoặc thuê xe máy (giá 130.000 - 150.000 đồng/ngày) để tha hồ lang thang khám phá thành phố, sẵn tiện làm một vòng ngắm cảnh ngoại ô cố đô. Giao thông đến Huế rất thuận tiện. Tour du lịch đi Huế, hầu như công ty lữ hành nào cũng có. Nếu đi đường bộ, từ Sài Gòn, bạn có thể mua vé xe của các nhà xe Hạnh cafe, Sinh cafe… tàu lửa Bắc - Nam đều dừng ở ga Huế. Các hãng bay đều có chuyến đến Huế mỗi ngày. |
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