Hôm qua, khi lướt đọc mấy bài báo mạng, tôi thấy dòng tin có bạn trẻ đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài đã thuê người kết những đồng 500 ngàn thành bó hoa trị giá 102 triệu đồng tặng mẹ. Người khen bà mẹ đó tốt phúc, người thì nói nếu con cái có thể ở bên cạnh chăm nom, phụng dưỡng mới là cái phúc của cha mẹ. Sinh con ra trên đời, chẳng người mẹ nào mong con biếu nhiều tiền bạc, ai cũng mong con cái bình an thôi.
|
Bó hoa với số tiền 102 triệu của một người con tặng mẹ |
Ai chẳng biết điều đó, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách. Vì miếng cơm manh áo, vì mưu sinh con người ta mới phải xa nhà, rời bỏ quê hương đến nơi xứ lạ. Biết là thương là nhớ, nhưng đâu phải cứ muốn là được gần bên mẹ cha. Dù sao, vào một ngày đặc biệt như 8/3, người con ấy cũng nghĩ tới mẹ và thực hiện một món quà đặc biệt, tôi nghĩ đó là món quà từ tấm lòng, rất đáng trân trọng.
Tôi có một cậu bạn thân, cậu ấy kể rằng lần đầu tiên biết mua quà cho mẹ là khi 21 tuổi, và bắt đầu quen bạn gái và được cô bạn gái gợi ý. Từ năm mười sáu, mười bảy tuổi cậu đã yêu đương, đã đi mua hoa, mua quà cho những cô bạn gái mà mình thích, nhưng chưa bao giờ cậu nghĩ phải tặng quà cho mẹ.
Tôi và những người bạn trong câu lạc bộ tình nguyện có nhiều năm lui tới các khu chợ đêm, hay đi quanh quẩn ở các ngõ phố để tặng hoa cho các cô, các bác bán hàng rong vào tối 8/3.
Trong suy nghĩ của họ, đều có chung một ý niệm: Lễ lạt là dành cho người đủ đầy, sung túc. Còn với họ, ngày nào chẳng như nhau. Tất bật mưu sinh, chắt chiu từng đồng bạc lẻ, chỉ mong đổi lấy manh áo mới cho con trong ngày khai trường. Nếu có nghĩ xa hơn một chút, chỉ là mong mấy đứa trẻ ở quê có đủ tiền đóng học.
Cô Tư bán rau ở cái chợ cóc gần nhà nói với tôi rằng: "Cô rất sợ ngày lễ. Trên thành phố, vào những dịp nọ, ngày kia, người ta đều kéo nhau ra nhà hàng. Chẳng mấy ai đi chợ, thế là hàng của cô lại ế. Mấy bó rau, bỏ đi thì phí, mà mang về đến nhà cũng héo quắt, ăn cũng chẳng còn ngon".
Mỗi người trong họ đều mang trong mình những câu chuyện riêng. Có cô bị người yêu ruồng rẫy, vô tình phải trở thành mẹ đơn thân. Có bác, chồng mất sớm, phải một mình nuôi bầy con nhỏ, lại lo phụng dưỡng mẹ già. Họ bảo, thấy người ta cũng phụ nữ, được tặng hoa, tặng quà… rồi lại nghĩ đến phận mình… lắm lúc cũng tủi thân.
Nhưng điều khiến họ xót xa hơn, đó là hình ảnh những đứa trẻ trắng trẻo, mập mạp xúng xính trong bộ quần áo mới, hồ hởi cầm đồ chơi tươi cười. Có cô kể, thường đi bán hàng đến nửa đêm mới về. Lúc đó, mấy đứa trẻ con đều đã ngủ say, trên gương mặt chúng còn nhem nhuốc vết nhọ nồi và dầu mỡ. Đã vài năm nay, các con cô chẳng được mua quần áo mới, chúng đều mặc lại đồ cũ của hàng xóm đem cho. Dù sao, ấm thân là tốt rồi…
Năm ấy, chúng tôi đến cả chợ đầu mối nông sản, nơi mà những người phụ nữ sẵn sàng làm cửu vạn, cái công việc xưa nay tưởng chỉ dành cho đàn ông. Họ cõng trên lưng, thùng hoa quả rất nặng, cứ thế chạy xăm xăm trong cái ánh sáng vàng ệch của những ngọn đèn cao áp. Dường như họ đã quên mất mình là phụ nữ, hay họ buộc phải quên đi…
Tôi lớn lên ở nông thôn, nơi có những bà, những mẹ chẳng biết ngày 8/3 hay 20/10 là ngày gì. Lễ lạt, hay những dịp để tôn vinh phụ nữ với họ là điều gì đó rất xa xôi, thỉnh thoảng nghe người ta nói trên báo đài. Với họ, chỉ có ngày thường và ngày giỗ, ngày mùa và lúc nông nhàn…
Ngày thường, chỉ phải nấu vài ba món đơn giản, lại còn được ngồi ăn cùng chồng con. Đến khi nhà có giỗ là lo ngay ngáy mất mấy hôm liền. Nào là: Giết mấy con gà, thổi mấy chõ xôi, cỗ như thế này liệu đã tươm tất chưa, họ mạc anh em có chê trách gì không… Dù làm dâu năm năm, mười năm hay đã hơn nửa đời sống ở nhà chồng, những nỗi lo ấy cứ quẩn quanh theo họ mãi.
Mẹ luôn nhận phần thiệt thòi về mình, chỉ mong các con được đủ đầy (Hình minh họa)
Tôi còn nhớ, những hôm nhà có giỗ, chẳng bao giờ mẹ với bà được một ăn một bữa cơm yên lành. Hết người gọi xin quả ớt, đến miếng chanh, rồi cái này hết, cái kia còn thiếu… Sống đời làm vợ, rồi làm dâu, họ tập quen dần với những điều ấy.
Năm bảy mâm cỗ, vài ba ngày bận rộn có là gì với một cuộc đời đầy những lo toan, vất vả. Một bữa cơm phải tất bật, chẳng thấm vào đâu với bao năm phải vò võ nuôi con một mình, đợi tin tức chồng ở chiến trường. Có những sự chờ đợi được đền đáp, nhưng cũng có những đợi chờ trở thành vô vọng.
Tôi gọi đó là hy sinh. Thế nhưng bà tôi và những người trong cuộc có lẽ không nghĩ vậy. Thời ấy, ai cũng sống thế cả, nên những hy sinh trở thành nghĩa vụ. Họ cứ cho đi một cách âm thầm mà chẳng cần nhận lại, dù chỉ là một lời cảm ơn. Mỗi lần, chúng tôi mua tặng bà tấm áo mới, bà đều mắng yêu: “Chúng mày chỉ giỏi vẽ chuyện! Không tiêu đến tiền thì phải biết để dành, mua quần áo đẹp cho bà làm gì. Bà già rồi, chẳng đi đến đâu, mua nhiều quần áo phí tiền lắm!”.
Giờ đây, bà tôi lại hay mong ngày lễ. Bởi có lễ lạt, con cháu mới tề tựu đông đủ, hay ít ra chúng nó cũng gọi điện về, để bà nghe tiếng đám trẻ con líu lo trong điện thoại. Bà già rồi, chẳng thể xa quê, chúng tôi cũng chẳng thể nào rời phố mà về gần bà được. Những thương nhớ rồi cứ thế quẩn quanh trong lòng.
Thụy Oanh