Có ai thấy mình trong tranh phố?

11/02/2017 - 13:30

PNO - Những ngày này, khi đi qua giao lộ Thi Sách - Cao Bá Quát, Q.1, TP.HCM, rất nhiều bạn bè quốc tế đã phải dừng chân ngắm nhìn và chụp ảnh lưu niệm cùng các bức bích họa mang đậm dấu ấn Sài Gòn xưa.

Không chỉ khách quốc tế, ngay cả người Việt khi đi ngang đây cũng hoặc phải ngoái nhìn, hoặc bồi hồi dừng lại...

Trên đoạn tường ngắn chừng 6m, cao gần 2m, những bức tranh tường thoạt nhìn cực kỳ đơn giản. Một bức thể hiện cảnh người đàn ông đạp xích lô với đám trẻ chạy theo sau. Bức kia là cảnh người phụ nữ bán hàng rong bên hè phố. Khi hoàn thiện, toàn bộ không gian hơn 20m tường ở đây đều sẽ được phủ tranh. Chỉ thế thôi đã đủ nhắc nhớ ta về những kỷ niệm của một thời thương khó, tuy tất bật áo cơm mà vẫn hào sảng, nghĩa tình.

Những người vẽ bích họa đã rất khéo léo khi chọn đưa vào tranh các biểu tượng “huyền thoại” một thời ở Sài Gòn. Chiếc xe Honda 67 cho đến tận hôm nay vẫn còn người sử dụng và được nhiều người sưu tầm vì “uy lực” của nó qua năm tháng. Ở phía kia, chiếc xe lam biểu thị cho nhịp sống sôi động của Sài Gòn với chú bé bán báo bám ở đuôi xe. Chi tiết rất nhỏ về Sài Gòn được thể hiện ngay trên tờ báo chú bé cầm: “Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông”. Dù ngày nay ta có những chiếc xe buýt hiện đại, to lớn, gắn máy lạnh, nhưng hình ảnh những chiếc xe lam vừa chở khách, vừa chở hàng, đặc biệt những chuyến xe lam chở hoa mùa tết dễ gì phôi phai.

Vậy đó, chiếc xe cũng giống như tính cách người Sài Gòn - kiên trì, nhẫn nại và sẵn sàng vượt qua mọi thử thách. Đối nghịch với tà áo dài trắng nữ sinh trên xe là hình ảnh người phụ nữ mặc bà ba, quần đen với gánh hàng ăn buổi sáng. Mái tóc dài búi gọn và chiếc khăn rằn vắt ngang đòn gánh bình dị mà quá đỗi thân thương. Bao nhiêu người trong chúng ta còn nhớ cảnh chính mình ngồi trên chiếc đòn gỗ nhỏ xíu, xì xụp tô bún buổi sớm mai trước khi đến trường, ra chợ? Nhiều lắm! Như cách những người xem bích họa và kể nhau nghe về những kỷ niệm của riêng mình - từ ký ức những tiếng rao đến một “nền văn hóa vỉa hè” rất đặc trưng của phố thị.

Co ai thay minh trong tranh pho?
 

Thật bất ngờ, nhóm tác giả thể hiện những bức bích họa ấy hiện vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Nữ sinh viên Vân Anh (năm 1, ĐH Kiến trúc TP.HCM) cho biết, nhóm cô được "đặt hàng" (tại TP.HCM hiện nay có nhiều nhóm sinh viên nhận vẽ tranh tường thuê cho các cửa hàng, quán xá) với yêu cầu phải thể hiện được những nét đặc trưng của Sài Gòn xưa. Vậy là phải tìm hiểu về đời sống của một Sài Gòn thuở cô còn chưa sinh ra để có thể tái hiện.

Chi tiết chú chó nhỏ kéo tuột quần cậu bé trong bích họa tưởng như chỉ cho thêm phần hài hước nhưng cũng là một phần của Sài Gòn, khi cư dân vẫn nuôi chó cỏ cốt để giữ nhà thay vì những giống chó kiểng đắt tiền của thời hiện đại. Bích họa của nhóm cô không phải kiểu graffiti của hip-hop, cũng chẳng phải kiểu tranh cổ động, càng không phải chỉ màu mè cho đẹp mà từng chi tiết đều được tính toán để chúng vừa hoàn thành mà vừa dang dở. “Bích họa được thực hiện theo kỹ thuật 3D với tỷ lệ được tính toán như người thật, để chúng ta có thể hòa mình vào tác phẩm. Chẳng hạn ta có thể ngồi lên chiếc xe 67, hoặc đu lên chiếc xe lam và trở thành một phần của bức tranh” - Vân Anh nói.

Người thuê vẽ bích họa cũng là một cô gái, chủ nhân của quán bún đậu mắm tôm ngay bên cạnh những bức tranh. Bên trong quán của cô, du khách sẽ gặp một Sài Gòn khác nữa với võ quán, tiệm cầm đồ mà khi ta ngồi thưởng thức món ăn sẽ như thể đang ngồi bên vệ đường ngày cũ.

Tiểu Trâm, cô chủ Quán Xưa tâm sự rằng cô rất thích văn hóa Sài Gòn và mong muốn được giới thiệu nó đến bạn bè các nước. Việc cô chọn thể hiện nét xưa Sài Gòn ngay giữa trung tâm phố, nơi xung quanh là các cao ốc, các cửa hàng sang trọng cũng là để khoe nét đẹp dung dị của Sài Gòn. Trâm bảo: “Những bức tranh vẫn chưa xong. Tôi còn muốn thể hiện thêm những góc khác của đời sống Sài Gòn cho đến khi phủ kín khắp quán, từ trong ra ngoài; để mọi người đến đây đều có thể bắt gặp lại mình của một khoảnh khắc nào đó”.

Giữa cái náo nhiệt của một đô thị đang biến chuyển từng ngày - hào nhoáng hơn, hiện đại hơn, thì cái góc nho nhỏ của cô chủ quán nho nhỏ ấy lại trở thành điểm dừng chân thú vị cho những ai mong muốn tìm lại chút hương xưa. Mà cũng không chỉ có nơi ấy. Nếu có dịp đi qua đường Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức), ở số 267, bạn sẽ gặp lại một Sài Gòn thời 1960 qua những bức tranh thể hiện chợ Bến Thành, chợ Thủ Đức, những chuyến xe đò chở khách và cả những con đường đất lầy lội sau mưa... để lưu giữ một phần hồn phố. 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI