Người ta bảo “đàn bà hơn nhau ở tấm chồng”, nhưng với tôi, đàn bà còn hơn nhau ở… tấm mẹ chồng. Mà, ngặt nỗi, “tấm chồng” ban đầu còn “lựa” được, chứ “tấm mẹ chồng” thì… tùy duyên. Ai có phước thì gặp được mẹ chồng tốt thương yêu con dâu như con gái, ai không may gặp phải mẹ chồng khó tính thì hạnh phúc khó vẹn toàn”. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng mẹ chồng có yêu thương con dâu hay không đa phần còn tùy vào cách ứng xử của con dâu trong gia đình chồng.
Nhóm bạn thân thời phổ thông chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau vào những ngày cuối tuần, tụ tập ở nhà người nào đó rồi bày biện, nấu ăn. Trong thời gian các mẹ ở bếp nấu nướng, các ông bố ngồi phòng khách giữ con và tán gẫu. Hội chị em ngoài các đề tài về các ông chồng, chuyện phòng the, làm đẹp, chăm sóc con cái còn có thêm chuyện… kể về mẹ chồng. Thật ra thì khen cũng có mà chê cũng có. Hương là vợ của Phong. Hương trắng trẻo, có giọng nói ngọt ngào, làm việc ở một ngân hàng khá lớn tại thành phố.
Trước khi kết hôn, Phong quen nhiều cô xinh hơn nhưng cuối cùng thì chọn Hương làm vợ. Cưới được Hương, Phong hãnh diện với bạn bè dù ở nhà Phong luôn nằm “kèo dưới”. Ngược lại, Hương thấy chồng cưng chiều nên ngày càng lấn tới và trong những câu chuyện phiếm mà chúng tôi nói với nhau, khi nhắc đến mẹ chồng, Hương có vẻ khó chịu. Hương “kể tội” mẹ chồng ngay cái tết đầu tiên Hương vào bếp nhà chồng. Hương than mẹ chồng khó tính, cổ hủ, quê mùa và hà tiện…
|
Khi tôi (tác giả) sinh đứa thứ hai, mẹ chồng tôi làm hết việc nhà và chăm đứa cháu lớn |
Vài năm sau Hương và Phong ly hôn. Tôi nói với ông xã: “Điều này em đoán trước được qua cách của Hương nói về mẹ chồng”. Thật là khó để sống cùng một người vợ với lời lẽ khó nghe như vậy khi nói về mẹ chồng. Hương luôn cho mình là cô tiểu thư đài các, có học thức, làm việc tại ngân hàng, dù có chồng nhưng vẫn được nhiều người săn đuổi; trong khi Phong chỉ là chàng trai bình thường, dù làm trưởng phòng tín dụng nhưng so với cô thì “lép vế” hơn.
Hương chê mẹ chồng luộm thuộm, nhà cửa bừa bộn, cái bếp ám khói, đồ ăn thì ăn hoài đến khi nào hết mới thôi. Hương đâu biết rằng, những bà mẹ miền Trung, một đời lam lũ, tằn tiện nhưng có thể nuôi 5-6 đứa con ăn học thành tài trong đó có cả chồng Hương. Làm sao có một gia đình bền vững, hạnh phúc khi mà nàng dâu luôn tỏ ra khinh miệt mẹ chồng.
Ngược lại, Ly lại bị bạn bè “gato” khi có bà mẹ chồng quá hoàn hảo. Bà siêng nấu nướng, gọi vợ chồng con cái nhà Ly sang nhà ăn, hỏi con dâu thích món gì bà sẽ nấu vào cuối tuần. Giỗ chạp nhà chồng, bà một mình lo liệu, con dâu đi làm về chỉ việc bưng ra mâm. Đi đâu chơi, bà đều mua quà cho con dâu. Khó tin hơn là không ít tài sản trong nhà đều do con dâu đứng tên với lý do “thằng quý tử của bà sẽ không có cơ hội léng phéng bên ngoài”. Con dâu cần tiền gấp kinh doanh, hỏi mượn, bà mẹ chồng chuyển ngay. Tóm lại, qua lời kể của cô về mẹ chồng, đây đích thực là mẫu “mẹ chồng quốc dân” mà bất cứ nàng dâu nào cũng ao ước.
Hai câu chuyện của cùng một mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu nhưng một bên là “kể tội” một bên là “khoe tội”. Chỉ cần qua lời kể thôi cũng đã hiểu được tình cảm giữa họ ra sao.
Tôi cũng hay kể chuyện mẹ chồng trong những lần bạn bè thân tụ tập. Ban đầu về làm dâu, tôi với bà cũng có chút xung đột. Thế nhưng, trong các cuộc nói chuyện với bạn bè, tôi tránh hoặc ít nói nhất về mẹ chồng vì e rằng mình mới về làm dâu có thể hai mẹ con chưa kịp hiểu nhau. Rồi thời gian trôi đi, các con tôi lần lượt ra đời, một tay mẹ chồng tôi chăm sóc. Lúc tôi ở cữ, mẹ chồng tôi còn phục vụ cơm nước, giặt giũ, đi chợ nấu món ăn tôi thích, rồi mẹ lại dọn dẹp chén bát sau khi tôi ăn xong. Bởi vậy, đối với mẹ chồng, tôi ngày càng thương như mẹ ruột.
Có nhiều thời gian gần nhau, tôi và mẹ hay kể chuyện này chuyện kia với nhau nghe rồi từ từ cảm thông, thấu hiểu. Và đó đến nay, hai mẹ con hầu như không còn chuyện gì gây hiểu lầm. Tôi hiểu rằng, “nhân vô thập toàn”, chẳng ai trên đời là hoàn hảo. Trong mắt các nàng dâu, mẹ chồng thường là người “đóng vai ác” nhưng khi đã hiểu nhau rồi thì dễ chấp nhận những điều chưa được về nhau. Khi đã có tình yêu thương, thấu hiểu, lời kể về mẹ chồng của các nàng dâu sẽ luôn là lời tốt đẹp.
Nhiều người bảo, mẹ chồng vẫn mãi mãi là mẹ chồng nên không bao giờ con dâu có thể là con gái ruột. Thế nhưng, cũng tùy vào hoàn cảnh mỗi người. Bạn bè tôi, nhiều người nhận ra, mẹ chồng hay mẹ ruột, cho dù có không vừa ý với nhau chuyện gì thì khi kể về nhau, “nếu không thương cũng đừng nói lời cay đắng”. Với tôi, điều tuyệt vời hơn cả, là khi lấy chồng tôi có thêm một người mẹ.
Huyền Nga