Có ai lấy chồng mà không muốn sống chung với chồng như tôi không?

17/02/2023 - 14:00

PNO - Vợ chồng “kiểu dây thun” có cái hay bởi bản chất của dây thun đã cột vào là cột chặt lắm, càng kéo giãn càng chặt.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Vợ chồng em yêu nhau, cưới nhau hơn chục năm thì thời gian sống gần nhau chỉ khoảng ba bốn năm, còn lại mỗi người mỗi nơi. Sau khi cưới, chồng em chuyển công tác về tỉnh, đi đi về về hơn một năm. Sau đó, ảnh theo lớp đào tạo của trường, đi học nước ngoài, đi đi về về cũng gần 5 năm.

Rồi tới em đi học. Cả hai đứa con cũng phải chia ra: Đứa theo ba, đứa theo mẹ. Nội ngoại hai bên có người nói vợ chồng em sướng, có điều kiện phát triển sự nghiệp; có người nói vợ chồng em khổ, lấy nhau rồi mỗi đứa mỗi nơi.

Bản thân em khi tuổi cũng không còn trẻ chợt nhận ra hình như vợ chồng em sống được với nhau tới giờ là do… không sống chung với nhau nhiều.

Mỗi lần tụi em sống chung được khoảng vài ba tháng tới một năm là bắt đầu thấy dấu hiệu xung đột, cãi vã. Thật may, thường lúc đó lại có việc gì đó mà một trong hai phải đi xa, vậy là lại dẹp bỏ mâu thuẫn, chung sức thu xếp chuẩn bị cho việc sống xa, thay đổi chỗ ở chỗ làm. Cứ như thể tụi em phải xa nhau mới yên.

Bây giờ vợ chồng em đang trong giai đoạn sống gần nhau. Dịch COVID-19 làm thay đổi nhiều dự án, ai ở đâu yên đó hai năm rồi, chưa ai có kế hoạch đi xa nên giữa vợ chồng em bắt đầu có xung đột vì hình như đã hết khoảng thời gian tương đối hòa thuận.

Nhiều khi em nghĩ vợ chồng em như kiểu dây thun, lúc co lúc giãn. Cả hai tính cách đều mạnh, đều có những thành công nhất định trong nghề nghiệp. Em lại đang trông có một dự án nào cho em hay ảnh được đi xa để né bớt những xung đột hay nhàm chán. Có ai lập gia đình mà rồi lại mong mỗi người một nơi như em không?

Ngọc Hiển (TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Em Ngọc Hiển thân mến, 

Vợ chồng “kiểu dây thun” có cái hay bởi bản chất của dây thun đã cột vào là cột chặt lắm, càng kéo giãn càng chặt.

Vậy nhưng dây thun nào cũng có lúc… giãn luôn vì mệt mỏi, tuổi tác. Có thể, với sự nhạy cảm của phụ nữ, em sẽ nhận ra giai đoạn “giãn” trước, để chuẩn bị cho một sự thay đổi của cuộc sống chung chứ không phải để tiếp tục bắt cả hai kéo căng, co giãn đến tận cuối đời.

Có những đôi là sự tương đồng thuận thảo, cũng có những đôi là sự xung khắc về cả tính cách lẫn công việc, nghề nghiệp nhưng tất cả các đôi đều ít nhiều có sự bù trừ cho nhau. Em hãy nhìn xem sự bù trừ giữa vợ chồng em là gì.

Có thể trước đây, khi chuẩn bị cho những chuyến đi xa liên tiếp, mỗi người đều cố giấu bớt những mong muốn của mình. Bây giờ là lúc phải chia sẻ, tìm hiểu nhau trở lại vì trước đây ta đã đến với nhau vì tình yêu. Giao tiếp giữa vợ chồng là điều quan trọng nhất.

Em hãy hình dung từ lúc lập gia đình, trải qua bao nhiêu lần sống gần nhau rồi xa nhau như thế, mình đã thay đổi như thế nào. Chồng em chắc chắn cũng có những thay đổi như vậy, không hoàn toàn là người em đã biết trước kia. Chỉ có một điều không thay đổi, đó là gia đình, là mối quan hệ vợ chồng con cái.

