Có ai không nhớ những cái tết Đoan ngọ bên gia đình

22/06/2023 - 11:18

PNO - Có những đứa con xa nhà, mùa "tết giết sâu bọ" đến, chỉ có thể nhìn mấy tấm ảnh trên mạng xã hội mà dằn lòng thôi đừng buồn nhớ.

 

Món truyền thống ngày tết Đoan ngọ
Món truyền thống ngày tết Đoan ngọ

Có lẽ ai cũng có một thuở Tết Đoan ngọ bên gia đình. Đó là những ngày hè xưa xa, khi ta còn là đứa trẻ rong chơi quanh vườn nhà, thế giới gói trọn trong chiếc bánh ú tro hay chùm vải ngọt lịm.

Những đứa trẻ thời chúng tôi đều có rất nhiều "cái Mùng 5" ngồi đợi chén chè đường tán từ mâm đồ cúng. Nhưng bây giờ, rất nhiều đứa con xa nhà lạc xứ, cả chục mùa "tết giết sâu bọ" đi qua, chỉ có thể nhìn mấy tấm ảnh trên mạng xã hội mà dằn lòng thôi đừng buồn nhớ. 

Giờ này ở nhà, má xách chiếc giỏ nhựa đỏ ra chợ huyện, thấy bày bán đủ các loại bánh trái. Ổ bánh tổ vàng nâu, đòn bánh tét tròn xanh, chùm bánh ú tro thơm hương nếp. Các bà các cô lót tấm bạt nhựa trên mặt đất, trải đầy đám lá thảo mộc. Hoa cúc vàng, kim phượng vàng, mấy nải chuối vàng, và nắng cũng vàng tươi. Chợ Mùng 5 đông đúc rộn rã hơn ngày thường.

Giờ  này ở nhà, má hay đi loanh quanh vườn hái lá Mùng 5. Có lá bưởi, hương nhu, ngải cứu, mã đề, lá sả, tía tô, lá dủ dẻ, lá sim, cây chó đẻ, dây bầu đường, lá chè vối… Má bày biện dao thớt ra hiên, cắt mớ lá thành khúc nhỏ, đợi chính Ngọ - khi nắng gắt nhất, sẽ rải lá trên mẹt tre đem phơi.

Lạ kỳ, mới chiều hôm trước còn mưa giông ầm ầm, sớm mai ra đã nắng rất trong. Dường như vạn vật cũng chào đón tết Đoan ngọ. Trưa Mùng 5 năm nào cũng thế, trời quang đãng náo nức lòng người. Dù quê tôi vào mùa nắng rát thịt da, thì mọi người đều mong buổi trưa hôm đó mặt trời phải cháy bỏng. Bởi mẹt lá Mùng 5 cần hấp thụ dương khí của ngày đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần, không nên phơi lá tới hôm sau.

Nắm lá thảo mộc thơm nức mùi nắng, đợi khi khô cong sẽ cất bao để dành nấu nước tắm hoặc sắc nước uống. Nước lá Mùng 5 đắng chát, mát thơm đậm vị, vừa là thứ nước giải nhiệt giảm rôm sảy ngày nắng, vừa là bài thuốc nam giúp tiêu thực, chữa nhức mỏi, trị cảm ho do sự thay đổi thất thường của thời tiết. Thay vì chè xanh hay lá trà khô dễ uống hơn, má sẽ nấu nước lá Mùng 5 tới tận hè năm sau.

Giữa trưa, ba tôi đứng ở đó, mặc chiếc áo dài lam, trải tấm chiếu lát, cắm nén nhang thơm, vái lạy bốn phương, cầu cho mưa thuận gió hoà, cả nhà bình an, tai qua nạn khỏi. Sợi khói nhẹ bay về trời, cây nhang rút khỏi lư cắm ra ngoài ngõ, mấy má con lăng xăng dọn đồ cúng, quây quần bên mâm cơm.

Sau bữa trưa đầy ắp tiếng cười, cả nhà rủ nhau ra vườn cột võng dưới bóng cây tránh nóng. Và bọn trẻ con sẽ lén ba má trốn ngủ trưa bày đủ trò chơi hoặc chạy đùa dang nắng. Khung cảnh thân thương tựa như thước phim tua ngược, chầm chậm trôi về từ ký ức.

Ảnh minh họa
Một mâm cúng tết Đoan ngọ tiêu biểu

Tôi hay thèm được làm đứa trẻ, cứ mãi ngây dại trong vòng tay ba má, được quê nhà vườn xưa ấp ôm chở che. Bằng giờ này ở nhà, chắc hẳn tôi đang phân vân giữa miếng xôi đường đậu đen hay lát thịt vịt chấm mắm gừng. Đâu phải vật lộn với mưu sinh giữa phố thị, chọn nhẫn nhịn hay quyết định đấu tranh. Lớn lên nghĩa là phải đối mặt với biết bao mỏi mệt của đường đời.

Phố xá đang rộn ràng ngày Mùng 5 tháng 5. Liệu có chỗ trống nào dành cho những đứa con xa xứ như tôi trong tấp nập dòng chảy thị thành?

Mộc Yên

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI