Có những phụ nữ dường như không cần… thở. Họ thu xếp, cất đặt mọi thứ kín mít cả ngày. Chưa hết việc này đã tính đến việc khác, chưa xong việc của chồng đã “nhảy số” tính toán việc của con. Chị Minh Hoa (Cần Giờ, TPHCM) là kiểu người như vậy.
Nghe chồng nói muốn đi khám bệnh, chị lập tức đặt lịch, đặt xe và xếp cả lịch di chuyển. Anh Hoàng Nam - chồng chị - chỉ việc răm rắp làm theo. Nhưng suốt thời gian anh đi, chị như cái đồng hồ báo thức. Cứ tới giờ chị lại gọi điện hỏi chồng lên xe chưa, tới nơi chưa, đăng ký khám chưa. Đến gần giờ chồng về, chị lại sốt sắng gọi giục: “Nhà xe gọi anh chưa?”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Chứng kiến chị tất tả với chuyện khám bệnh của chồng, người ta dễ tưởng chồng chị là kẻ bất tài vô dụng. Không. Anh cao ráo khỏe mạnh, lại là một cán bộ khá tháo vát; nhưng hễ dính đến việc nhà, anh phải chào thua tốc độ sắp xếp và sự quyết liệt của vợ.
Chị đã giỏi tính toán, lại còn tính nhanh nên dần dà, mọi người đều phải xếp sau chị, phải làm theo chỉ dẫn của chị.
Có lần, anh Nam đi công tác ở Hà Nội. Trước giờ đi ngủ, chị Hoa gọi điện hỏi thăm thì phát hiện chồng đang bị sốt. Lúc đó chỉ tầm 9g tối. Chị lập tức ban lệnh: anh phải ăn và uống thuốc cảm. Trong lúc anh Nam còn vạ vật với cơn sốt thì chị đã lần lượt “điều” thuốc và thực phẩm đến. Anh chỉ việc nghe điện thoại shipper để nhận hàng rồi làm theo chỉ dẫn của “bác sĩ vợ”.
Việc “điều động” các dịch vụ để phục vụ ông chồng đau ốm ở nơi xa được chị Hoa kể lại với nhóm bạn như một kỳ công. Với kinh nghiệm của một “nội tướng”, chị biết chắc chồng mình sẽ nhịn đói và ngủ vùi, việc ăn uống, thuốc thang hẳn nhiên phải do vợ thu xếp.
Xác định tinh thần xong, chị truy cập ngay ứng dụng giao hàng toàn quốc, chọn khu vực gần khách sạn của chồng để tìm mua cháo rồi quay sang tra cứu hotline của một thương hiệu thuốc tây cũng nổi tiếng để nhờ tư vấn mua thuốc trực tuyến. Việc mua thuốc giải quyết nhanh lẹ sau khi chị mô tả bệnh trạng và địa chỉ của chồng cho nhân viên tư vấn.
Thực phẩm và thuốc thang xong xuôi, chị không quên gọi điện quán triệt chồng phải ăn vận ra sao, ngủ nghê thế nào để nhanh lại sức.
Trong khi đó, trải nghiệm đau ốm ở Hà Nội khiến anh Nam càng nhấn mạnh đúc kết hài hước: “Vợ mình có công năng đặc dị”. Anh chưa từng thấy vợ khuất phục trước bất kỳ khó khăn nào. Không có chuyện gì mà chị Hoa nói “không làm được”. Đám giỗ ba chồng bao lâu nay chỉ mời 50 khách, toàn là người trong nhà và hàng xóm thân thiết.
Thế nhưng có năm, cách ngày giỗ 3 ngày, mẹ chồng chép miệng nói: “Năm nay giỗ tròn 10 năm, phải mời cho được họ hàng và bạn bè của ba mẹ”. Mời hết số khách mẹ chồng nói, vị chi là 200 người, nhưng chỉ còn 2 ngày để mời khách và chuẩn bị. Thế nhưng, chị Hoa vẫn “dạ”, rồi “xắn tay” triển khai “đám giỗ thập kỷ” theo ý mẹ chồng.
Anh Nam ngại ngần, nói “thôi cứ làm như cũ, muốn làm lớn thì để năm sau”. Chị Hoa vẫn kiên quyết: “Ráng chiều ý mẹ, biết mẹ có sống đến năm sau không mà trì hoãn”.
Hẳn nhiên, suốt 3 ngày đó, chị gần như không ngủ. Dù đã có dịch vụ nấu nướng lo phần tiệc, nhưng riêng phần dọn dẹp, trang trí nhà cửa để xứng tầm với “đám giỗ thập kỷ” đã khiến người vợ trụ cột xất bất xang bang.
Đám giỗ lần ấy thành công ngoài mong đợi. Mẹ chồng và cả anh Nam cũng vui ra mặt khi họp mặt được với những họ hàng, thân hữu lâu ngày. Từ đó, quy mô đám giỗ được mặc định là 200 khách. Mỗi lần nhắc đến đám giỗ ba, anh Nam lại kể về 3 ngày ráo riết của vợ và khẳng định vợ là “siêu nhân, sống không cần thở”.
Trong mọi cuộc trà dư tửu hậu cùng đồng nghiệp, anh Nam lại kể về sự “cao cường” của vợ. Anh không giấu nét tự hào, thậm chí còn đầy hào hứng mỗi lần kể về những tuyệt chiêu thu xếp của vợ.
Anh còn giải thích, về sau này chị Hoa bị bệnh dạ dày nên sức không còn như xưa, chứ ngày xưa chị còn giỏi hơn nhiều.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Một chị đồng nghiệp nghe vậy liền nhắc: “Nam phải chú ý bệnh dạ dày của vợ. Bệnh đó mà càng lo toan thì càng trầm trọng”. Anh Nam cười: “Tới bệnh của cha con em, thậm chí bệnh của mẹ em mà Hoa còn lo hết, làm gì đến lượt em lo cho Hoa”.
Chị đồng nghiệp vẫn nói với giọng chắc chắn: “Vợ em bận lo cho cả thế giới rồi thì phần bản thân chắc chắn sẽ lơi lỏng. Em phải lo cho vợ, đừng thấy người ta giành hết thì mình buông luôn. Nhà đông người mà chỉ có 1 “cột”, đến khi cái cột không khỏe thì dễ sụp cả giàn”.
Anh Nam khẽ chậc lưỡi, chột dạ. Việc chị Hoa “bị bệnh dạ dày, không khỏe như xưa” là một tín hiệu. Trên đời này làm gì có “siêu nhân”, làm gì có ai “sống mà không cần thở”.
Chị đồng nghiệp nói không sai. Chỉ có những người yêu thương gia đình đến quên mình. Những người đó đôi khi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can, cứ lao vào lo cho chồng con.
Làm bạn đời của họ, bị giành hết việc thì phải quay về chăm sóc cho người giành việc kia thôi.
Gia Khánh