Đây là lúc vợ chồng em phải dành thời gian trò chuyện với nhau nhiều hơn, cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc mà cả hai đều sống chậm lại, khám phá nhau, hiểu nhau, tôn trọng nhau… Thử nghĩ xem, nếu bây giờ em lại bươn bả ra ngoài tìm những chuyến đi mới, tìm những khoảng không mới thì đến lúc về nhà chẳng còn chút hơi sức nào bên nhau.

Cuộc sống bao giờ cũng là những đòi hỏi lần sau cao hơn, nhanh hơn lần trước nhưng ta có thể chọn chậm lại, dừng lại. Khi cả hai đều di động, thật khó để khớp với nhau hoàn toàn. Song khi một trong hai người trở thành bến đỗ, người kia sẽ tìm được hướng để quay về.

Mong em sẽ thành bến đỗ cho gia đình mình bởi sự yên bình, ổn định từ người phụ nữ trong gia đình sẽ làm nên hơi ấm của ngôi nhà, thu hút các thành viên trong gia đình về với nhau trong sự gắn bó bền chặt. 

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Đầm Trinh (Cần Thơ): Bạn thực sự muốn gì?

Chẳng có gì kỳ quặc trong mối quan hệ vợ chồng của bạn. Khi ở gần nhau, nói qua nói lại dễ phát sinh mâu thuẫn, còn xa nhau thì khó có điều kiện tranh cãi. Quan trọng là mâu thuẫn đó đến đâu và được hiểu như thế nào.

Có lẽ vợ chồng bạn đều cảm thấy thoải mái khi không có những ràng buộc nhất định trong hôn nhân; thế nên khi phải gò ép mình vào những ràng buộc, ai cũng cảm thấy mất tự do.

Vậy bây giờ bạn thực sự muốn gì? Riêng tôi không thích cảnh vợ chồng ở xa nhau, như thế thà tôi sống một mình. Có vợ có chồng không phải chỉ để sinh con đẻ cái và cùng nhau nuôi dạy chúng mà gia đình đúng nghĩa nên là nơi để mọi thành viên trong đó nương tựa và chăm sóc nhau. 

Thay vì mong có dự án mới để vợ chồng tiếp tục xa nhau, sao bạn không nghĩ đến tình huống từ nay gia đình bạn sẽ bên nhau mãi mãi? Đã va đập thì va đập luôn. Hãy xem những ngày này như những tháng năm đầu của hôn nhân, có vui có buồn nhưng luôn biết nhận sai và sửa sai.

Hôn nhân là một hành trình điều chỉnh để thích ứng với nhau. Vợ chồng bạn đã lãng phí hết mười năm qua, giờ là lúc nên làm điều ấy. 

Nam Phong (Cà Mau): Bạn nên tổ chức lại cuộc sống

Thực lòng, tôi thấy cảnh vợ chồng ở xa nhau cứ lỏng lẻo. Chồng tôi mà đi công tác vài tuần là tôi lại cảm thấy tủi thân, sợ nhỡ mình ốm đau trong đêm, sợ nhỡ chồng mình chẳng may mắc bệnh khi đang ở xa… Thế nên khi chồng tôi được một suất đi học sáu tháng ở TP.HCM, sau khi cân nhắc, chồng tôi đã quyết định không đi. 

Vai trò của người vợ là tạo sự gắn bó tình cảm vợ chồng. Có một người bạn vẫn hay nói với tôi rằng anh ấy rất thích về nhà, rằng hình ảnh vợ anh đứng trong bếp luôn “níu chân” anh trở về vì nó mang đến cho anh cảm giác bình an.

Theo tôi, không tạo được cảm giác bình an cho chồng khi ở nhà là lỗi của người vợ.

Thay vì cứ nghĩ xa gần, bạn nên tổ chức lại cuộc sống hằng ngày. Hãy ghi dấu ấn của người vợ, người mẹ trong gia đình bằng tình cảm chân thành. Hãy tạo sự ấm áp tươi vui cùng chồng con mỗi ngày. Nấu nướng, dọn dẹp, kèm con học… là những gì vợ chồng tôi luôn làm cùng nhau.

Không khó đâu, chỉ cần bạn biết bạn muốn gì và điều gì được bạn ưu tiên vào lúc này.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI